Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu cực kỳ quan trọng, song chưa thực sự đạt yêu cầu và vẫn còn nhiều việc phải làm.
Quy trình ngược?
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội (QH) khóa XIV của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu QH TP.Hà Nội ngày 15.10 vừa qua, trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, Đảng lãnh đạo chứ không điều hành.
Trong khi đó, vấn đề tham nhũng, tiêu cực nằm trong bộ máy nhà nước, thế nhưng tất cả những vụ tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua chủ yếu là do dư luận phát hiện, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư vào cuộc xử lý rồi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, T.Ư phải xử lý. “Chưa thấy có tỉnh nào, bộ, ngành, cơ quan đơn vị nào nêu ra sai phạm trong nội bộ của mình để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư xem xét. Như vậy, quy trình mà chúng ta làm vừa qua là hơi ngược”, tướng Thước nói và cho rằng Chính phủ quản lý thì những việc sai phạm trong phạm vi, lĩnh vực đã được giao thì người đứng đầu nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm, làm rõ để rồi trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư xem xét chứ không phải là làm như hiện nay.
Bên cạnh đó, khi xảy ra một vấn đề, một sự việc vi phạm thì trước hết cá nhân có sai phạm phải chịu trách nhiệm, song, người lãnh đạo, chỉ huy, tức những người được giao trách nhiệm quản lý cán bộ, đứng đầu tổ chức để xảy ra sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm. “Vụ trưởng vi phạm kỷ luật mà bộ trưởng vô can; bộ trưởng vi phạm kỷ luật mà Chính phủ không kiểm điểm thì theo tôi là không đúng”, tướng Thước nhấn mạnh.
Trong nhà nước pháp quyền, theo tướng Thước, cán bộ khi được Đảng, Nhà nước giao quyền thì phải chịu trách nhiệm cao nhất, không thể đẩy trách nhiệm cao nhất cho Đảng. “Đảng giao quyền, trách nhiệm cho anh, còn thực thi là việc của anh”, tướng Thước nhấn mạnh. Theo ông, rất nhiều vụ việc thời gian vừa qua, chỉ khi UBKT T.Ư vào cuộc thì mới làm được, còn không thấy trách nhiệm người đứng đầu ở đâu. Thậm chí, nhiều việc giao cho địa phương rồi nhưng UBKT lại phải xem xét. “Việc đó là việc của địa phương, đã được phân quyền, sao lại đẩy lên UBKT. Nếu anh được giao quyền mà không có năng lực thực thi, không chịu trách nhiệm được thì anh nên nghỉ chứ không thể đẩy lại trách nhiệm cho Đảng”, ông nhấn mạnh.
Phải luật hóa việc chống chạy chức, chạy quyền
Kể lại câu chuyện khi còn là đại biểu QH khóa VIII, khi nghe cố Tổng bí thư Đỗ Mười, lúc còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, khi ra QH đã nói rằng: “Thưa với QH, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà không quản lý được bộ trưởng”, ông Thước cho biết, khi đó ông đã đứng lên nói: “Xin phép anh, anh làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng anh không điều hành được bộ trưởng thì đề nghị anh nên nghỉ”. “Tôi làm Tư lệnh Quân khu 4, tôi ra lệnh mà cấp dưới không chấp hành thì một là tôi nghỉ hai là cấp dưới nghỉ chứ không thể tồn tại song song được. Đó là kỷ cương, phép nước, là pháp luật của nhà nước pháp quyền”, tướng Thước thẳng thắn.
Từ đó, ông Thước cho biết, gần đây, Bộ Chính trị có Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền là rất kịp thời trong bối cảnh đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng lần thứ XIII đang tới gần. Bên cạnh đó, tại kỳ họp 8 sắp tới, QH cũng sẽ sửa đổi bổ sung luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức. Ông Thước đề nghị đưa tinh thần Quy định 205 vào các luật nói trên thì tính hiệu lực, hiệu quả mới cao. “Nếu quán triệt một cách đầy đủ, thể chế hóa, luật pháp hóa quy định của Bộ Chính trị thì chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến trong xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”, tướng Thước khẳng định.
Lê Hiệp
Nguồn: Cánh cò