(Bài dài, anh chị thả tym và share – để dành mà đọc)
Nhắc đến chủ quyền trên biển của Việt Nam, chúng mình hay nghe đến “Đường Lưỡi bò” liếm cả biển Đông. Cũng như bao nhiêu trend khác, 96,69% cần lao chơi Facebook tại Việt Nam đều like, share và chửi theo phong trào. Tức là thấy bạn mình, idol mình chửi “Đường Lưỡi bò” là mình chửi theo cho sang mồm, cho crush nó thấy mình cũng yêu nước chứ thật ra đếu bao giờ nghiêm túc mở sách đọc vài trăm chữ ngắn gọn về vấn đề mình đang phản đối.
Thực trạng đó nó kéo theo một đám đông hay lên cơn yêu nước thời vụ, từ tụ tập ôn hòa chuyển sang ôn lằn chỉ trong vòng vài nốt nhạc. Chính quyền mỗi lần thấy chúng nó lên cơn là lại vã mồ hôi.
Nay đầu tuần, Anh Ba thu xếp ít thời gian hạ phàm chắp bút hút bớt mây mù để anh em có kiến thức mà chém gió, để lên mạng biết đâu là đúng đâu là sai. Chứ yêu nước mà ngu thì chỉ xứng đánh đu với dùi cui, xà lim và súng điện.
Trước tiên, chúng mình cần hiểu, Biển Đông không phải ao làng của Đông Nam Á, cần khẳng định nhanh rằng tranh chấp biển Đông là cuộc tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Vì sao? Vì nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà hơn thế nữa nó còn được đan xen với những lợi ích kinh tế – chính trị khác đặc biệt là dầu mỏ và giao thương.
“Đường lưỡi bò – đường 9 đoạn – đường chữ U” là một khái niệm mập mờ, u tối như tiền đồ chị Dậu được 2 anh em ruột là: Đài Loan và Trung Quốc cùng đưa ra hồi đầu năm 1948 để chống lại… Pháp. Trên cơ sở các bản đồ cũ, Bộ Nội Vụ nước Cộng Hòa Trung Hoa chính thức công bố Bản đồ các đảo trên Nam Hải – Từ nay, thứ quái thai có tên là “Đường chữ U” chính thức ra đời. Sau này nhiều nhà nghiên cứu gọi là “Đường Lưỡi bò” vì nó giống cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông.
Liu í rằng, mãi 1 năm sau, tức là năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc ngày nay) mới được chính thức ra đời cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như trên bản đồ trước đó gồm… 11 đoạn. Tức là nâng cấp thêm 2 đoạn.
Rồi 4 năm sau, chắc do máy in hết mực nên Trung Quốc lại ấn hành bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản quay lại còn 9 đoạn. Nói chung rất là ngẫu hứng, điều đặc biệt là họ ấn hành, xuất bản nhưng chả tuyên bố hay giải thích gì về cái đường oan nghiệt ấy, cứ thế in rồi tán phát khắp nơi với thông điệp khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong lịch sử.
Vì sao vẽ đứt khúc mà không vẽ liền?
Cái này không phải ai cũng biết, nhưng mà Anh Ba biết. Ngầm ý của Trung Quốc là đánh dấu một số các khu vực “chưa dứt điểm” để lại những khả năng đưa ra những ĐIỀU CHỈNH CẦN THIẾT trong tương lai. Vừa cứng, vừa mềm là vậy.
Tóm lại, bản chất thực sự của yêu sách “đường lưỡi bò” này vẫn đang bị bao phủ bởi sự bí ẩn, cả Trung Quốc và Đài Loan đều mập mờ với các tuyên bố không rõ ràng. Tuy nhiên, với những hoạt động của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang khao khát muốn cả thế giới biết được tham vọng của họ đối với biển Đông.
Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rằng “NHẬN THỨC” là thứ nguy hiểm nhất trên Biển Đông, họ kiên trì lặp đi lặp lại quan điểm về “đường lưỡi bò” thông qua sản phẩm công nghệ, phim ảnh, đồ lưu niệm, hộ chiếu… để khiến các bên liên quan nói hoài sẽ mỏi miệng, khiến người dân các nước tranh chấp lúc đầu thì bức xúc, căng thẳng… sau thì lại thấy bình thường vì nói mãi nó cũng thế mà thật ra cũng chả thấy hại gì.
Họ bền bỉ tuyên truyền như vậy, để sau này nếu không còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, thì sẽ dựa vào cái cớ đó để mà nói rằng thế giới đã chấp nhận điều đó rồi. Để đáp trả âm mưu đó chương trình dự báo thời tiết hàng ngày của Việt Nam luôn phải dự báo về tình hình thời tiết quần đảo Hoàng sa – điều này luôn bị bọn ngu học bĩu cặp môi dài như trĩ ngoại chế diễu rằng đảo bị chiếm rồi thì dự báo làm gì? Ngu thì đến xem thời tiết cũng ngu là vậy.
Là một người yêu nước có não, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận về yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung quốc là không có cơ sở, thứ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết biển Đông trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh. Thậm chí nó lố bịch và vô cùng mơ hồ.
Bằng tất cả sự thận trọng và cân nhắc, Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2016 đã phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách khu vực nằm trong phạm vi đường chín đoạn. Một lý do Trung Quốc bị thua trong vụ kiện kể trên là quốc gia này không thể xác định vùng lãnh thổ đó một cách chính xác, đù mệ – nói chuyện như trẻ con luôn.
Cái chúng ta cần làm là gì?
CẢNH GIÁC, CẢNH GIÁC và CẢNH GIÁC… trong bất cứ ấn phẩm, sản phẩm nào cũng cần có sự kiểm duyệt khắt khe. Tiêu chí kiểm duyệt, chủ quyền biển đảo và “đường lưỡi bò” phải được đưa lên hàng đầu – Tuyệt đối không để sai sót và phải xử lý nghiêm, thậm chí sút bay ghế khẩn cấp vài đứa trong hội đồng kiểm duyệt có thái độ thờ ơ với chủ quyền Tổ quốc.
Hàng trăm triệu đôi mắt người Việt Nam trên khắp toàn cầu hàng ngày hàng giờ xem các ấn phẩm khoa học, giải trí hãy là một quan sát viên kịp thời tố giác, phát hiện những thông điệp mang dáng dấp bá quyền “lưỡi bò” bẩn thỉu trên biển Đông.
Đọc bài Anh Ba, để quý anh chị thấy rõ cái bóng ma “lưỡi bò” kia đến thời điểm hiện tại không hề có ý nghĩa pháp lý, không cần phải quá cực đoan trong việc chửi bới, lợi dụng việc phản kháng để chửi chính quyền, buông những câu nói ngu học gây xâm hại đến mối quan hệ ngoại giao của các nước liên quan, đặc biệt là mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Trung Hoa. Điều này là vô cùng tệ hại và nguy hiểm. Nói, viết, làm theo đúng quy định của pháp luật vì pháp luật chính là thứ duy nhất hiện nay bảo vệ chúng ta – một nước nhỏ trước ảo mộng bá quyền của các nước to to.
Để đối phó với một cái “lưỡi bò” ngang ngược không ai lại chọn phương án đem một lũ đầu bò húng chó ra để ngăn chặn cả, nghe chưa?
Hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” trong chương trình của ESPN gây phẫn nộ
Nguồn: Tre làng