Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu.
Thế nhưng, vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội…
Bệnh công thần là một trong những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm. nó nguy hiểm bởi người mắc bệnh này là những cán bộ, lãnh đạo trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Họ là những người có công, có đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Dạo gần đây, căn bệnh ấy lại được nhắc đến nhiều hơn vì những phát ngôn lúc “cao hứng” củavề 2 vị Đại tướng cao cấp trong Quân đội Việt Nam là Lương Cường và Ngô Xuân Lịch, rằng:
“Về các tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, từ lớp Đại tướng trở xuống đều không biết chiến tranh là gì, chứ đừng nói cầm súng, như đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vậy. Còn về Đại tướng Ngô Xuân Lịch thì là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam lại có một Bộ trưởng Quốc phòng không đọc được bản đồ, không cầm nổi bản đồ đi thực địa”.
Những con người đã kinh qua, trải nghiệm sự gian khổ của chiến tranh, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội và phấn đấu, nỗ lực để chứng minh khả năng của mình, được lựa chọn để gánh vác trọng trách thì ông Lương không thể tùy tiện phán xét. Có thể trong chiến tranh lúc ấy những chiến công của tướng Ngô Xuân Lịch và tướng Lương Cường không nổi tiếng và hào hùng bằng những chiến công của tướng Lê Mã Lương. Nhưng bất kể ai đã cầm súng vào sinh ra tử, nếm mùi thuốc súng, máu và nước mắt đều đáng được tôn vinh và trân trọng.
Người đời thường hay nói “khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ, tự kiêu một lúc cũng là thừa”; việc tướng Lê Mã Lương chê bai các tướng khác trước một diễn đàn như thế là không nên, rất dễ làm cho dư luận hiểu lầm, hiểu sai về các tướng lĩnh. Với lại việc quân cơ cốt ở bí mật, chuyện Bộ trưởng đi thực địa hay xem xét quân tình hiện nay…thì chắc chắn tướng Lương đã nghỉ hưu không phải là người có trách nhiệm để được biết.
Đất nước yên bình, không có khói súng của chiến tranh là điều đáng mừng, là niềm khao khát của nhân dân nhiều nước đang chịu cảnh đọa đày vì chiến tranh trên thế giới. Thế mà, một vị tướng lại cho rằng lãnh đạo Bộ Quốc phòng “ không biết chiến tranh là gì, chứ đừng nói là cầm súng” thì không biết rằng vị tướng ấy đang mong điều gì?
Như lời của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến từng nói rằng:
“ Đồng chí đó được tìm hiểu nhiều về lịch sử, có nhiều thông tin, đáng nhẽ phải phát biểu có tính xây dựng thì lại đưa ra những quan điểm sai trái, không đúng sự thật. Mà giả sử có đúng là tướng không qua chiến tranh thì đã sao, đó là một điều đáng mừng cho dân tộc, cho đất nước…Thời chúng tôi ra trận kẻ địch đối kháng trực tiếp, còn bây giờ trong thế giới hội nhập, xu thế đối thoại hơn đối đầu ,vì vậy cần phải có đối sách mềm dẻo, linh hoạt để vẫn giữ được độc lập chủ quyền trong hòa bình, phát triển. Đối ngoại quốc phòng thời gian qua là rất hay. Ta vẫn rèn luyện, sẵn sàng lực lượng để chỉ dùng khi bất đắc dĩ, nhưng chưa cần thiết thì dùng giải pháp thảo luận, trao đổi, đối thoại.”
Việc nhiều chuyên gia cùng ngồi lại xây dựng, đóng góp ý kiến, thể hiện quan điểm về chủ quyền quốc gia, hiến kế trong buổi tọa đàm khoa học về “Vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế” vừa mới diễn ra là một điều tích cực và đáng mừng. Đó là dấu hiệu cho thấy lòng nhiệt thành của người dân quan tâm đến vận mệnh của đất nước, cho thấy tinh thần cầu thị của Chính phủ đã thực sự được thu hút.
Còn đối với những người đang quay ngược mũi dũi về phía lãnh đạo đất nước, chửi bới, chụp mũ chính quyền rằng “nhà nước hèn nhát, sợ Trung Quốc”… hành động đó chỉ làm cho Trung Quốc càng khoái chí vì chẳng có gì tốt hơn là nội bộ của một nước mà họ đang muốn xâm chiếm bị chia rẽ cả.
Thử nghĩ xem, Trung Quốc sẽ ngán một Việt Nam đoàn kết, đồng lòng hay ngán một Việt Nam bị chia rẽ, bất ổn, xáo trộn, loạn lạc? Trong nước mà loạn thì các chiến sỹ sao có thể yên tâm bảo vệ đất nước, hậu phương không vững chắc thì lấy gì cho tiền tuyến chiến đấu? Ai cũng hiểu rằng những hành động quá khích không mang lại ích lợi gì cho đất nước mà đó lại là niềm vui mà kẻ địch mong muốn.
Sinh thời Bác Hồ đã từng phân tích bệnh công thần là: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm”.
