Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thầy, cô có hạnh phúc không?

Thầy, cô có hạnh phúc không?

146
0

Khi đặt câu hỏi này cho các thầy cô giáo thì kỳ lạ thay tất cả họ đều lặng đi vài giây rồi mới trả lời!

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một câu nói gây chấn động mọi người :”Thầy cô giáo hạnh phúc có thể làm thay đổi thế giới!” Vậy chữ hạnh phúc là hữu hình hay vô hình đối với các thầy cô giáo?

“Em buồn lắm cô ơi. Suốt ngày bị tổ trưởng bộ môn phê bình đủ thứ. Em ước gì không phải như vậy để em tập trung vào phát triển chuyên môn, không lo đối phó.” Một cô giáo ở một tỉnh miền núi vẫn hay than thở với tôi như vậy.

Nhiều năm qua, mối quan hệ của họ vẫn y như thế, không được cải thiện thêm. Họ chán ghét nhau và xem nhau là mục tiêu chứ không phải học sinh mới là mục tiêu.

Tôi thực sự không thể đoán được đến khi nào cả hai có thể ôm lấy nhau mà nói rằng: ”Trong trường em là người mà chị dành nhiều thời gian nhất để quan tâm. Chị lo cho em từng lời nói đến hành động để mong hoàn thiện em. Em cảm kích chị vì điều đó!” Và chị tổ trưởng thì đáp lại :” Ngày xưa còn trẻ chị cũng hay va vấp như em nên chị dường như đã quá khổ sở khi bắt gặp em cũng va vấp như chị. Đôi khi chị đã quá nôn nóng và căng thẳng với em mong em hiểu cho lòng chị.”

Giáo dục đang vậy đó!

Thầy, cô có hạnh phúc không?Hãy vị tha và tràn đầy tình yêu bởi vì trong tất cả các nghề nghiệp thì nghề giáo là một nghề đặc biệt hơn tất cả.

Các thầy cô giáo chúng ta mỗi buổi sáng dắt xe ra đường trong lòng đầy dẫy phiền muộn. Nào cơm nào áo, nào gạo nào tiền. Mà khi thiếu những thứ ấy chúng ta lại hèn kém đi nhiều lắm. Chúng ta làm lơ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để mà tìm “kỹ xảo” khiến em nào cũng phải xin đi học thêm. Tôi thực sự tin rằng, trong tận cùng lương tâm của bạn đôi khi cảm thấy mình đáng xấu hổ nhưng rồi vẫn còn làm thế bởi đồng tiền có một quyền năng vô biên khó chối bỏ. Chỉ cần đôi lúc bạn cảm thấy xấu hổ, một ngày nào đó bạn sẽ tự giải thoát cho mình bằng một lối đi sáng sủa hơn.

Là một người đã may mắn tiếp cận khoảng 40.000 thầy cô giáo khắp Việt Nam trong năm năm qua, tôi cảm nhận được nỗi đau và nỗi buồn của tất cả các thầy cô giáo khắp mọi miền. Những nỗi buồn này không ai giống ai nhưng tất cả đều có một công thức chung: liên quan đến con người. Những nỗi buồn này nó đeo bám các thầy cô giáo vào trong lớp học, ngăn cản các thầy cô nhìn học sinh bằng ánh mắt yêu thương và nụ cười ấm áp. Nó biến các thầy cô thành những người sẵn sàng dùng bạo lực thay vì dạy trẻ rằng con người đã trở thành con người nhờ bởi phát triển trái tim và khối óc chứ không phải sức mạnh cơ bắp. Nỗi buồn ấy nó biến thành một thứ thuốc độc ngăn cản các thầy cô thích thú nhìn ngắm những đứa trẻ mới sau mấy ngày tết đã bỗng dưng lớn hẳn như Phù Đổng. Nó cũng cản trở thầy cô bật cười khanh khách trước những trò mèo mà bọn trẻ bày ra.

Vì sao lại thế? Vì sao Trái tim vĩ đại ấm áp vốn có đã dẫn dắt chúng ta vào nghề đã biến mất và thay vào đó là trái tim sứt sẹo và tâm hồn thương tổn như vậy? Đó là bởi vì động lực của bạn, tình yêu của bạn chưa đủ lớn để những va đập kia trở nên bé nhỏ và trái tim của bạn trở thành bất khả xâm phạm. Có một khái niệm được gọi là “Right Mindfulness” nghĩa là chính kiến.

Nhìn từ góc độ của thiền nó là sự bình an và sáng suốt trong lòng mỗi chúng ta và giúp chúng ta sàng lọc lưu giữ những điều tích cực và tốt đẹp, xoá đi những điều làm ta tổn thương và trở thành người tiêu cực. Còn nhìn từ góc độ của việc gìn giữ nhân cách, khái niệm này cho thấy bạn hoàn toàn có thể trở thành người mà bạn muốn. Bạn có quyền lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời mà bạn đã dày công khi soạn một giáo án thú vị và xuất sắc. Bạn cũng có quyền rơi nước mắt hạnh phúc khi học trò cũ về trường ôm lấy bạn và thầm thì :” Nhờ có cô cuộc đời con đã trở nên tốt đẹp thế này”

Ai rồi cũng sẽ hạnh phúc bởi hạnh phúc là một cảm giác đến từ bên trong sự mạnh mẽ, lòng nhiệt thành và trái tim ấm áp của bạn. Nếu bạn cho rằng hạnh phúc của bạn là do người khác mang đến thì bạn sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc. Mỗi ngày hãy dành nhiều phút để nhìn ngắm những đứa trẻ của chúng ta các bạn ạ.

Hãy vị tha và tràn đầy tình yêu bởi vì trong tất cả các nghề nghiệp thì nghề giáo là một nghề đặc biệt hơn tất cả. Bạn sẽ phải có một trái tim đủ lớn để chứa đựng hàng nghìn trái tim non trẻ. Bạn phải có đủ tài năng để giúp bọn trẻ bay xa bay cao hơn bạn và bạn còn phải bận tâm dõi theo đường đời của chúng, hạnh phúc khi chúng thành công và đau đáu khi chúng thất bại.

Nghề giáo thật vất vả nhưng nghề giáo của chúng ta là một nghề tuyệt vời hơn cả mọi nghề nghiệp vì nó không chỉ để nuôi bao tử mà nó còn nuôi dưỡng cả trái tim ta khiến ta mỗi ngày hạnh phúc.

Bạn có hạnh phúc chứ? Đồng nghiệp yêu quý của tôi?

Tô Thuỵ Diễm Quyên

Founder Diễn đàn giáo dục sáng tạo Việt Nam CEO Innedu Steam

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây