Thực trạng xuất khẩu lao động bằng những con đường phi pháp và hệ lụy của nó không còn là câu chuyện mới đối với lao động Việt Nam từ nhiều năm nay.
Trả lời VTC News, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, việc lao động Việt Nam đi bằng con đường chui, thông qua các công ty môi giới không chính thức, con đường hợp tác lao động bất hợp pháp do các cá nhân, tổ chức trá hình liên kết với các tổ chức buôn người ở nước ngoài đang là thực trạng rất nhức nhối.
Về vấn đề trách nhiệm, ông Vân nói, trước hết phải quy tới trách nhiệm quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương và tuyên truyền phổ biến về lao động và hợp tác lao động cho nhân dân biết.
“Thứ hai, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong việc phát hiện xử lý các cá nhân có thủ đoạn gian manh, đưa người lao động ra nước ngoài bất hợp pháp.
hứ 3, trách nhiệm của nhà nước là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập đủ sống để họ thấy rằng ở đất nước mình vẫn có thể tự lực cánh sinh ở mức chấp nhận được chứ không phải cứ ở những nơi phồn hoa xứ người mới là mảnh đất hứa mà người ta phải mạo hiểm tính mạng đi tới với những rủi ro rình rập.
Hiện nay có một thực trạng là ở các vùng quê nghèo đói, thiếu việc làm, thu nhập không đủ sống.
Cho nên nhiều người cùng đường phải đi tìm con đường mưu sinh khác. Đây là trách nhiệm của tổ chức kinh tế chính quyền chăm lo cho đời sống của người nghèo”.
Nhưng theo ông Lê Thanh Vân, cũng có những trường hợp không phải là quá nghèo khó mà do bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những lời hứa đầy triển vọng.
Họ cả tin, nhẹ dạ, cho rằng tương lai ra nước ngoài sẽ có một cuộc sống sung túc hơn, thu nhập cao hơn để đổi đời.
Một nguyên nhân khác cũng được ĐBQH Lê Thanh Vân chỉ ra là do tình trạng thất nghiệp.
“Chưa tới mức nghèo đói quá nhưng do không có việc làm và nghe lời dụ dỗ bùi tai của các tổ chức buôn người trá hình. Thực tế hiện nay không phải ai cũng biết vụ việc này bởi có những người thiếu thông tin. Có những đối tượng rất nghèo, không thể tiếp cận với các thông tin này.
Cho nên các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương cần phải tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng này để cho họ biết các nguy cơ đang rình rập, đe dọa họ như vậy.
Ở đây câu hỏi đặt ra là vai trò của đoàn thanh niên, hội phụ nữ sâu sát tới thế nào mà lại để các hội viên của mình lâm vào tình cảnh như vậy”, đại biểu Lê Thanh Vân băn khoăn.
Theo ĐBQH, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải đẩy mạnh hơn công tác rà soát đối tượng, ngăn chặn kịp thời các tổ chức buôn người trá hình, kiểm soát vấn đề xuất nhập cảnh.
Đây rõ ràng là thực tiễn cần phải xem xét một cách nghiêm túc để rào chắn một cách kỹ lưỡng hơn công tác quản lý xuất nhập cảnh của ta.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dù sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng những thông tin ban đầu về vụ 39 người chết trong container tại Anh vẫn đang làm dấy lên những cảnh báo về vấn đề xuất khẩu lao động tại Việt Nam, nhất là ở những làng quê nghèo của Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo ông Dũng, xuất khẩu lao động là con đường làm giàu được nhiều người dân ở nhiều miền quê Việt Nam lựa chọn.
“Đó là giấc mơ châu Âu, châu Mỹ, giấc mơ đổi đời với mong muốn tìm kiếm được một công việc mang lại thu nhập cao.
Áp lực làm giàu, thành đạt là gánh nặng mà nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay đang phải đối diện. Nhưng tiền ở xứ sở người không phải là lá đa để có thể sang đó là nhặt”, ông Dũng nói.
Dẫu vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vẫn bày tỏ quan điểm cần cảm thông với những giấc mơ “đổi đời” đó. Theo ông, có ở trong cái nghèo bao nhiêu năm mới thấy khát vọng làm giàu đổi đời như thế nào.
“Hành trình vượt biên của những người có mặt trong chiếc container đó cho thấy họ đã dám chấp nhận mạo hiểm thế nào. Mạo hiểm lớn thì rủi ro lớn.
Dù vẫn còn có nhiều câu hỏi nhưng việc phải ra đi tìm tương lai ở xứ người của họ cho thấy họ đã không tìm thấy cơ hội trong nước trước đó. Và việc tìm đến một miền đất hứa để có được cuộc sống như mong muốn là điều hoàn toàn có thể hiểu và đáng thông cảm”.
Diệu Hoa -Đào Bích (VTC News)
Nguồn: Đấu trường dân chủ