Chính vì vậy, khi có người mắc “ bệnh” thì rất khó để chúng ta có thể giải quyết. Nếu đáp ứng yêu cầu của họ thì luật pháp không được đảm bảo nghiêm minh, nếu không đáp ứng thì họ “làm loạn”, phá rối gây ra nhiều tác động tiêu cực. Và nguy hiểm hơn, đây sẽ là yếu tố khiến cho nội bộ Đảng, nội bộ Nhà nước bị bất ổn, mất đoàn kết, rối loạn từ bên trong.
Trong tất cả các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, bệnh công thần đều không thể chấp nhận. Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến hết sức phức tạp, những đối tượng mắc bệnh công thần rất dễ bị lợi dụng, trở thành những đối tượng chống đối từ trong chính nội bộ của Đảng ta.
Những “mầm mống” của bệnh công thần cần được triệt tiêu ngay từ khi còn là “ trứng nước”, chúng ta không thể để cho căn bệnh này được lây lan, tạo ra tiền lệ xấu, gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Bác Hồ cũng đã từng dạy rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”.
Nay là anh hùng nhưng ngày mai có thể không nếu không biết tu dưỡng đạo đức. Đối với những trường hợp đó, phải dùng sức mạnh của tổ chức đảng, đoàn thể, của xã hội và cộng đồng để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cũng phải duy trì nghiêm túc kỷ luật của Đảng. Trường hợp cán bộ quân đội nghỉ hưu nếu có vi phạm tương tự cũng cần được xem xét, xử lý nghiêm minh.
Toàn bộ hệ thống chính trị của ta phải tích cực vào cuộc, làm trong sạch bộ máy, không để bệnh công thần có điều kiện nảy nở trong cán bộ, Đảng viên. Chúng ta cần phê phán bệnh công thần, bệnh kiêu ngạo cộng sản, không thể để một người phủ nhận công lao, thành tựu chung của đất nước, của quân đội.
Sự kiêu ngạo đi trước, ắt sự bại hoại theo sau! Chớ nên ngụy biện, tự huyễn hoặc mình, bởi điều mình biết, mình đã làm rất bé nhỏ chẳng đáng khoe khoang. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, không để những công thần khoe khoang, ngụy biện, làm hại đất nước và quân đội.
Không chỉ có tinh thần đấu tranh, phê phán bệnh công thần mà chúng ta phải hết sức bình tĩnh, cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, tránh rơi vào bẫy kích động của chúng dẫn đến những phát ngôn sai trái, những việc làm ngược với mục tiêu, định hướng của Đảng.
Trong buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 15/10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc. “Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát. Trong những ngày này, ta rất kiên quyết, có những việc không thể nói công khai hết được, nhưng phải xử lý mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện với con mắt chiến lược, đừng nghĩ một mặt, và đặc biệt đừng để bị kích động, chia rẽ giữa lãnh đạo với nhân dân”. Chia sẻ điều này, Người đứng đầu Đảng và Nhà nước bày tỏ xúc động và cảm ơn cử tri đã nêu được tinh thần này và ủng hộ các quyết sách của Đảng, của Trung ương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng nêu rõ, xử lý các mối quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông không hề đơn giản, “làm sao để đất nước yên bình tiến lên, đồng thời vẫn được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Thực tế cho thấy, với một khu vực, địa bàn đều có những phức tạp riêng, đặc biệt là về vấn đề quan hệ biên giới, lãnh thổ, biển đảo nói chung, mà nước nào cũng có và phải xử lý.
Với nước ta, quan điểm nhất quán là phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhưng đồng thời phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Phải tính toán vì lợi ích quốc gia của dân tộc, nhưng không có nghĩa là nhân nhượng bất kỳ điều gì vô nguyên tắc. “Những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định.
Khẳng định sự ủng hộ với những quyết sách của Bộ Chính trị, của Trung ương về việc xử lý vấn đề Biển Đông, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp hiện nay, với cái nhìn bình tĩnh và toàn diện, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nói rằng, “Tổ quốc là trên hết, nhưng không nên nôn nóng”, vì rằng “ai nóng ruột bằng Bộ Chính trị – những người chịu trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân”.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, thì: “chúng ta là những người yêu nước, cùng với Đảng, Nhà nước chung sức đồng lòng bảo vệ Biển Đông. Con đường đúng đắn nhất là Đảng tập hợp toàn dân đồng lòng nhất trí đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế bằng con đường ngoại giao, trong đó có ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân…”.
Và để kết lại, xin mượn lời của Vị lão tướng 93 tuổi hào sảng với kỷ niệm nghị trường song cũng đầy suy tư về tình hình thời sự đất nước – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Quân không đánh giỏi thì làm sao anh có thể lên tướng được? Cho nên cái tướng của anh có công của nhiều cán bộ, nhiều chiến sĩ mà trước hết là những người đã hy sinh… Ngày hôm nay mà không tiến bộ hơn ngày hôm qua thì anh làm cách mạng làm gì? Không có tướng đánh giặc mà quân đội vẫn vững mạnh, đất nước vẫn độc lập, giữ được chủ quyền, hòa bình, vẫn giàu mạnh tiến lên đó mới là mục tiêu của Quân đội ta”. Đúng là, khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng bằng thừa.
ĐInh Lực
Nguồn: Cánh cò