Có lẽ nhiều người đều biết Nguyễn Đình Cống là một vị GS, ấy vậy mà ông ấy đăng đàn trên trang mạng xã hội với tiêu đề: “Bàn về ổn định xã hội”, nhưng nội dung chẳng tương xứng với học vị của ông chút nào.
Với cách tiếp cận vấn đề và lập luận hết sức cơ học, có phần thô thiển khi bàn về ổn định xã hội. Cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của Nguyễn Đình Cống chứng tỏ mức độ hiểu biết, trình độ uyên bác của ông ta về lĩnh vực xã hội rất mù mờ.
Nguyễn Đình Cống chuyên đăng tải trên trang ‘Tiếng dân’ những bài viết có tính chất quy chụp, xuyên tạc vô lối
Với một vài dẫn chứng, sau đó quy chụp mang đầy tính hằn học đã cho thấy, ông ta cũng chẳng phải là một công dân có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân để chung sức xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh, khi nêu ra tám nội dung và cho rằng, ở nước ta mất ổn định xã hội. Đấy là sự xuyên tạc với dụng ý xấu, bởi lẽ:
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thành công, thiết lập Nhà nước công – nông năm 1945, nhân dân ta từ thân phận nô lệ, tôi tớ đã trở thành người làm chủ thực sự. Điều đó đã khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Cách mạng Việt Nam, điều mà không có thế lực nào có thể làm được chứ chưa nói đến việc phủ nhận. Thực tiễn cho thấy, chính dân tộc Việt Nam đã giao sứ mệnh lịch sử cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước và lãnh đạo toàn xã hội. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy không thể nói đó là một đảng chuyên quyền như Nguyễn Đình Cống đề cập.
Không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Nguyễn Đình Cống còn xuyên tạc, bịa đặt về giáo dục Việt Nam. Chúng ta đều biết, những thành tựu nổi bật trong giáo dục ở Việt Nam là điều không ai có thể phủ nhận. Nước ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục – đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục – đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Chi ngân sách cho giáo dục – đào tạo ngày càng tăng. Đã hoàn thành sớm mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách công bằng trong giáo dục; hệ thống các trường phổ thông nội trú và bán trú được củng cố và mở rộng. Các trường đã và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về hạ tầng cơ sở đảm bảo cho việc dạy và học có chất lượng tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Như vậy, việc nêu vấn đề “giáo dục của Việt Nam” trong bài viết của Nguyễn Đình Cống là thiếu tính khách quan, khoa học. Thực chất, đây vẫn là mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch mà Nguyễn Đình Cống là một phần tử “tích cực”.
Vì vậy, chúng ta phải nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta theo kiểu này; tránh mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn thật – giả dẫn đến dao động về tư tưởng, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hãy kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch./.
Nguồn: Đấu trường dân chủ