Những ngày này, khi Biển Đông vẫn đang dậy sóng, nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 của họ vẫn đang ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế thì ở một phía khác, họ vẫn đang lặng lẽ cài cắm “bằng chứng chủ quyền” phi pháp khắp nơi.
Một phụ huynh ở TP. Hồ Chí Minh mới đây phát hiện cuốn “Atlas of the world picture book” do công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục quốc tế Á Châu phát hành, in ấn tại Hồng Kông được bày bán tại nhà sách Phương Nam có “đường lưỡi bò” chèn vô. Một lần nữa câu hỏi được đặt ra, trách nhiệm của cơ quan kiểm duyệt ở đâu khi để cứ mãi tiếp diễn tình trạng “đường lưỡi bò” lẩn khuất? Chỉ mới vài hôm trước, một công ty du lịch nổi tiếng hồn nhiên phát những cuốn cẩm nang có hình “lưỡi bò”. Một bộ phim hoạt hình cũng bị cài cắm và sau đó, một thành viên Hội đồng bảo: “Chỉ mấy giây, cứ làm quá lên”.
Đừng nói rằng “đường lưỡi bò chỉ mấy giây mà làm quá”, bởi vì đó không phải là sự tình cờ. Từ Điệp vụ biển Đỏ đến Everest: Người tuyết bé nhỏ,… Trung Quốc đang cố biến “đường lưỡi bò” chín đoạn tự huyễn của họ trên Biển Đông thành hình ảnh quen thuộc. Nếu có một lúc nào đó, ai đó thắc mắc về tình hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, họ sẽ dễ dàng trưng ra các bản đồ có “đường chín đoạn” (đã bị Tòa Trọng tài thường trực phán quyết là vô giá trị) trên các sản phẩm may mặc, đồ chơi trẻ em, sách truyện, đèn lồng, hộ chiếu… đã được âm thầm phổ cập ra thế giới, trong đó có Việt Nam.
Di huấn của đức vua Trần Nhân Tông chưa bao giờ là lời xưa cũ: “Chớ coi thường chuyện vụn vặt… họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần, họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích”. Hai chữ “gặm nhấm” quá đắt và đúng với bản chất của các hành động liên quan đến Biển Đông. Gặm nhấm từng thước núi tấc sông, và gặm nhấm trong “tư tưởng”, “nhận thức” của người Việt Nam về chủ quyền. Những thế hệ sau bị nhiễm “đường lưỡi bò” là của Trung Quốc, đó mới là “cái họa lâu dài của Đại Việt ta”.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri hôm 15.10, khi được hỏi về tình hình biển Đông, Tổng bí thư – Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rất kiên quyết: “Không nhân nhượng vấn đề lãnh thổ, độc lập, chủ quyền”. Báo cáo trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định: “Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng”. Có cảm giác gì đó rất khó tả khi nghe những lời tuyên bố mạnh mẽ trên. Cái cảm giác ấy hình như mỗi người chúng ta đều đã bắt gặp từ chính mình, như khi đứng giữa đồng bào, tay trái đặt trên ngực và hát từ trái tim bài “Quốc ca”. Nó giúp chúng ta nhớ lại lời vua Lê “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ”.
Biển đảo quê nhà đang dậy sóng. Mỗi mặt trận gìn giữ cương vực lãnh thổ Việt Nam đều phải tập trung. Những người xông pha trên mặt trận ngoại giao, mềm mỏng, khôn khéo để tìm ra giải pháp tối ưu cho hòa bình và bảo vệ chủ quyền. Trên Biển Đông, các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển đấu tranh quyết liệt trước các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, trước các sự kiện như giàn khoan, bãi Tư Chính. Những người có trách nhiệm quản lý văn hóa, in ấn, xuất bản cũng phải thấy được trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là liên quan đến Biển Đông.
Và đừng quên, việc gìn giữ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vì thế, còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân ngay từ những việc tưởng như là nhỏ. Như Doanh nhân Cấn Đình Việt với hành trình in hai chữ “Hoàng Sa”, “Trường Sa” lên những quả địa cầu Columbus. Dù anh nói câu chuyện của anh chỉ là một cái đích nhỏ, cho hai cái chấm nhỏ “Hoang Sa”, “Truong Sa” có trong hàng ngàn địa danh có trên một quả địa cầu. Nhưng rõ ràng nó là những nỗ lực lớn cho một việc không hề là nhỏ.
Ái Dân
Nguồn: Cánh cò