Trong phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu thực tế: “Hầu hết các Bộ, ngay Bộ tôi (Bộ LĐTB&XH), có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập Hội và đều xung phong làm Chủ tịch Hội với tinh thần “tự nguyện, tự quản, tự cung, tự cấp”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, không có Hội nào tự quản, tự chủ mà toàn bám vào trụ sở, có Hội trụ sở chính, có Hội trụ sở phụ. Có Hội khi bị yêu cầu trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn, chưa kể phương tiện đi lại đủ các loại.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, các Hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang Hội đặc thù để được phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động. Mặt khác, quy định Hội trực thuộc sự quản lý cơ quan Nhà nước nhưng hầu hết còn đề nghị Bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử Thứ trưởng sang làm thành viên Hội.
Theo ông Dung, Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, vì đất nước, nhưng quá trình tổ chức hoạt động lại có nhiều chuyện để bàn. Có những Hội không những không làm cho tổ chức mạnh hơn mà còn gây khó khăn cho tổ chức.
Về vấn đề quỹ, Bộ trưởng LĐTB&XH đề nghị không nên đưa các loại quỹ vào Luật mà Quốc hội nên giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ Hội.
“Bộ tôi hiện nay có 38 loại quỹ nhưng Bộ trưởng không nắm được quỹ gì. Nghị định quy định Bộ trưởng làm quản lý Nhà nước nhưng quy định quản lý Nhà nước thế nào với Hội, với quỹ thì lại không có, muốn thanh tra kiểm tra thì không có quyền”, Bộ trưởng Dung nói.
Nhạc Dương/VTC News
Nguồn: Cánh cò