Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Nhiều ý kiến của các đại biểu quan tâm đến tình hình thực thi công vụ, đảm bảo đáp ứng chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chưa phân loại chính xác tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của công chức
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề: Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu cho rằng, “Nếu như con số này chính xác, đây là một điều rất đáng mừng”, song đại biểu băn khoăn liệu con số 0,63% này có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Nếu không phản ánh đúng, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân xuất phát từ quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay do sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?
Về ý kiến của đại biểu tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ dẫn con số tổng hợp từ báo cáo của hơn 40 tỉnh, thành và các bộ, ngành nói chung về việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua. Theo đó, mức tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%; mức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt khoảng 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%.
Tuy nhiên, với tư cách tư lệnh ngành Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân đánh giá tỷ lệ “phân loại này chưa chính xác”. Nguyên nhân được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lý giải là do các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc, chủ yếu thiên về tình cảm, đánh giá một cách chung chung với nhau. “Vấn đề này chúng ta phải nói thẳng thắn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế công việc của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi kiểm tra công việc hàng tháng, có ghi chép nhiệm vụ. Thủ trưởng giao cho chuyên viên việc gì, hoàn thành ngày nào, chúng tôi có biên bản công khai. Trong tháng này, vụ nào còn nợ bao nhiêu việc, ai nợ vấn đề gì… được đưa vào kết quả cuối năm để trừ điểm thi đua, như vậy chúng ta mới biết mức độ hoàn thành như thế nào – tức là giao việc nhưng phải có kiểm tra, giám sát”, ông Tân nói.
Bên cạnh đó, trách nhiệm thực hiện các quy chế, quy định, nhiệm vụ của cơ quan, lãnh đạo cấp vụ cần có cách thức “chấm công, chấm điểm đàng hoàng” về thực trạng thái độ thi hành công vụ của công chức, nhằm xem xét quy trình xử lý công việc có chậm trễ, hoàn thành nhiệm vụ không. Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua việc xây dựng tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ít ai làm, do đó “còn mang tính cảm giác, thứ hai nữa là cũng có tính nể nang”.
Bộ trưởng trần tình: Nói thật với các đại biểu, thường là các đồng chí lãnh đạo ít khi nào mà được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ tốt lắm. Tôi hơn mười năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên nhưng thưa các đồng chí chưa có bản tự kiểm nào tôi đánh giá tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả, nhưng mà anh em nói nếu Chủ tịch/Bí thư/Bộ trưởng mà không hoàn thành xuất sắc thì chúng em làm gì có hoàn thành xuất sắc được”. Nhưng ông cũng “tâm sự” nhiều khi thấy áy náy quá vì “đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc”. Việc này, theo ông Tân là do tâm trạng nể nang, có tình cảm với nhau, “cũng không muốn thành tích của đơn vị mình được đánh giá là không tốt.
Bộ trưởng cũng cho biết, để chuẩn bị cho việc sắp tới chỉnh sửa nội dung đánh giá công chức này, đã có một lần chỉnh sửa Nghị định 88/2917/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, “nhưng rồi cũng không yên tâm, vừa rồi Trung ương ban hành quy định 89, 90 về tiêu chí đánh giá. Tôi thấy bây giờ Bộ Chính trị ban hành như vậy thì có nhiều vấn đề chúng ta phải sửa nghị định mới để phù hợp với quy định”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, “phải có đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá, dưới đánh giá và đánh giá phải bằng những sản phẩm cụ thể”, để thấy rằng tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ 0,63% là có chính xác hay không ? Trong khi bên Đảng quy định hoàn thành xuất sắc không quá 20% , công chức lại có tỷ lệ tương ứng 27-30% – Bộ trưởng băn khoăn, đồng thời đề nghị từng đơn vị, địa phương cần chấn chỉnh và sắp tới phải thực hiện nghiêm túc: Tôi nói nghiêm túc đánh giá cán bộ thì không lý do gì không tìm ra được người để tinh giản biên chế ? Nhiều ý kiến nói tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ khó quá, không có đối tượng nào lọt vào diện giảm biên chế được. Trong khi đó dư luận xã hội cho rằng chỉ có 30% số công chức làm việc hiệu quả. “Vậy tại sao không kiếm được người để giảm biên chế?” Theo Bộ trưởng, vấn đề này cần được thống nhất về quan điểm, hực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước một cách nghiêm túc, công khai trong việc đánh giá; tiếp tục cải tiến thêm phương pháp, cách làm trong thời gian sắp tới.
Siết chặt kỷ luật công vụ, đẩy lùi tình trạng tham nhũng vặt
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu thực tế về tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra ở nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội. Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chế tài xử lý quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục. Về việc siết chặt kỷ luật công vụ, mạnh tay xử lý các sai phạm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Bộ trưởng chất vấn: Trong sửa đổi Luật Cán bộ công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất nào mạnh hơn, khắc phục được những tồn tại đã nêu?
Về vấn đề tham nhũng vặt, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo, giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra công vụ trong việc kiểm tra đối với các địa phương nên công tác này đã được thực hiện rất quyết liệt. Vấn đề tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu cũng là một nội dung kiểm tra của tổ công tác của Bộ Nội vụ. “Tham nhũng vặt như lỗ nhỏ gây đắm thuyền, rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp. Hậu quả là cộng nhiều lỗ nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn rất nguy hiểm”, Bộ trưởng khẳng định.
Ông Lê Vĩnh Tân cho hay, thời gian qua Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Quyết định đã được triển khai rộng rãi và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương cần xây dựng chương trình hành động để triển khai Đề án này, trong đó có phong trào thi đua của năm 2019 về phát động xây dựng văn hóa công sở: “bây giờ chúng ta phải làm sao để cán bộ, công chức thực sự là người công bộc làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao… Tinh thần này phải được thổi lên…”
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ghi nhận, đánh giá cao Bộ Nội vụ đã làm gương trong công tác tinh giản biên chế, song đại biểu vẫn đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm rõ hơn về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp: “Tôi đã đề nghị vấn đề này tại những kỳ họp trước, đề nghị đuổi việc những người này nhưng thấy khó quá, quy trình nhiêu khê, dài dòng”, ông Cầu nhận xét. Theo đại biểu tỉnh Nghệ An, Luật Cán bộ, công chức có thể sắp thông qua tại Quốc hội lần này nhưng nếu không sửa thì không có cơ chế cho Chính phủ thực hiện. Vì vậy, ông đề nghị sửa luật phải đưa ra giải pháp mạnh hơn giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu để sắp tới tham mưu trong việc xây dựng các nghị định, nhất là xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật công chức. Nhấn mạnh cần cương quyết trong vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định quá trình xây dựng chính sách sẽ tham vấn để bổ sung nội dung phù hợp nhằm ngăn chặn không để những phần tử nhũng nhiễu lọt vào hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, gây phiền hà, làm giảm lòng tin của người dân.
Nguồn: Báo Tin tức