Nếu những lời hứa, những cam kết của các bộ trưởng với dân được thực hiện đầy đủ và hiệu quả thì niềm tin của dân sẽ tăng lên, và ngược lại cảm nhận sự trì trệ khi các món nợ cũ, lời hứa cũ trở thành “nợ xấu”.
Theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội qua nhiều kỳ họp trước đây sẽ thấy các cụm từ sau đây thường lặp đi lặp lại: tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu ra cho nông sản, nạn hàng nhái hàng giả, xuống cấp về đạo đức – văn hóa, cơ chế thu hút nhân tài…
Đây chính là những món nợ cũ mà Chính phủ, các cơ quan hữu quan “nợ đọng” trước Quốc hội và cũng là nợ cũ của các đại biểu Quốc hội với cử tri.
Vụ việc bi thương vừa xảy ra với 39 người trong container tại Anh khiến tôi giở lật lại các trang tài liệu cũ của Quốc hội có liên quan đến tình trạng đưa người đi nước ngoài trái pháp luật. Gần đây nhất, nghị quyết “về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7”, Quốc hội yêu cầu: “Thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Rà soát, đấu tranh, triệt phá các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, tổ chức cho người ra nước ngoài mang thai hộ trái pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân”.
Giở lại nội dung quyết định 2546 của Thủ tướng ngày 21-12-2015, phê duyệt chương trình nêu trên thì thấy ngay mục tiêu thứ nhất đã đề cập: “Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó”; “Tăng cường truyền thông về các nội dung liên quan mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động”…
Nhưng như phân tích của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, khâu yếu nhất lại chính là thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân mà “trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương”. Theo ông Cường, chính quyền biết chuyện công dân đi ra nước ngoài “chui”, nhưng lại rất thiếu hành động thiết thực, và bây giờ thì cần phải “gióng lên hồi chuông về trách nhiệm”.
Thực ra, có nhiều việc, “hồi chuông trách nhiệm” đâu phải bây giờ mới “gióng lên”. Ví dụ như nghị quyết tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng yêu cầu người đứng đầu ngành xây dựng phải “thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý trật tự đô thị, hoạt động xây dựng”. Nhưng trên thực tế, chữ ký của Chủ tịch Quốc hội chứng thực nghị quyết vừa ráo mực thì một nhóm cán bộ trong đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị khởi tố, bắt tạm giam ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Hay một ví dụ khác: từ đầu nhiệm kỳ đại biểu Nguyễn Anh Trí đã chất vấn Thủ tướng rằng cơ chế nào để những người tài giỏi ở bìa rừng góc bể cũng được trọng dụng trong bộ máy? Thủ tướng cũng đã khẳng định quan điểm là “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”.
Nhưng từ bấy đến nay, báo chí và dư luận cũng nêu không ít địa chỉ có tình trạng “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm người nhà”… Vừa rồi, tranh luận về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng phải giải quyết ở tầm thể chế, pháp luật, trong đó có trách nhiệm lớn của Quốc hội.
Người dân “chấm điểm” các bộ trưởng không phải là khi họ nhìn vào tồn tại, bức xúc của thực trạng mà ở quyết tâm, giải pháp và nỗ lực giải quyết thực trạng đó. Nếu những lời hứa, những cam kết của các bộ trưởng với dân được thực hiện đầy đủ và hiệu quả thì niềm tin của dân sẽ tăng lên, và ngược lại cảm nhận sự trì trệ khi các món nợ cũ, lời hứa cũ trở thành “nợ xấu”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Nguồn: Cánh cò