Trang chủ Luận bàn - Phản biện Không để chi phối bởi tin giả, xấu, độc trên mạng về...

Không để chi phối bởi tin giả, xấu, độc trên mạng về công tác nhân sự

158
0

Việc xây dựng đề án nhân sự cần phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, đồng thuận trong tập thể cấp ủy. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội… liên quan đến công tác nhân sự.

Không để chi phối bởi tin giả, xấu, độc trên mạng về công tác nhân sự

Thực hiện Chỉ thị số 35 ngày 30.5.2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18.10.2019 hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Theo đó, cấp ủy trực thuộc Trung ương quyết định thành lập tiểu ban nhân sự từ 5-7 người (bảo đảm không quá 50% số lượng ủy viên ban thường vụ đương nhiệm), gồm: Bí thư, các phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và ủy viên ban thường vụ khác (nếu cần). Bí thư cấp ủy làm trưởng tiểu ban, trưởng ban tổ chức cấp ủy làm thường trực tiểu ban.

Cấp ủy xây dựng đề án nhân sự bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với địa bàn, lĩnh vực quan trọng và cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định.

Phương châm là phải coi trọng chất lượng cấp ủy, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.

Việc xây dựng đề án nhân sự cần phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ và tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin không chính thức, thông tin giả, xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội… liên quan đến nhân sự và công tác chuẩn bị nhân sự.

Căn cứ vào tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Trong đó, đối với một số chức danh cần xem xét cụ thể theo hướng: Các đồng chí được dự kiến giới thiệu làm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND; lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định, phải là người có kiến thức, am hiểu và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách.

Các cán bộ dự kiến giới thiệu làm lãnh đạo chủ chốt ở cấp trên ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định, cần kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp (trừ trường hợp là cán bộ điều động, luân chuyển).

Trường hợp đặc biệt, nếu nhân sự chưa kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp, thì cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ phải báo cáo về nguồn cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực, uy tín đối với nhân sự và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với những cán bộ khi thực hiện quy trình công tác cán bộ nếu chưa bảo đảm một số tiêu chuẩn, điều kiện thì các cấp ủy phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, xử lý dứt điểm những vi phạm trước khi xem xét giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy các cấp.

Cơ cấu 3 độ tuổi, chống chạy chức chạy quyền

Hướng dẫn này yêu cầu thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi đối với cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, phấn đấu: Dưới 40 tuổi từ 10% trở lên; từ 40 đến 50 tuổi khoảng 40-50%, còn lại trên 50 tuổi. Đối với cấp xã sẽ do ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể cho phù hợp…

Về số lượng cấp ủy: Đối với cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương: Căn cứ vào Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương cụ thể hóa việc thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên so với số lượng tối đa được cấp có thẩm quyền xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020 (không tính các cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương).

Đối với đảng bộ cấp cơ sở (gồm cả đảng bộ cấp xã và đảng bộ cơ sở mà đảng ủy được giao hoặc thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở) cơ bản thực hiện số lượng như nhiệm kỳ 2015-2020 và do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với những đảng bộ cấp xã, cấp huyện và tương đương thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn so với quy định nhưng tối đa không quá số lượng hiện có. Tuy nhiên, đến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 thì thực hiện số lượng theo quy định.

Về số lượng phó bí thư cấp ủy: Số lượng phó bí thư cấp tỉnh (không tính các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển về địa phương), cấp huyện thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Riêng số lượng phó bí thư cấp ủy các tổ chức đảng trong Công an nhân dân thực hiện theo Quy định số 192-QĐ/TW, ngày 18.5.2019 của Bộ Chính trị.

Đối với đảng bộ thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, thì tiếp tục cơ cấu 2 phó bí thư phụ trách công tác quan trọng của cấp ủy theo quy định.

Cũng theo hướng dẫn, công tác nhân sự phải thực hiện đúng nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự theo quy định; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền.

Đồng thời, phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng cấp ủy các cấp; chất lượng, hiệu quả việc rà soát, lựa chọn, giới thiệu, thẩm định, xác minh và kết luận rõ, chính xác những vấn đề về tiêu chuẩn cấp ủy, tiêu chuẩn chính trị, các nội dung liên quan đến nhân sự trước đại hội.

Nguồn: www.nhandan.com.vn

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây