Ngày 28/11/2019, BBC đưa tin, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) hôm 27/11/2019 đã phát đi thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay “chiến dịch đe dọa và quấy rối này và cho phép Nhà xuất bản Tự do và những người có liên quan thực hiện quyền tự do ngôn luận”.
Thông cáo nói “cuộc đáp áp này làm trầm trọng thêm bầu không khí sợ hãi phổ biến ở Việt Nam, nơi chính quyền hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, và nơi người dân đối mặt với việc bị bắt giữ và bỏ tù chỉ vì nói lên ý kiến của mình.”
Một số “bệnh phẩm” do Nhà xuất bản Tự Do đã ấn hành
Những nội dung trong thông cáo trên không có gì lạ, bởi từ trước đến nay HRW và AI chưa bao giờ tỏ ra có thiện chí với Việt Nam, và đó cũng là 02 tổ chức mà từ sự tự thị thiếu văn minh, họ tự cho mình có “quyền” can thiệp vô lý, thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia có chủ quyền khác.
HRW và AI cần hiểu rằng, dù khẳng định quyền giữ vững quan niệm không bị ai can thiệp, quyền tự do phát biểu quan điểm của con người trong xã hội, thì Công ước của LHQ cũng đồng thời khẳng định để thực hiện các quyền đó, con người có bổn phận, trách nhiệm đặc biệt, quyền này có thể bị giới hạn bởi pháp luật khi có liên quan với quyền tự do và thanh danh của người khác, với an ninh quốc gia, với trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý. Nghĩa là, các quyền đó không phải là không có giới hạn, trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp; cũng nghĩa là LHQ tôn trọng quyền tự chủ của mỗi quốc gia. Về các quyền này, Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng viết rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Cái gọi là “Nhà xuất bản Tự Do” mà HRW và AI lu loa rằng “đang có chiến dịch đe dọa và gây rối” thực chất chỉ là một tổ chức hoạt động ngoài vòng pháp luật, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Được thành lập vào ngày 14/2/2019, với khẩu hiệu tự PR là “lan tỏa tri thức, tự do thông tin” nhưng đây chính là nơi tàng trữ, tán phát các tài liệu có nội dung vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, ra sức tuyên truyền, cổ súy cho dân chủ tư sản phương Tây; cũng như thực hiện các hoạt động bảo kê, dung dưỡng cho các đối tượng chống phá nhà nước. Hoạt động phát hành một loạt “bệnh phẩm” của nữ lưu dân chủ Phạm Đoan Trang do Nhà xuất bản Tự Do thực hiện thời gian qua như “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực”… chính là một ví dụ điển hình.
Và rõ ràng, trước những hoạt động nguy hiểm của “Nhà xuất bản Tự do”, việc các cơ quan chức của Việt Nam tiến hành một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn như giáo dục, răn đe, xử phạt hành chính, khóa tài khoản ngân hàng… là cần thiết, nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước, tổ chức và đại đa số công dân. Việc HRW và AI cho rằng “cuộc đáp áp này làm trầm trọng thêm bầu không khí sợ hãi phổ biến ở Việt Nam, nơi chính quyền hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, và nơi người dân đối mặt với việc bị bắt giữ và bỏ tù chỉ vì nói lên ý kiến của mình” là toàn sai sự thật, không có cở sở.
Thiếu sự khách quan, thiếu thiện chí, HRW và AI không chỉ can thiệp vào “công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ” của Việt Nam như Hiến chương LHQ khẳng định, mà còn cổ vũ, tiếp tay cho cái xấu, qua đó đã tự hạ thấp giá trị của chính mình./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới