Trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước chiều nay (26/11), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử cho Kiểm toán nhà nước là cần thiết và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, về quyền hạn của Trưởng Đoàn kiểm toán trong truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, có ý kiến đề nghị quy định quy trình khai thác và tiếp cận dữ liệu điện tử quốc gia hợp lý hơn, bảo đảm các quy định về bí mật nhà nước, bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; Có ý kiến cho rằng phải thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là chưa hợp lý.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với ý kiến đại biểu về việc truy cập, khai thác thông tin, trong đó có thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật cá nhân đều phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng theo tinh thần Hiến pháp, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân…
Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung cụm từ “việc truy cập phải tuân thủ quy định của pháp luật”. Đồng thời, để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định, tránh việc vận dụng tùy tiện, và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, dự thảo bỏ quy định phải thống nhất về phạm vi truy cập, khai thác dữ liệu điện tử.
Khi thực hiện kiểm toán, được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.
Để chặt chẽ, dự thảo luật đã thể hiện theo hướng trưởng đoàn kiểm toán được ủy quyền truy cập cho thành viên đoàn kiểm toán nhưng việc ủy quyền phải bằng văn bản, phải theo quy định của pháp luật và vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc đã ủy quyền đó.
Đồng thời, để xác định rõ phạm vi truy cập, tránh việc lạm quyền ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, dự thảo luật quy định chỉ được truy cập dữ liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.
Một trong những sửa đổi quan trọng khác là quy định các đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Quy định này nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho Kiểm toán nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Lần sửa đổi này, luật cũng bổ sung quy định về quyền của đợn vị được kiểm toán. Đó là, khiếu nại về hành vi của thành viên đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính cũng là quyền của đơn vị được kiểm toán.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước thông qua chiều 26/11, với 94% đại biểu tán thành và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Vân Anh/VOV
Nguồn: Cánh cò