Trang chủ Chính trị Hà Nội: Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong phòng, chống...

Hà Nội: Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong phòng, chống tham nhũng, phát triển kinh tế Thủ đô

131
0

Năm 2019, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, bởi công tác này được Đảng và Nhà nước, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Tham nhũng gây nên những hậu quả nặng nề về kinh tế cho đất nước, ảnh hưởng đến chính trị, gây thiếu niềm tin của quần chúng nhân dân vào chính quyền cơ sở. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhân dân và lãnh đạo Hà Nội đã làm tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể:

* Phòng, chống tham nhũng

Năm 2019, các cấp, các ngành của Thành phố Hà Nội đã tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các cơ chế phòng ngừa từ đội ngũ cán bộ, công chức, đây là những giải pháp hiệu quả, đã và đang được áp dụng phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Hà Nội: Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong phòng, chống tham nhũng, phát triển kinh tế Thủ đô

Thể hiện ở việc, các UBND quận, huyện tăng cường việc công khai, minh bạch các nội dung có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng, như chủ trương đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư tại cộng đồng. Người đứng đầu cấp ủy thường xuyên đối thoại, tiếp công dân, kịp thời phát hiện một số sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh ngay; chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách thục tục hành chính. Tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; công khai công tác cán bộ, nhất là trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng.

Thành phố Hà Nội đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thể hiện ở việc, tính đến tháng 10/2019, các cơ quan hành chính thành phố triển khai 274 cuộc thanh tra, đã kết luận 150 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm hơn 53 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 38 tập thể, 55 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm. Các cơ quan hành chính thành phố tiếp 25.967 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó, tiếp 254 lượt đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 30.951 đơn các loại; thụ lý theo thẩm quyền 2.235 vụ khiếu nại, 661 vụ tố cáo; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 30 tập thể, 23 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hai vụ. Cơ quan công an cũng đã phát hiện, xử lý 2.619 vụ với 2.718 đối tượng vi phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó khởi tố 222 vụ và 292 bị can; thu nộp cho ngân sách 926 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát tại một số cơ quan, đơn vị về công tác này, vừa qua Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác kê khai tài sản, thu nhập cá nhân; minh bạch hóa các nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quy trình thủ tục giải quyết công việc để người dân giám sát, thực hiện.

Để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội còn xây dựng chuyên đề “Công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, nêu rõ thực trạng trong từng lĩnh vực như giải quyết thủ tục hành chính, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuế, hải quan và cả trong công tác thanh tra, kiểm tra, hoạt động tư pháp; đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể như tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ và xây dựng cơ chế giám sát, phòng ngừa của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thực hiện phân cấp gắn liền phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng.

* Hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao

Từ ngày 1-1 đến 15-10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã nhận được 1.311 nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Ðến nay thành phố đã hoàn thành 1.017 nhiệm vụ (bằng 77,51%); đang triển khai 281 nhiệm vụ, 13 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành… Đây là những con số biết nói, thể hiện sự công khai, minh bạch, rõ ràng và thực tế mà chính quyền Hà Nội cùng nhân dân Thủ đô đã làm được.

Nổi bật là, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, bộ mặt nông thôn đổi mới toàn diện. Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội liên tục được cải thiện, có nhiều giải pháp thu hút đầu tư. Ðồng thời, với vai trò, vị trí là Thủ đô của cả nước, thành phố có nhiều chính sách nhằm quan tâm hơn nữa đến công tác xử lý ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước), ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, đẩy mạnh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, trong đó là dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Với sự ủng hộ, chung tay của đông đảo quần chúng, nhân dân Thủ đô, năm 2019 sẽ là năm Thủ đô gặt hái được nhiều thành công, thúc đẩy kinh tế Thủ đô, góp sức cho sự phát triển của đất nước. Dù còn những vấn đề còn chưa xử lý dứt điểm, còn tồn đọng tác động đến cuộc sống người dân, tuy nhiên, với sự tin tưởng, ủng hộ của người dân thì lãnh đạo Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Hoa sữa

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây