Trong nửa cuối tháng 10/2019, dòng thời sự về xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông đã có 2 diễn biến nổi bật.
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở pháp luật. Cụ thể, trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 tổ chức tại Đà Lạt hôm 15/10/2019, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây tác động tiêu cực cho an ninh khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định rằng những diễn biến phức tạp này cho thấy cần sớm có bộ quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc trên Biển Đông. Sau đó một ngày, hôm 16/10, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam quay lại đối thoại song phương để giải quyết xung đột. Tiếp đó, hôm 17/10, Việt Nam và EU ký hiệp định FPA về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU; đồng thời EU tuyên bố ủng hộ việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Mới đây nhất, tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “An ninh Biển Đông rất mong manh” và khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong kiên quyết giữ vững chủ quyền và giải quyết tranh chấp bằng pháp luật quốc tế!
Các động thái này của Việt Nam được nhiều tiếng nói phương Tây đánh giá cao. Chẳng hạn, trên Twitter, chuyên gia Derek J.Grossman của RAND Corporation bình luận : “Việt Nam tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc về COC – một dự thảo đã bị trì hoãn từ 2002! Hà Nội muốn Bắc Kinh chấm dứt việc xây dựng đảo nhân tạo, không đưa ra bất kỳ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào trong tương lai, không triển khai vũ khí tác chiến và tuân thủ luật pháp quốc tế (chứ không phải là đường lưỡi bò). Tốt!”. Phó Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao mới đây còn công khai lên án Trung Quốc gây hấn Việt Nam trên biển Đông, kêu gọi các nước ASEAN học tập VN và lên án các chính phủ Mỹ trước đây đã thiếu quyết liệt với TQ…
Thứ hai, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã tái khẳng định chính sách bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trong các cuộc họp, các diễn đàn của Đảng và Quốc hội. Cụ thể, vấn đề này đã được đưa vào diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 11 Khóa XII (ngày 12/10), cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội (ngày 15/10), và nghị trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10). Nhìn chung, các diễn văn đều khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam sẽ vừa kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền; vừa tìm cách giữ vững hòa bình, ổn định.
Từ khi vụ Tư Chính xảy ra vào tháng 07/2019 đến nay, giới “dân chửi” đã liên tục tuyên truyền rằng Chính phủ Việt Nam “bán nước” cho Trung Quốc, không có giải pháp hiệu quả để bảo vệ Biển Đông, không sẵn sàng gia tăng hợp tác với quốc tế để bảo vệ hòa bình trong khu vực… Hai diễn biến thực tế vừa nêu đã phủ nhận những thông điệp đó. Và khi giới “dân chửi”… tiếp tục chửi, vờ như không nhìn thấy những bước tiến của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, dư luận có quyền nghi ngờ rằng họ không hề quan tâm đến Biển Đông, mà chỉ lợi dụng chủ đề này để đòi lật đổ chế độ.
Nguồn: Loa phường