Trang chủ Biển - Đảo Một mình Việt Nam sẽ đơn độc!

Một mình Việt Nam sẽ đơn độc!

182
0
Những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông thời gian qua cho thấy nhiều nước thuộc khối không dám nói ra tiếng nói bảo vệ thành viên của mình. Và một mình Việt Nam chúng ta đối đầu, đối phó với sự tham vọng, leo thang của Trung Quốc được ví như “cánh chim lẻ đàn”.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang hành động hung hăng không chỉ để giành quyền kiểm soát về mặt quân sự, mà thậm chí còn quan trọng hơn là để áp đặt một chế độ thống trị thay thế đối với tuyến đường cửa ngõ vô cùng quan trọng này, dựa trên luật pháp trong nước của Trung Quốc và quan điểm của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển.Một mình Việt Nam sẽ đơn độc!
Bành trướng kiểu Trung Quốc
Trong gần 4 thế kỷ qua, các đại dương được xác định theo nguyên tắc pháp lý (sau đó được điển chế hóa trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển) là tài sản chung toàn cầu, mà chủ quyền quốc gia đối với chúng bị giới hạn và hoàn toàn phụ thuộc vào các vùng đất liền tiếp giáp. Tuy vậy, cơ chế mang ý nghĩa sống còn này lại đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Biển Đông.
Và một trong những chiến lược được đưa ra để thực hiện tham vọng bành trướng đó là “đường lưỡi bò”. Đưa “đường lưỡi bò” phi pháp vào các bản đồ, ấn phẩm văn hóa, văn bản hành chính, công khai nhắc nhiều lần trên các phương tiện truyền thông…đã được Trung Quốc thực hiện trong nhiều năm qua.
Tức là, Bắc Kinh tìm cách sử dụng sức mạnh dân tộc Trung Hoa để áp đặt hệ thống thẩm quyền của riêng họ đối với các nước láng giềng Đông Nam Á. và Việt Nam đang làm tâm điểm của cách áp đặt này.
Cuộc xâm chiếm Hoàng Sa trước đó và năm 1988 lần đầu tiên Trung Quốc đặt chân thường trú trên quần đảo Trường Sa sau khi sử dụng vũ lực đánh chiếm một số đảo của Việt Nam. Hành vi này vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực – một nguyên tắc có tầm quan trọng bậc nhất, là nền tảng của hệ thống pháp lý quốc tế sau năm 1945.
Căng thẳng chưa dừng lại ở những sự chiếm đóng những đảo của Việt Nam từ trước. Mà nay, nó còn diễn ra với cường độ, quy mô lớn hơn, nhưng cũng tinh vi hơn đúng với bản chất lươn lẹo của Bắc Kinh. Theo đó, giới chức nước này muốn dựa vào lực lượng dân sự và bán quân sự để cưỡng ép các nước láng giềng. Họ đã cử rất nhiều tàu tàu hải cảnh và tàu dân quân biển, rồi tàu khảo sát… xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Rất nhiều vụ việc đó để thấy Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội và thủ đoạn tuyên truyền về “đường lưỡi bò” để không gì khác hơn là mưu chiếm biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam. Người Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền sai trái về biển Đông đối với chính người dân nước họ, mà còn tiến xa hơn rất nhiều.
Ở diện rộng là việc quan chức Trung Quốc ngang ngược tuyên bố trắng trợn trên nhiều diễn đàn quốc tế. Cụ thể mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã rêu rao giọng điệu ngang ngược khi đề cập đến bãi Tư Chính và quần đảo Trường Sa của Việt Nam..v..v.
Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế, lộ rõ bản chất của một một đế quốc hám lợi, nhưng các nước bị xâm phạm lợi ích vầ cộng đồng quốc tế chưa thể dùng vũ lực để phản kháng.

Một mình Việt Nam sẽ đơn độc!
Sức mạnh của khối ASEAN trong vấn đề Biển Đông đang bị dư luận quốc tế đặt dấu hỏi

