Phương án giải quyết hậu sự cũng đã được chốt. Chính phủ với trách nhiệm cao nhất sẻ ứng ra kinh phí để đảm bảo thời gian đưa thi hài những người xấu số về nước, sau đó gia đình nạn nhân xoay sở hoàn trả lại. Công văn thông báo cho địa phương và gia đình về chi phí đưa nhận thi hài hoặc tro cốt nạn nhân từ Anh về Việt Nam ghi rất rõ dao động từ 41 đến 66 triệu đồng (bằng 50% so với giá thị trường). Vậy là, nợ chồng nợ, số tiền cả tỷ đồng gom góp vay mượn cầm cố để đưa con anh đi tây còn treo lơ lửng đấy nay lại gánh thêm số nợ mới. Rồi thì cái đói, cái nghèo cứ mãi bám riết lấy những con người cùng khổ ấy.
Chọn lựa tiếp rước thi hài hoặc tro cốt thì không ai thay mặt gia đình nạn nhân được. Thế nhưng, chi phí cho hành động nhân đạo này vẫn có nhiều cách giải quyết khác. Chúng ta từng có hãng hàng không tài trợ nguyên chuyến bay cho đội tuyển bóng đá Việt Nam, sao không kêu gọi một chuyến bay từ thiện cho 39 người con bất hạnh được trở về xứ sở? Một bi kịch đầy nước mắt của hành trình mưu sinh, nợ áo cơm và nghĩa đồng bào cần được sự chung tay đồng lòng của nhiều giới, nhiều ngành.
Chúng ta hiện có tới 714.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó không ít những doanh nghiệp lớn như Sungroup, BRG, TNR, Mường Thanh, Him Lam, Thaco, Hyndai Thành Công, Viettel… mỗi năm sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, lẽ nào họ không rộng lượng ủng hộ chi phí cho 39 nạn nhân được quay lại đất mẹ thương yêu?
Người Việt Nam vốn có truyền thống tương thân tương ái. Hơn nữa, nghĩa tử là nghĩa tận, không ai nỡ hẹp hòi, không ai nỡ ích kỷ, không ai nỡ tính toán. Chia sẻ với người mất cũng là trân trọng người còn. Tổng cộng chi phí khoảng 2,6 tỷ đồng cho 39 mảnh đời éo le trút hơi thở cuối cùng nơi xứ lạ, không phải con số quá lớn để những mạnh thường quân phải đắn đo.
39 người con của Tổ quốc đang nằm lại lạnh lẽo nơi đất khách, cũng đồng nghĩa với 39 gia đình mất người thân, 39 người cha người mẹ mất 39 con, 25 đứa trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 2 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 2 đứa trẻ sẽ chào đời không biết mặt bố. Người mất thì cũng đã mất rồi, nhưng người sống có lẽ những ngày qua cũng đang sống mòn, vẫn khắc khoải một tâm nguyện: “dù có phải vay mượn, bán nhà cũng phải đưa thi thể con về“.
Ở đời, chẳng ai muốn gặp trắc trở phải tha hương lầm lạc. Chẳng may, trắc trở xảy ra thì nỗi đau riêng thành nỗi đau chung. Nhất là những vùng nông thôn đã quen tối lửa tắt đèn có nhau, một người nằm xuống thì khăn tang trắng đồng xót xa khôn nguôi. Giải quyết hậu sự cho 39 nạn nhân đã lìa trần trong tuyết lạnh nước Anh, vấn đề không phải là tiền bạc, mà là tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” đã được bồi đắp qua bao thế hệ người Việt.
Hà Nhiên
Nguồn: Cánh cò