Tư tưởng dân chủ tại Việt Nam xuất phát từ thực tiễn lấy dân làm gốc. Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trước các kỳ đại hội Đảng toàn quốc.
Nhìn lại vấn đề dân chủ qua một số kỳ Đại hội
Từ Đại hội 6 năm 1986 Đảng đã nhận thức đúng đắn việc phát huy dân chủ không chỉ là công tác quần chúng, vận động người dân thực hiện chủ trường chính sách. Phát huy dân chủ nên được thực hiện theo cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, nhất là những quyết định có liên quan trực tiếp đời sống người dân.
Đến Đại hội lần thứ 11 của Đảng năm 2011 vấn đề dân chủ tiếp tục được đẩy mạnh để ngày càng hoàn thiện. Lấy gốc rễ quyền lực là nhân dân, mọi quyết định hệ trọng của quốc gia có sự tham gia đóng góp ý kiến từ các tầng lớp nhân dân. Lợi ích của nhân dân luôn được đặt đúng vị trí, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước lấy lợi ích của nhân dân làm nền tảng. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.
Gần đây nhất, Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016 vẫn đề phát huy dân chủ tiếp tục được giữ vững. Thêm vào đó, Đảng có những nhìn nhận khách quan trong thực tiễn thực hiện quyền dân chủ của người dân và việc “tự soi gương” trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo. Khi đơn đảng lãnh đạo sẽ có những nguy cơ nhất định trong việc phát huy dân chủ như căn bệnh quan liêu, độc đoán, xa rời thực tế rất dễ “bóp nghẹt” tính dân chủ vốn có. Từ những nhận định đó Đảng đã có những điều chỉnh về phương thức, nội dụng cũng như mục đích cầm quyền để đảm bảo nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa.
Theo Cương lĩnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1991 đã khẳng định Đảng luôn luôn làm công tác phê và tự phê nhằm đổi mới, chỉnh đốn đội ngũ trong Đảng. Qua đó nâng cao trình độ, năng lực, trí tuệ của cán bộ lãnh đạo Đảng. Đảm bảo dân chủ và kỷ cương trong hoạt động sinh hoạt Đảng.
Thực hiện dân chủ trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, muốn có sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sự đồng thuận nhất trí cao trong toàn dân phải thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc thực hành dân chủ được tiến hành đồng bộ từ địa phương đến trung ương.
Đặc biệt, thực hiện dân chủ trong Đảng càng được đề cao. Nội bộ Đảng phát huy được dân chủ đồng nghĩa khai thác được sự tư duy sáng tạo, độc lập của mỗi đảng viên trong thảo luận họp bàn, sinh hoạt. Thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng là đi đầu gương mẫu, phát huy trí tuệ của đảng viên.
Hoạt động bầu cử trong Đảng được tiến hành chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bình đẳng trực tiếp, đa số quá bán là biểu hiện rõ nét nhất trong thực hiện dân chủ nội bộ Đảng. Các đảng viên được phép áp dụng hình thức bầu cử bằng bỏ phiếu kín và giơ tay biểu quyết bằng thẻ đảng tùy từng trường hợp.
Gần đây việc thực hành dân chủ trong Đảng được cụ thể hóa bằng các quy định quy chế. Trước mỗi kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phải gửi trước báo cáo công việc, hoạt động của mình. Ban thường vụ báo cáo công việc trước cấp ủy, cấp ủy báo cáo công việc trước tổ chức đảng bầu ra mình. Bên cạnh đó là cách hoạt động phê bình và tự phê bình trong nội bộ đảng và rộng hơn nữa là trước quần chúng nhân dân. Người dân có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ nhà nước các cấp từ cơ sở đến cấp cao nhất.
