Đối với người Việt mình, nghĩa tử là nghĩa tận nên chuyện hậu sự cho người qua đời là vô cùng quan trọng. Vì vậy, mong muốn được lần cuối thấy mặt và lo liệu cho người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đa số nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, vay nợ đến cả tỉ đồng để sang Anh mong tìm cơ hội đổi đời, tiếc rằng giấc mộng chưa thành đã phải bỏ mạng nơi đất khách. Gánh nặng giờ đây đổ dồn lên vai người thân họ ở quê nhà, nợ cũ chưa trả xong, nay cũng không thể lo đủ kinh phí để đưa con em mình về lo hậu sự.
Dẫu biết rằng ròng rã suốt một tháng trời qua, Chính phủ, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, các tổ chức thiện nguyện và một số người Việt tại Anh đã làm hết sức mình để không chỉ xác minh danh tính nạn nhân mà còn vận động để phía Anh giảm chi phí vận chuyển, lo giấy tờ, thủ tục, cố gắng đưa tro cốt/thi hài về nước với chi phí tối giản nhất, để giảm gánh nặng cho thân nhân của họ. Được biết, chi phí hiện tại để đưa lọ tro hoặc thi hài nạn nhân từ Anh về Việt Nam từ 41 đến 66 triệu đồng, là đã giảm 50% so với thực tại.
Và có lẽ thấu cảm với những đau thương mất mát cũng như niềm mong mỏi đón con về của gia đình các nạn nhân mà biết rằng để gom đủ số tiền sẽ chẳng phải là chuyện một sớm một chiều. Nhưng tiếp tục chờ là tiếp nối chuỗi ngày đau đớn mỏi mòn của họ, vậy nên Chính phủ đã quyết định ứng kinh phí hỗ trợ việc đưa thi thể 39 người tử vong về quê an toàn. Theo thông báo từ thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thì: “Trước mắt, Chính phủ với trách nhiệm cao nhất sẽ ứng ra kinh phí để đảm bảo thời gian đưa di hài/thi hài những người xấu số về nước”.
Thông báo trên được đưa ra sáng nay chắc rằng ngày về của 39 nạn nhân sẽ chẳng còn xa nữa, nhưng số tiền tạm ứng ấy sau này vẫn là một gánh nặng trên vai những gia đình người bị nạn. Nợ chồng nợ, sẽ bám riết lấy những con người cùng khổ ấy, và họ những ngày qua đã bằng nhiều cách thông qua báo chí, qua mạng xã hội gửi đi những lời khẩn cầu lắm thay những cánh tay chìa ra, những tấm lòng sẻ chia của các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ một phần kinh phí đưa con em mình về quê nhà an táng.
Ông Nguyễn Đ.D. (trú tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) – chú ruột của anh Nguyễn Đ.L., ngậm ngùi chia sẻ: “Hiện tại gia đình cháu L. kinh tế rất khó khăn, việc gia đình phải tự lo liệu số tiền trên 60 triệu đồng để đưa thi hài L. về Việt Nam là điều rất khó. Vậy nên, gia đình hiện giờ chỉ mong sao nhà nước cũng như kiều bào ở nước Anh giúp đỡ hỗ trợ gia đình. Cháu L. mất đi giờ còn nợ chưa trả, giờ gia đình chẳng biết bám víu vào đâu“. Còn Ông Nguyễn Đình Gia (trú xóm Thanh Mỹ, H.Can Lộc), bố của nạn nhân Nguyễn Đình Lượng (SN 1999) khẩn cầu: “Gia đình chỉ mong nhìn thấy thi thể con nguyên vẹn trở về quê. Rất mong nhà nước ta và chính phủ Anh, các mạnh thường quân hỗ trợ để chúng tôi có thể thực hiện được nguyện vọng đưa cháu về quê mai táng”.
Trước sự mất mát, đau thương khôn lường của 39 con người, 39 gia đình và hàng trăm thân nhân gia quyến, cho dù ở chân trời góc biển nào đó hay địa lý xa xôi, nhưng tình cảm, sự đùm bọc, bao dung và che chở của những người con đất Việt luôn không có ranh giới và hạn định, đó cũng là biểu hiện, là minh chứng cho giá trị cốt lõi về tinh thần đoàn kết, nét đẹp nhân văn, truyền thống tốt đẹp về sự tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, nghĩa tử là nghĩa tận…
Trên tinh thần đó thông qua bài viết này, Cánh Cò muốn nhắn nhủ và kêu gọi toàn thể bà con cộng đồng, các doanh nghiệp, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân ở mọi nơi, mọi miền trên lãnh thổ với những hành động thiết thực, dù ít dù nhiều, tích tiểu thành đại, chúng ta sẽ cùng nhau chung tay góp sức nhằm chia sẻ, xoa dịu và làm vơi đi những mất mát đau thương vô hạn mà 39 gia đình người bị nạn đang phải chịu đựng.
Qua xác nhận của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn được biết, đã có một số doanh nghiệp lên tiếng hỗ trợ việc này. Trước đó, Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã gửi 620 triệu đồng hỗ trợ nhân đạo cho 31 gia đình có người thân tử nạn, mỗi gia đình 20 triệu đồng.
… Vẫn mong lắm thay những tấm lòng để các nạn nhân không còn phải cô đơn, lạnh lẽo ở xứ người.
Nguồn: Cánh cò