Hành động lệch chuẩn, hành hung người khác của những người như Thượng úy Nguyễn Xô Việt cần xử lý nghiêm, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu hình ảnh “đầy tớ của dân”
Dư luận đang hết sức bức xúc, phẫn nộ về hành động côn đồ, hành hung nhân viên tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) của Thượng úy Nguyễn Xô Việt, hiện công tác tại Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên).
Theo đó, khi con trai của ông Nguyễn Xô Việt vào quầy hàng tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên mua mấy cây xúc xích. Sau một hồi lựa chọn đồ, cháu bé mua một gói xúc xích và đi ra phía bên ngoài quầy thu ngân. Nhân viên đề nghị cậu bé trả tiền hoặc để lại gói xúc xích ở chỗ cũ.
Thấy vậy, bố cháu bé ở gần đó liền vẫy tay bảo con trai đi ra rồi ông bố này cầm túi xúc xích và trở về chỗ ngồi cũ. Sau đó, ông Việt còn tới cầm mấy cây xúc xích từ tay con trai, bóc vỏ và ném vào mặt nữ nhân viên. Không chỉ dừng lại ở đó, người này còn tiến tới tát mạnh vào mặt nam nhân viên.
Hành động như vậy của bất cứ ai cũng đáng lên án, không thể chấp nhận được, đằng này ông Việt còn là một Thượng úy công an.
Thượng úy Nguyễn Xô Việt ném xúc xích vào mặt và tát nhân viên bán hàng ở trạm dừng nghỉ. (Ảnh: cắt từ clip)
Với một người đàn ông bình thường, việc xúc phạm phụ nữ đã là một hành động đáng xấu hổ, chưa nói đến hành vi côn đồ, ném xúc xích vào mặt cô nhân viên bán hàng giữa nơi công cộng.
Hơn nữa, những hành động thiếu văn hóa của ông Việt còn thực hiện ngay trước mặt đứa con nhỏ. Nhìn thấy vậy, đứa con của ông Việt sẽ học được gì khi người cha có hành xử vô văn hóa và côn đồ?.
Là cán bộ ngành công an, ông Nguyễn Xô Việt chắc chắn từng phải trải qua quá trình tuyển dụng và đào tạo trong một môi trường khá nghiêm ngặt về cả chuyên môn và đạo đức của người công an nhân dân. Không chỉ riêng cán bộ ngành Công an, mà đến từng người dân, ai ai cũng thấm nhuần lời dạy của Bác đối với người công an nhân dân “trung với Đảng, hiếu với dân”; “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”… Trách nhiệm vì nước vì dân, phục vụ nhân dân luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của những người “đầy tớ” trong ngành Công an.
Hơn ai hết, là người công tác trong ngành công an, ông Việt là người hiểu rõ nhất về pháp luật. Luật pháp cũng đã quy định rất rõ những hành vi vi phạm, và thực tế nhiều người cũng đã bị xử lý về những hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác, chưa nói đến hành động côn đồ, hành hung người khác.
Cách đây chưa lâu, dư luận “dậy sóng” về việc Đại úy Lê Thị Hiền, nữ công an gây rối trật tự công cộng ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Với những hành động chửi bới thiếu văn hóa ở sân bay, nữ công an này đã bị tạm đình chỉ công tác 1 tháng.
Hiện Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã tạm đình chỉ công tác đối với Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt. Còn đối với Đại úy Lê Thị Hiền, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cũng đã điều động bà Hiền đến công tác tại một bộ phận không trực tiếp tiếp dân. Theo báo cáo mới nhất của Công an Hà Nội, cơ quan này dự kiến hạ cấp bậc hàm từ Đại úy xuống Trung úy đối với bà Hiền.
Dư luận đang theo dõi, chờ đợi việc xử lý đối với nữ công an gây rối của Công an Hà Nội cũng như việc xử lý tiếp theo của Công an Thái Nguyên đối với Thượng úy công an ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng ở trạm dừng nghỉ Hải Đăng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, cán bộ, Đảng viên không những là người lãnh đạo quần chúng mà còn phải luôn xác định mình là đầy tớ, là công bộc, là người phục vụ lợi ích của nhân dân.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn thấm nhuần lời dạy của Bác và cụ thể hóa trong các quy định, Điều lệ của Đảng. Đảng luôn xác định, công tác cán cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là điểm then chốt của mọi then chốt. Trong các Hội nghị của Đảng, đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn trăn trở về việc xây dựng đội ngũ cán bộ thì chú trọng đặc biệt phẩm chất và năng lực hay coi trọng cả hai.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư lại đặt ra câu hỏi như vậy trong tình hình hiện nay. Bởi, thực tế thời gian dài vừa qua đã minh chứng, với một cán bộ, nếu khuyết thiếu một trong hai yếu tố này thì đều trở thành mối nguy hại cho dân, cho nước. Đặc biệt, một khi cán bộ đã “thoái hóa biến chất” thì hậu quả là khôn lường.
Cũng trong thời gian qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã và đang ráo riết xây dựng một nền hành chính công vụ văn minh, hiện đại, trong đó xây dựng văn hóa công vụ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vì thế, trong khi tất cả các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đang ráo riết xây dựng, hình thành cách phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ “đầy tớ nhân dân”, thì không thể có cán bộ, công chức nào đứng ngoài cuộc. Những người “đầy tớ của dân” phải luôn ý thức việc thực thi trách nhiệm phục vụ nhân dân của mình đến đâu để từ đó thực hiện nhiệm vụ “đầy tớ” ngày càng tốt hơn.
Và lẽ tất nhiên, những hành động lệch chuẩn, vô văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật của những “đầy tớ nhân dân” như Thượng úy Nguyễn Xô Việt, Đại úy Lê Thị Hiền cần được xử lý nghiêm khắc, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh “đầy tớ của dân./.
Nguồn: VOV.vn