Hoạt động thực hành dân chủ ngày càng thiết thực hơn, trước mỗi kỳ họp Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri để lắng nghe nắm bắt tâm tư nguyện vọng, lấy đó làm cơ sở thực tiễn yêu cầu Chính phủ có những chính sách, những điều chỉnh phù hợp kịp thời. Ngày 15 tháng 10 năm 2019 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tham dự Hội Nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Tám. Đây là một hoạt động thường xuyên và định kỳ có ý nghĩa sâu sắc trong việc thực hiện dân chủ, tăng cường tình đoàn kết nhân dân trước kỳ đại đội 13 sắp tới.
Thực hiện dân chủ trong Chính phủ
Từ những chủ trương, quyết định của Đảng, Chính phủ tiếp tục cơ những đổi mới trong thực hành phát huy dân chủ bằng những chính sách pháp luật từ vĩ mô đến vi mô để tổ chức thực hiện. Ở địa phương hoạt động tiếp công dân được đưa vào chương trình công việc hàng tuần của cán bộ, công chức. Thông qua đối thoại, tiếp xúc trực tiếp tại địa phương người dân có cơ hội trình bày những vấn đề bất cập, những đơn thư khiếu nại tố cáo được tiếp nhận và giải quyết nhanh hơn.
Hạn chế trong thực hành dân chủ
Sự hạn chế xuất phát từ sự nhận thức chưa đúng đẵn, toàn diện về dân chủ. Có ý kiến cho rằng dân chủ là có thể tự do nói và làm bất cứ việc gì mình muốn. Và dân chủ trong Đảng là đảng viên được tự do phát biểu, tuyên truyền quan điểm cá nhân của mình. Nếu nhận thức như vậy, dân chủ sẽ thành một hoạt động mang hình thái tự phát vô tổ chức, không thể coi những cá nhân đó đang ở trong 1 tổ chức. Những cá nhân đảng viên, nhân dân đó đang có một cái nhìn hoàn toàn phiến diện thiếu sự đánh giá tương quan dân chủ trong một cộng đồng, một tổ chức chung.
Lại có một số cá nhân đảng viên lợi dụng tập trung dân chủ để tập trung quyền lực. Phải hiểu rõ tập trung dân chủ là quyền tự do dân chủ được đặt trong một bối cảnh có tập thể. Quyết định của tập thể là sự tập trung ý chí cao nhất của một tổ chức đảng. Nhưng trước khi có được quyết định thì vấn đề đó đã được đưa ra bàn bạc một cách rộng rãi và dân chủ nhất có thể. Lợi dụng sự “tập trung” mà một số cá nhân dẫn đến ý hiểu là tập trung quyền lực vào tay một người. Coi dân chủ chỉ là phông nền và hợp thức hóa cho sự tập trung quyền lực. Nhiều đảng viên không nhận thức rõ thế nào là tập trung dân chủ dấn đến tình trạng lạm quyền, chuyên quyền độc đoán.
Trong thực tế một số chính sách, pháp luật của Chính phủ về tăng cường dân chủ đã được ban hành như Luật trưng cầu ý dân, Luật Giám sát và phản biện xã hội nhưng chưa được tổ chức thực hiện. Văn văn bản pháp luật đó là cơ sở pháp lý thực hành dân chủ khách quan và thiết thực nhất nhưng lại bị lãng quên. Nếu được thực hiện một cách sát sao và chặt chẽ các văn bản luật sẽ góp phần tăng cường dân chủ, sự phản biện xã hội và tình đoàn kết cao trong nhân dân. Nhu cầu được nói, được bày tỏ chính kiến của người dân là có thực vậy phải tạo môi trường và khung pháp lý cho người dân được thể hiện. Trong điều kiện kinh tế, văn hóa hội nhập ngày càng sâu với quốc tế, tăng cường dân chủ là một biểu hiện của sự thay đổi để tiếp nhận giao thoa văn hóa, chính trị, kinh tế.
Những bức xúc, đơn thư tố cáo, khiếu nại của người dân còn rất nhiều. Trong vòng 2 năm kể từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực năm 2015 đã có hơn 11 nghìn quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án hủy toàn bộ hoặc một phần trên cả nước. Con số chứng tỏ việc thực hành dân chủ trong xã hội còn hạn chế khiến các quyết định hành chính bị lệch lạc, mất niềm tin nơi ngươi dân. Nguyên nhân chủ yếu là do con người – cán bộ trực tiếp xử lý những đơn thư khiếu nại, tố cáo đó.
Đây còn là cớ để những thế lực thù địch vin vào chống phá hoạt động của nhà nước thiếu tính dân chủ.
Giải pháp tăng cường dân chủ hướng tới đại hội 13
Đại hội 13 là dịp người dân thực hiện quyền làm chủ, quyền dân chủ của mình một cách chính đáng. Đảng và Nhà nước phải đảm bảo người dân thực sự được tham gia bầu người đại diện cho mình. Tăng cường hơn nữa dân chủ ở cơ sở để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân trước kỳ đại hội Đảng. Nâng cao hơn nữa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Một là thực hiện sâu hơn nữa dân chủ trong Đảng. Đảng lãnh đạo nên ngay chính trong Đảng phải đảm bảo sự dân chủ. Mỗi đảng viên nắm rõ, nhận thức toàn diện về dân chủ. Bên cạnh đó liên tục tổng kết thực tiễn sau đó đúc kết thành những vấn đề lý luận cải thiện thực hành dân chủ trong một tổ chức, một cộng đồng.
Hai là, Nhà nước đóng vai trò hiện thực hóa, thể chế hóa các quyết định, chủ trương của Đảng về dân chủ một cách toàn diện và sâu rộng để những văn bản có tính pháp lý đi vào đời sống. Tiếp tục bổ sung các quy định cụ thể về thực hiện dân chủ trong Chính phủ. Cán bộ phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước các quyết định hành chính của mình. Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ đối với cán bộ, mỗi cán bộ đều có quyền ngang nhau trong hoạt động bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Song song đó là thực hiện cơ chế giám sát các hoạt động của cán bộ, các mối quan hệ lợi ích xung quanh.
Ba là, Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò hạt nhân tập hợp các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội tuyên truyền thực hành dân chủ một cách hiệu quả. Thể hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, nắm bắt các vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng trong xã hội để có hướng điều chỉnh giải quyết đảm bảo tinh thần dân chủ trong xã hội.
Bốn là phát huy vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu gương mẫu thực hành dân chủ, đấu tranh chống lạm quyền, tập trung quyền lực. Người đứng đầu có vai trò điều phối thực hiện đúng nguyên tắc “tập trung dân chủ” không để dân chủ quá chớn cũng không để xảy ra tình trạng tập quyền bóp nghẹt dân chủ tại tổ chức, cộng đồng người đó đứng đầu.
Trước sự kiện Chính trị quan trọng sắp diễn ra – Đại hội Đảng lần thứ 13, việc thực hiện dân chủ, tăng cường dân chủ là vấn đề không hề mới nhưng cũng không cũ trong tình hình hội nhập và phát triển kinh tế đa chiều của Việt Nam. Những người được bầu mới, được ở lại trong kỳ bầu cử tới là cá nhân ưu tú đại diện cho nhân dân thông qua hình thức bầu cử và dân chủ. Chính vì thế phải đảm bảo tính dân chủ một cách sâu sắc để những người được bầu xứng đáng với lá phiếu của nhân dân. Ngoài ra những thế lực thù địch, chống phá thường lợi dụng nhưng thời điểm nóng bỏng trong nghị trường như đại hội Đảng để tung chiêu bài dân chủ trá hình nhằm gây rối chống phá sự ổn định, hòa bình trong nước, khơi dậy bất ổn chính trị và mâu thuẫn xã hội. Chính vì thế, nhận thức và thực hành tốt dân chủ chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để ngăn ngừa những hoạt động chống phá đó.
Han Cao
Nguồn: Cánh cò