Việc luân chuyển, cân nhắc bổ nhiệm, đề cử lẫn lộn như vừa qua đang làm cho hệ thống của chúng ta ít có thiết chế nào hoạt động thật sự chuyên nghiệp và hiệu quả.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Thật to lớn những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới! Từ một đất nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng đầu thế giới. Từ một đất nước nghèo đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với tỷ lệ người nghèo theo chuẩn quốc tế năm 2018 chỉ còn 5,35%.
Trong hàng chục năm trời, GDP của Việt Nam luôn đạt mức cao nhất nhì trong khu vực (luôn ở mức trên dưới 7%). Kể không hết là những thành tựu của 30 năm đổi mới!
Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra sau hơn 30 năm đổi mới lại không hề nhỏ. Thách thức đầu tiên là cạnh tranh quốc tế. Nếu tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP năm 1985 đạt 18,2%, thì năm 2000 là 96,5% và năm 2013 là 153,9%. Điều này có nghĩa là độ mở của nền kinh tế của chúng ta rất lớn; là phần lớn sự giàu có của chúng ta đang đến từ ngoài biên giới quốc gia; là cạnh tranh đang gõ cửa từng nhà, từng thiết chế cấu thành nên nền quản trị quốc gia của chúng ta.
Cạnh tranh thì không chỉ là giữa những người dân việt Nam với những người dân của các nước khác, giữa những doanh nghiệp Việt Nam với những doanh nghiệp của các nước khác, mà quan trọng nhất là giữa nền quản trị quốc gia của Việt Nam với nền quản trị quốc gia của các nước khác.
Linh hồn của Đổi mới 2.0 chính là chuyên nghiệp hóa cán bộ.
Hai là, áp lực phải cải cách nền quản trị quốc gia đến không chỉ từ cạnh tranh quốc tế, mà còn từ đòi hỏi của đời sống nội tại. Trong hơn 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những cải cách theo hướng tự do hóa.
Tự do hóa nông nghiệp chính thức bắt đầu từ Khoán 10 (năm1988) đã biến nước ta từ nước thiếu ăn trở thành nhà xuất khẩu gạo (và nhiều nông sản khác) đứng hàng đầu thế giới. Việc mở rộng quyền tự do kinh doanh và từ bỏ độc quyền ngoại thương của Nhà nước, đặc biệt là từ khi có Luật công ty (năm1990), Luật doanh nghiệp tư nhân (năm1990), đã giúp các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển vượt bậc, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu ít quốc gia đang phát triển nào sánh kịp.
Tuy nhiên, động lực mà tự do hóa mang lại đã được khai thác đến ranh giới tận cùng của nó. Ngoài ra, những hệ lụy tiêu cực mà tự do hóa mang lại là không hề nhỏ.
Đó trước hết là tình trạng chênh lệch giàu nghèo đang dần vượt qua giới hạn an toàn và đang đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn sự gắn kết xã hội. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ồ ạt. Môi trường sống bị hủy hoại nặng nền. Tự do hóa rõ ràng không thể giải quyết được mọi vấn đề của chúng ta. Những cải cách tiếp theo rõ ràng phải đi theo hướng khác.
Ba là, áp lực phải cải cách còn đến từ sự bùng nổ của cách mạng thông tin và truyền thông và cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ tính riêng internet, hiện nay, nước ta có đến trên 64 triệu người truy cập và sử dụng, và con số này vẫn đang tăng lên hết sức nhanh chóng hàng ngày.
Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là tuyệt đại đa số những người sử dụng internet đều thuộc về thế hệ trẻ, thế hệ đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Tiếp cận với internet nghĩa là có cả thế giới trên 10 đầu ngón tay.
Cơ hội của hàng chục triệu người dân kết nối với nhau, mở rộng kiến thức, khám phá sự thật là động lực to lớn để phát triển, nhưng đồng thời cũng là thách thức không kém phần to lớn, nếu chúng ta không có được những cải cách tương ứng và kịp thời.
Những áp lực trên hiện hữu vào thời điểm Đảng ta đang nghiên cứu, xây dựng những văn kiện định hướng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước trình Đại hội lần thứ XIII.
Phải chăng đây là thời điểm phù hợp để chia sẽ những ý tưởng về nội hàm của công cuộc đổi mới trong thời gian sắp tới.
Khi Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XIII của mình, 20 năm nữa của thiên niên kỷ mới lại đã trôi qua. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Các dân tộc khác đang bỏ chúng ta lại ở phía sau ngày một xa hơn. Chính vì vậy, phải đổi mới để phát triển nhanh hơn và bền vững hơn. Và đây chính là công cuộc ĐỔI MỚI 2.0 của đất nước.
Xét từ góc độ kỹ trị, nếu những đổi mới được chúng ta tiến hành trong hơn 30 năm qua chủ yếu là theo hướng tự do hóa, thì những đổi mới của chúng ta từ nay trở đi phải theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Chuyên nghiệp hóa chính là nội dung cơ bản, chính là linh hồn của ĐỔI MỚI 2.0. Những đổi mới theo hướng tự do hóa thật sự đã mang lại sự phát triển khá ngoạn mục cho đất nước. Tuy nhiên, tự do hóa chỉ tạo ra khuyến khích (và nó cũng đã được khai thác cơ bản đến giới hạn cuối cùng). Chuyên nghiệp hóa mới tạo ra đẳng cấp và hiệu quả cao.
Cải cách theo hướng tự do hóa là không dễ, khi di sản chúng ta thừa kế là một nền quản trị tập trung, quan liêu, bao cấp. Tuy nhiên, cải cách theo hướng chuyên nghiệp hóa sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tự do hóa thì đơn giản là như thế này: trước đây không cho phép, thì bây giờ cho phép; trước đây cho phép ít hơn, thì bây giờ cho phép nhiều hơn.
Còn chuyên nghiệp hóa thì phải có sự hiểu biết, phải có kỹ năng và phải có phẩm chất.
Chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ sự phân công lao động rạch ròi, hợp lý và khoa học giữa các thiết chế tạo nên hệ thống chính trị của chúng ta. Quan trọng là phải xóa bỏ được sự chồng chéo, trùng lắp giữa Đảng với Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức xã hội; giữa Trung ương với địa phương.
Chuyên nghiệp hóa còn bắt đầu từ việc phân định rạch ròi các loại hình lao động trong hệ thống. Làm chính khách không lẫn lộn với làm quan chức điều hành. Làm công chức không lẫn với làm chính trị. Một công chức giỏi không nhất thiết có thể trở thành một chính khách giỏi. Đây là hai loại hình lao động khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau.
Việc luân chuyển, cân nhắc bổ nhiệm, đề cử lẫn lộn như vừa qua đang làm cho hệ thống của chúng ta ít có thiết chế nào hoạt động thật sự chuyên nghiệp và hiệu quả.
Chuyên nghiệp hóa thể hiện ở kỹ năng nghề nghiệp. Ai làm nghề gì thì phải giỏi nghề đó. Làm chính khách thì phải giỏi hoạch định chính sách và thúc đẩy chính sách; Làm công chức thì phải giỏi thực thi chính sách và pháp luật; làm viên chức thì phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; làm doanh nhân thì phải giỏi kinh doanh. Phẩm hạnh và giá trị của con người phải được đánh giá trước hết bằng việc thạo nghề của họ. Không nên khuyến khích việc nhảy choi choi từ viên chức sang công chức, từ công chức sang chính khách như hiện nay.
Chuyên nghiệp hóa thể hiện ở thái độ đối với nghề nghiệp. Làm nghề gì thì yêu quý nghề đó. Mỗi người, mỗi ngày đều phấn đấu liên tục để hoàn thiện không ngường kỹ năng nghề nghiệp của mình. Từ việc nấu ăn, đến việc lái xe. Tất cả mọi việc đều có thể được hoàn thiện không ngừng, đều có thể ngày hôm sau làm tốt hơn ngày hôm trước. Tất cả mọi việc đều có thể nâng từ kỹ thuật lên thành nghệ thuật. Đây chính là cách cư xử của người Nhật Bản và đây cũng chính là chìa khóa thành công của đất nước Nhật Bản.
Tóm lại, để vượt qua thách thức của thời cuộc, ĐỔI MỚI 2.0 là câu trả lời của chúng ta. Và linh hồn của ĐỔI MỚI 2.0 chính là chuyên nghiệp hóa.
Nguồn: Tuần Việt Nam