Đã trở thành thông lệ, trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trước thềm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng vậy, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội liên tục đưa nhiều thông tin tuyên truyền, xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Nội dung và thủ đoạn chống phá của chúng thường tập trung vào một số vấn đề lớn sau:
Về chính trị: Các đối tượng dùng thủ đoạn, thổi phồng, bóp méo, khoét sâu những khuyết điểm, hạn chế về vài trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và Chính phủ, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trực tiếp là xuyên tạc, phủ nhận các văn kiện trình Đại hội XIII…Đây là lĩnh vực trọng tâm mà các thế lực thù địch, phản động hướng tới.
Về tư tưởng: Chúng sẽ tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tung ra những luận điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về công tác tổ chức và công tác cán bộ: Chúng lợi dụng việc lấy ý kiến đóng góp vào các Văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để lôi kéo các phần tử chống đối, bất mãn với chế độ ký tên tập thể đòi yêu sách, gây sức ép, nhằm thay đổi những vấn đề có tính nguyên tắc của Đảng ta. Thủ đoạn nham hiểm này của chúng nhằm dụ dỗ, mua chuộc những cán bộ, đảng viên có biểu hiện thoái hóa, biến chất để làm công cụ xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng.
Để thực hiện âm mưu của mình, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng Internet để tán phát các bài viết, lời kêu gọi có nội dung xuyên tạc, đả kích về công tác chuẩn bị Đại hội của Đảng. Một số lượng lớn các bài viết được đẩy lên mạng xã hội với tốc độ cực nhanh và đa dạng với mục tiêu chính là để tuyên truyền tâm lý, tạo dư luận trong nước cũng như ngoài nước nhằm chống phá Việt Nam thông qua môi trường mạng Internet. Bên cạnh đó thêu dệt nên các câu chuyện về mâu thuẫn, phe cánh, đấu đá nội bộ nhằm gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết…
Phương thức cũng như nội dung thì không có gì mới, chúng vẫn chưa bao giờ từ bỏ ý đồ thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tiến hành cuộc “cách mạng màu” nhằm chuyển hóa chế độ chính trị Việt Nam theo quỹ đạo phương Tây như “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia, “cách mạng màu da cam” ở Ucraina, “cách mạng Tuy-líp” ở Cưrơxtan… Đến hẹn lại lên, âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thì đã rõ, nó không những không giảm đi mà sẽ còn tiếp tục phức tạp hơn trong thời gian tới. Do đó, với mỗi người dân khi tiếp nhận các thông tin cần có sự chọn lọc, đánh giá chứ đừng vội tin để rồi mắc bẫy của các thế lực thù địch. Các cơ quan chức năng cần có kế hoạch tuyên truyền, lật tẩy các chiêu trò cũng như các thông tin giả mạo của các đối tượng nhằm cung cấp cho người dân những thông tin sạch nhất./.
NGẠO
Nguồn: Nhân quyền Việt Nam