Viwasupco tuy có thể là nạn nhân của sự cố nghiêm trọng này nhưng cũng không vô tội bởi họ phải chịu trách nhiệm tuyệt đối, đến cùng với sản phẩm làm ra bán cho dân.
Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ khi những cư dân sinh sống tại khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện ra nguồn nước sách mà họ sử dụng được cung cấp bởi Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có mùi khét. Dù các cơ quan truyền thông đã liên tục phản ánh nhưng phải đến mãi ngày 15/10, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân nước có mùi khét mới được tiết lộ là do nguồn nước sạch mà Viwasupco cung cấp bị nhiễm dầu thải, cụ thể là nhiễm Styren với hàm lượng cao hơn từ 1,3-3,65 lần giới hạn cho phép.
Dòng suối Trầm đen ngòm sau khi bị đổ trộm dầu thải. (Ảnh: Việt An)
Dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, các cơ quan chức năng rốt ráo tiến hành kiểm tra, tìm nguyên nhân. Cho đến thời điểm này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự và đã tiến hành bắt giữ 2 đối tượng, đồng thời truy bắt đối tượng còn lại liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sạch Sông Đà.
Tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám khai nhận: Ngày 6/10/2019, Đại và Thám được Lý Đình Vũ thuê lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà, có địa chỉ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe. Đến ngày 8/10/2019, cả 3 đối tượng trên sử dụng 2 xe ô tô chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.
Như vậy, vụ án hình sự này là một vụ việc nghiêm trọng, việc tìm ra được kẻ chủ mưu sẽ xác minh được nguyên nhân và động cơ gây án, sẽ trả lời được câu hỏi liệu có tình trạng cạnh tranh bẩn trong ngành kinh doanh này hay không.
Những đối tượng liều lĩnh cố ý đổ dầu thải khiến nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm rồi đây sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên trong vụ việc này, sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan chức năng đã khiến người dân hoang mang; đặc biệt, điều khiến dư luận phẫn nộ hơn cả đấy là sự tắc trách, vô cảm của lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà khi sớm phát hiện ra nguồn cấp nước vào nhà máy xử lý bị ô nhiễm dầu thải (từ ngày 8/10) nhưng vẫn giấu nhẹm đi để tự xử lý và vẫn cấp bán cho người dân sử dụng như không có chuyện gì xảy ra.
Trong cuộc họp báo tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều 17/10, đại diện của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà là ông Nguyễn Đăng Khoa đã trả lời rất ráo hoảnh khi được hỏi về trách nhiệm của Viwasupco trong vụ việc và liệu có bồi thường thiệt hại cùng với việc xin lỗi hàng vạn khách hàng là người dân Hà Nội?. Ông Nguyễn Đăng Khoa cho rằng, bản thân Viwasupco cũng là nạn nhân trong vụ việc. Còn bồi thường thiệt hại và xin lỗi người dân thì chưa đủ cơ sở để thực hiện việc này!!!
Vẻ mặt và cách trả lời ráo hoảnh của ông Nguyễn Đăng Khoa tại cuộc họp báo chiều 17/10 tại Hòa Bình càng khiến dư luận bức xúc.
Thứ nhất phải khẳng định, Viwasupco nếu có là nạn nhân khi vụ việc này xảy ra thì cũng chính bởi cung cách làm ăn thiếu chữ Tín, thậm chí có thể nói là lừa dối khách hàng của mình. Bằng việc giấu nhẹm việc nguồn nước bị nhiễm bẩn và vẫn cấp bán bình thường cho người dân sử dụng như chưa có chuyện gì xảy ra, Viwasupco đã tự bôi bẩn thanh danh của mình. Việc người dân tẩy chay không sử dụng nước do công ty này cung cấp dẫn đến kinh doanh thua lỗ cũng xuất phát từ “một sự bất tín, vạn sự bất tin mà ra”.
Thứ hai, việc hàng vạn người dân Hà Nội cả tuần lễ phải sử dụng nguồn nước bẩn trong sinh hoạt hàng ngày dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; việc hàng ngàn người dân xếp hàng thâu đêm để nhận từng xô nước sạch thay thế nước sông Đà, cuộc sống đảo lộn kèm theo đó là những chi phí phát sinh do phải mua nước sạch để sử dụng xứng đáng nhận được một lời xin lỗi chân thành nhất từ lãnh đạo của Viwasupco – đáng buồn họ đã không làm vậy mà chỉ chăm chăm vào việc phân bua, than thở.
Viwasupco đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nước sạch cho người dân được (ở đây được hiểu là quan hệ mua bán sản phẩm hàng hóa). Hành vi cố ý bán nước nhiễm bẩn của Công ty Viwasupco (chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ) cho người dân (dù trước đó đã biết biết nước nhiễm bẩn từ dầu thải) đã vi phạm Điều 608, bộ luật Dân sự 2015.
Nhiều văn bản pháp luật đã qui định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”); Khoản 1, điều 23, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”); Điều 7 Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt (“…Đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch…”.
Cuộc sống bị đảo lộn, người dân Hà Nội xếp hàng thâu đêm để chờ lấy nước sạch sau khi nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu xứng đáng nhận được lời xin lỗi chân thành từ lãnh đạo Viwasupco.
Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là giữ chữ Tín, là đạo đức kinh doanh. Những doanh nghiệp chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, thiếu coi trọng chữ Tín thì hậu quả cuối cùng sẽ là hậu quả mà chính doanh nghiệp đó phải gánh chịu. Lãnh đạo Viwasupco phải hiểu hơn ai hết.
Viwasupco tuy có thể là nạn nhân của sự cố nghiêm trọng này nhưng cũng không vô tội. Doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm tuyệt đối, đến cùng với sản phẩm làm ra bán cho dân. Doanh nghiệp phải kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào (nguồn nước) và tiêu chuẩn sản phẩm đầu ra (nước sạch) theo qui định của pháp luật. Biết sản phẩm làm ra là độc hại mà không kịp thời phát hiện, không khắc phục sửa chữa kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội… thì hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh việc tìm ra kẻ chủ mưu đổ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét toàn diện qui trình sản xuất nước sạch của Viwasupco và hành vi của doanh nghiệp khi sự cố xảy ra xem họ đúng hoặc sai đến mức nào, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm ra sao trước người tiêu dùng và pháp luật./.
Nguồn: VOV.vn