Một mình Việt Nam thì đơn độc, còn khối ASEAN đang suy giảm sức mạnh
Biển Đông nối liền Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương và khu vực giàu có này đã trờ thành “yết hầu” của Đông Á.
Để đối phó lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, không gì hơn lúc này, ngoài những chiến lược của Đảng, Nhà nước để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì mỗi người dân Việt Nam từ công việc của mình, từ vị trí công tác hay địa phương mà mình sinh sống, hãy tự ý thức được việc đề kháng, không để âm mưu tuyên truyền sai trái của Trung Quốc tác oai tác quái như một thứ nọc độc.
Đừng khờ khạo đến mức mơ hồ như trường hợp một vị Hội đồng Thẩm định phim từng  phát biểu rằng ‘hình ảnh “đường lưỡi bò” “chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá”, khi liên quan đến việc để lọt lưới “đường lưỡi bò” trong phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”.
Mặt khác, với sự mở rộng sự áp đặt của Trung Quốc bằng chiến lược “đường lưỡi bò” đã đẩy vấn đề an ninh khu vực không còn là câu chuyện của một mình Việt Nam với Trung Quốc. Mà còn là trách nhiệm chung của các thành viên ASEAN và các quốc gia khác có trách nhiệm vì nó liên quan đến vấn đề an toàn tự do hàng hải trên Biển Đông.
Nói về ASEAN, đến nay, đại gia đình ASEAN gồm 10 thành viên, trừ Timor Leste, trong đó có 9 quốc gia ven biển và quốc đảo. Với đặc trưng như vậy, có thể gọi là một “ASEAN biển”.
Được xây dựng trong sự đa dạng chưa từng có, là quê hương của một trong những quốc gia lớn nhất (Indonesia) và nhỏ nhất (Brunei) cũng như nước giàu có nhất (Singapore) và nghèo nhất (Myanamar) trên thế giới, có các nền tảng tôn giáo (Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Phật giáo) và các chế độ chính trị vô cùng đa dạng.
ASEAN đã quản lý sự hội nhập khu vực tiến bộ này thông qua nguyên tắc tham vấn và đồng thuận, hai trụ cột chính của cái gọi là “phương thức ASEAN”. Tiến trình ra quyết định bao gồm tất cả này mang đến đủ tiếng nói và sự tin tưởng cho một tập thể đa dạng cùng nhau chung sống dưới một chiếc ô tổ chức chung.
Tuy nhiên, vấn đề đã thay đổi khi nguyên tắc đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận thực tế cho từng thành viên, bất kể loại lợi ích hay mức độ trách nhiệm nào, cũng có quyền phủ quyết đối với phương hướng phản ứng của ASEAN đối với hầu hết những thách thức chiến lược, đặc biệt là những tranh chấp tại Biển Đông. Tức là, sự dàn xếp thể chế này không còn phù hợp trong thời đại hiện nay.
Chẳng hạn như, việc Campuchia chịu sự chi phối của Trung Quốc ‘để phá hoại ASEAN ’ trên vấn đề Biển Đông mặc dù nước này không có lợi ích trực tiếp trên vùng biển này.
Liên quan đến vấn đề này, Nhà nghiên cứu Richard Heydarian, PGS chính trị học thuộc Đại học De La Salle, Philippines, được đánh giá là người am hiểu tình hình khu vực đã nhận định rằng: “Chúng ta không thể chê trách họ (Campuchia) bởi vì trên quan điểm của họ thì tại sao họ phải gánh lấy rủi ro là chọc giận Trung Quốc vốn là nguồn đầu tư chính và là nước ủng hộ chủ chốt cho nước họ về mặt ngoại giao.”
Theo đó,  vị giáo sư này đề xuất ‘cách tốt nhất để duy trì cơ chế đa phương và giúp cho khối ASEAN trở nên hiệu quả hơn là xây dựng cơ chế tiểu đa phương (mini-lateralism) giữa các nước chủ chốt trong ASEAN và tăng cường sự tiếp xúc giữa các nước Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) với các nước chủ chốt trong ASEAN . Những nước chủ chốt trong ASEAN (ngũ cường) này mà ông nêu ra là Indonesia, Thái Lan, Philippines Malaysia và Việt Nam.
Nói cách khác, cấu trúc ASEAN giờ đây không còn bền vững để tạo cho các thành viên có tâm lý yên tâm, nương tựa như trước nữa. Sức mạnh của khối dường như đã bị “bẻ gãy” vì sự mù mờ, hám lợi của một số thành viên trước “bẫy đầu tư”, viện trợ của Trung Quốc. Song song, chuyện Philippines có quyết định đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cũng một phần họ cảm thấy ASEAN không làm được gì trong vấn đề tranh chấp này.
Vậy là, ASEAN – mô hình thành công nhất của sự hội nhập khu vực trong thế giới hậu thực dân, giờ ngày càng trở nên bất lực trong việc kiềm chế Trung Quốc làm xói mòn trật tự dựa trên quy tắc của khu vực vốn được định hướng bằng nguyên tắc không gây hấn, tránh xung đột và chủ nghĩa đa phương tự do.
Rõ ràng, những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông thời gian qua cho thấy nhiều nước thuộc khối không dám nói ra tiếng nói bảo vệ thành viên của mình. Và một mình Việt Nam chúng ta đối đầu, đối phó với sự tham vọng, leo thang của Trung Quốc được ví như “cánh chim lẻ đàn”.
Theo đó, có một vấn đề đặt ra ở đây là: Liệu mô hình ‘tiểu ASEAN’ như Nhà nghiê cứu Richard Heydarian đề cập ở trên có khả thi và có được sự ủng hộ của các nước ASEAN hay không?
Dù sao đi nữa, việc Trung Quốc trơ trẽn bất chấp luật pháp quốc tế và nhạo báng các chuẩn mực của khu vực mà không bị trừng phạt, phản kháng phần nào nói lên sự bế tắc về thể chế của ASEAN. Điều này cũng có nghĩa, mô hình ‘tiểu ASEAN” cũng đáng để các nước thành viên có chung lợi ích trên Biển Đông cân nhắc, trong bối cảnh ASEAN không còn giữa được tính đoàn kết vững chắc như thời kỳ hậu thực dân.
Chính câu chuyện của Campuchia hay Philippines đang là bài học trước mắt mà các quốc gia thành viên khối ASEAN phải nghiêm túc nhìn nhận.

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây