Sau hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra tháng 11vừa rồi, trong giới văn nghệ sĩ gồm những người như Chu Mộng Long, Lê Thiếu Nhơn, Trần Đình Thu, Lê Học Lãnh Vân,… lại được phen xôn xao trước phát biểu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Lứa văn nghệ sĩ kể trên thi nhau mạt sát, hạ nhục ông Trần Long Ẩn, cụ thể như sau:
Liệu rằng nhạc sỹ Trần Long Ẩn có đúng là phát biểu “Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết.” hay đây chỉ là một trò đê hèn nhằm hạ uy tín, danh dự người nhạc sĩ của “Một rừng cây, một đời người”? Mọi thứ sẽ đóng đinh, mặc nhiên được thừa nhận nếu như không có những lời giải thích rõ ràng, gẫy góc.
Rất may, nguyên văn phát biểu của Nhạc sỹ Trần Long Ẩn được đăng tải trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh như sau: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa.”
Rõ ràng, đoạn cho là phát biểu của ông Ẩn ở trên (“Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết”) chỉ là hàng fake mà thôi.
Trong phát ngôn này, chúng ta thấy rất rõ việc nhạc sĩ Trần Long Ẩn phân chia văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 thành hai mảng nội dung:
Mảng thứ nhất là những tác phẩm văn học, nghệ thuật độc hại, xuyên tạc đường lối cách mạng của Đảng ở miền Nam.
Thực tế là, văn nghệ miền Nam trước 1975 có tồn tại những tác phẩm xuyên tạc, chửi bởi Đảng và nhà nước thật. Điển hình, trong bài hát “Anh vẫn mơ một ngày về” – một bài hát nổi tiếng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa – còn có đoạn:
“Anh vẫn mơ một ngày nào quê dấu yêu không còn Cộng thù”
Như thế tức là, những tác phẩm xuyên tạc, đả kích là có tồn tại thật, và còn được lưu hành rộng rãi thật. Thế nhưng, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng khẳng định rằng đó chỉ là một khía cạnh của văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Ở mảng thứ hai, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng văn nghệ miền Nam trước 1975 vẫn có những tác phẩm thuộc “phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn” và những tác phẩm này cần được biểu dương, tôn vinh, học tập, nhân rộng. Đó là những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, văn chương Bình Nguyên Lộc, thơ Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Thiên Thư,…
Như vậy, trong toàn bộ phát ngôn trên, nhạc sỹ Trần Long Ẩn không hề quy chụp toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại như nhiều người đưa tin và chỉnh sửa thành ảnh. Thậm chí, ông Ẩn còn đưa ra ý kiến cho việc cần nhân rộng, tôn vinh những tác phẩm xuất sắc của các nghệ sĩ miền Nam.
Cùng với đó, vị nhạc sĩ này rất bức xúc khi bày tỏ: “63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm. Cục Biểu diễn nghệ thuật từng bảo tôi: “Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”. Tôi nghe sốc và đau lắm. Không được đâu. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được”.
Xin được thông tin thêm đến quý độc giả, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng: trên mảnh đất miền Nam có sự tồn tại của dòng văn học nghệ thuật kháng chiến ở vùng giải phóng, dòng văn học yêu nước, tiến bộ ở vùng tạm chiếm; dòng văn học, văn nghệ phản chiến; nhưng song song với nó vẫn có tàn dư của văn hóa phản động, cổ vũ Mỹ ngụy.
Vậy nên, quan điểm chính hiện nay là ủng hộ việc đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc phổ biến các giá trị đích thực của văn học nghệ thuật miền nam trước 1975 trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, đoàn kết mọi người cùng nhìn về một phía, thực hiện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa văn nghệ.
Nhận thức được như vậy, lại là một nghệ sĩ tâm huyết với sáng tạo nghệ thuật, những gì nhạc sĩ Trần Long Ẩn phát biểu thực chất không hề sai, mà còn vô cùng hợp lý và đáng được ghi nhận. Hoàn toàn không có chuyện ông tấn công, phủ nhận sạch trơn nền văn học, nghệ thuật đó như những kẻ xấu bụng đã nêu.
Tuy nhiên, việc các văn nghệ sĩ khác như Chu Mộng Long, Lê Thiếu Nhơn,… liên tục mạt sát, chửi bởi, đưa thông tin sai lệch về phát ngôn của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã bôi xấu hình ảnh của ông trong mắt người đọc và những người hâm mộ. Nhìn rộng ra có thể thấy hàng loạt các bài viết khác xuất hiện trên các kênh như RFA, VOA, Tiếng dân… đều có chùm bài ca ngợi, khẳng định giá trị không thể thay thế được của văn học miền Nam trước 1975, rồi từ đó ca ngợi nền chính trị ngụy quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Tất cả những điều kết hợp đã tạo ra một làn sóng truyền thông độc hại: vừa vùi dập một tiếng nói cá nhân rạch ròi phân minh, hợp lý; lại vừa nhân đó để tôn vinh một chế độ giả dối ngụy tạo do Mỹ lập ra là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức chính trị của người dân, đến việc nhìn nhận lịch sử dân tộc. Do đó, khi tiếp nhận thông tin, độc giả cần hết sức tỉnh táo, cần chú ý để có sự đánh giá và đề phòng đúng mực.
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