Ngày 17/10/2019, RFA đưa tin, tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi “cần có hành động khẩn cấp bằng cách viết thư gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre tố cáo tình trạng tù nhân chính trị – Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh bất tỉnh trong trại giam”.
Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 16/10/2019, Ân xá Quốc tế nói rằng “Nguyễn Ngọc Ánh bị thương nghiêm trọng ở đầu và chân sau khi bị tù hình sự đánh đến bất tỉnh hồi đầu tuần tháng 10 và không được trại giam cho chữa trị mà còn lại bị đưa vào phòng biệt giam”. Chưa dừng lại, Ân xá Quốc tế còn ngang ngược khi yêu cầu trại giam Bến Tre cần phải đối xử với “tù chính trị” Nguyễn Ngọc Ánh theo các quy định tối thiểu của tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc, đặc biệt không được tra tấn bao gồm hình thức biệt giam và phải cho phép được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết. Đồng thời yêu cầu phải “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù chính trị” Nguyễn Ngọc Ánh.
Phải nói thế này, đến nay vụ việc Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh trong tù mới chỉ là thông tin một chiều từ bà Nguyễn Thị Châu, là vợ của Nguyễn Ngọc Ánh và nó không hề có một minh chứng xác thực nào. Do đó, việc Ân xá Quốc tế cho rằng “Nguyễn Ngọc Ánh bị thương nghiêm trọng và không được trại giam cho chữa trị mà còn lại bị đưa vào phòng biệt giam” hoàn toàn là nhận định thiếu khách quan, phiến diện, mơ hồ và mang nặng tính vu khống.
Hơn thế nữa, việc Ân xá Quốc tế yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho Nguyễn Ngọc Ánh còn là đòi hỏi vô lý, chà đạp lên luật pháp can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ân xá Quốc tế cần hiểu rằng, ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, luật pháp cần được thượng tôn và việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những người như Ánh là cần thiết, nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước, tổ chức và đại đa số công dân.
Nguyễn Ngọc Ánh hoạt động vi phạm pháp luật như thế nào, xin ngắn gọn như sau:
Từ tháng 3-8/2018, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre phát hiện Nguyễn Ngọc Ánh sử dụng nhiều email, mạng xã hội phát sóng trực tiếp (live stream), trao đổi thông tin, cung cấp hình ảnh, tư liệu kết nối với 14 tài khoản mạng xã hội khác để phát tán, chia sẻ các nội dung tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tổ chức biểu tình, xuyên tạc chính sách pháp luật, hoạt động ngoại giao, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vu khống, bịa đặt gây tâm lý hoang mang, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Ánh còn tuyên truyền nhiều thông tin bịa đặt có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, gây tâm lý nghi ngờ, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Bị cáo Ánh còn tham gia kêu gọi, kích động người dân biểu tình vào tháng 6/2018 và dịp lễ Quốc khánh 2/9/2018.
Nguyễn Ngọc Ánh và các đối tượng khác đã phát tán đến thông tin đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận. Các cơ quan chức năng đã tạm giữ nhiều tư liệu (bài viết, hình ảnh, clip), vật chứng chứng minh hành vi phạm pháp của Nguyễn Ngọc Ánh.
Căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng và ý kiến của người làm chứng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên phạt Ánh 6 năm tù và 5 năm quản chế về tội “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin, tài liệu chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhìn lại tất cả các trường hợp mà Ân xá Quốc Tế yêu cầu Việt Nam phải “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” thì thấy, đây đều là các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động chống phá chính quyền, gây mất an ninh trật tự, đi ngược lại lợi ích của xã hội. Điều này cho thấy Ân xá Quốc Tế” thực chất chỉ là tổ chức tiếp tay, cổ súy cho các đối tượng chống lại nhà nước Việt Nam mà thôi./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới