Trang chủ Cánh cò Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tạo dựng “gia sản” gì ở cương...

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tạo dựng “gia sản” gì ở cương vị Bộ trưởng Y tế?

159
0

Sau 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã tạo nhiều dấu ấn, để lại “gia sản” khổng lồ cho ngành y với nhiều kết quả đáng tự hào, nhất là ngành y tế đã đạt được sự hài lòng của người dân.

Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 15/10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông báo, tại kỳ họp thứ 8 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tạo dựng “gia sản” gì ở cương vị Bộ trưởng Y tế?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi sức khỏe của bệnh nhi điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: V.Thu

Trong chuyến công tác tại Thái Nguyên ngày 15/10, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khi chia sẻ với báo chí nói rằng, có lẽ hôm nay là chuyến công tác cuối cùng của tôi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế sau 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, gần 5 năm là Thứ trưởng; 2 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13. Sau đây, tôi sẽ tập trung vào làm việc tại Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Nữ Bộ trưởng Y tế cũng chia sẻ rằng, sau gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Bộ trưởng điều bà cảm thấy “được” nhất đó là việc thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành y tế đã và đang triển khai hàng loạt hoạt động để đổi mới đào tạo và quản trị nhân lực bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, bộ mặt bệnh viện rõ ràng là có những thay đổi đáng kể.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chăm sóc sức khỏe người dân phải hướng vào y tế dự phòng, chăm sóc từ khi còn khỏe và nâng cao sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tạo dựng “gia sản” gì ở cương vị Bộ trưởng Y tế?
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Nhìn lại toàn bộ gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế – một ngành luôn được coi là nóng khi liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng phải đón nhận không ít “búa rìu” từ dư luận. Là một người có tâm và có nghề, có bản lĩnh bà Tiến đã vượt qua những thách thức ở cương vị tư lệnh ngành y và tạo dựng được “một gia sản” cho ngành này với nhiều dấu ấn và kết quả đáng nể, nhất là trong việc thay đổi cơ chế làm việc, thay đổi tư duy phục vụ ngành y tế.

Như Bộ trưởng tự nhận xét trong gần 2 nhiệm kỳ, điều bà tâm đắc nhất chính là việc thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân. Chính nhờ sự quyết tâm thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã giúp ngành y có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Ngay nhiệm kỳ đầu giữ cương vị Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thực hiện các giải pháp giảm quá tải tại các bệnh viện lớn, đẩy lùi, ngăn chặn thành công nhiều virus nguy hiểm chết người khiến dịch bệnh tái phát, hoành hành trên toàn thế giới xâm nhập vào nước ta.

Đáng chú ý, trong năm 2018, ngành y tế đã đạt được dấu ấn quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục phiền hà sau quá trình triển khai đồng bộ nhiều nội dung cải cách hành chính. Cụ thể, năm 2018, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (cắt giảm 72,85%); 169/234 thủ tục hành chính (cắt giảm 72,22%), giúp “cởi trói” cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế.

Đồng thời, chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (1 thủ tục ở lĩnh vực thiết bị y tế và 6 thủ tục ở dược). Đến cuối năm 2018, Bộ Y tế hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính; 6 thủ tục hành chính nữa sẽ hoàn thành trong tháng 1 năm 2019.

Như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng đánh giá, Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, với việc cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành y tế cũng đã trọng tâm cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, tiện ích phục vụ tại khu vực khám bệnh như nước uống, wifi miễn phí… các cán bộ y tế và nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện thực hiện tương đối tốt việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh thông qua kết nối người bệnh với các dịch vụ xã hội trong và ngoài bệnh viện.

Trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đổi mới phong cách, thái độ ứng xử của nhân viên y tế, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh – sạch – đẹp. Bộ Y tế sẽ sớm công khai chất lượng các bệnh viện để người bệnh biết, lựa chọn khi không may ốm, đau.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tạo dựng “gia sản” gì ở cương vị Bộ trưởng Y tế?
Bộ trưởng Tiến liên tiếp có những chỉ đạo khiến dư luận nức lòng

Từ năm 2016, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh – sạch – đẹp, bắt đầu từ việc làm sạch nhà vệ sinh. Người đứng đầu ngành y tế đã chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh ra nước ngoài điều trị là vì nơi đó xanh – sạch – đẹp từ ga trải giường, chỗ ăn uống, nhất là nhà vệ sinh. Trên cơ sở đó, tới đây ngành y tế sẽ xây dựng và triển khai đề án bệnh viện xanh – sạch – đẹp. Ở đó, bệnh viện phải là nơi sạch nhất, không thể để nhà vệ sinh bẩn được, chỗ rửa tay phải có xà-phòng, khuôn viên phải có cây xanh, phòng bệnh không thể trải ga cũ, nhàu nhĩ được.

Để thay đổi bộ mặt bệnh viện công, ngoài việc yêu cầu đổi mới mô hình quản lý, các cơ sở tập trung nâng cao chất lượng bệnh viện. Một bệnh viện sạch không chỉ là ở nhà vệ sinh, sân vườn… mà còn cả trong những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn, nhất là khâu xử lý nước thải, rác thải y tế và kiểm soát nhiễm khuẩn…

Nhờ những nỗ lực của tư lệnh ngành Y tế và toàn ngành này, năm 2018, ngành y tế đã nhận được sự hài lòng của người dân khi 81% trong tổng số các ý kiến của gần 7.600 người bệnh tại 60 bệnh viện trên toàn quốc người bệnh hài lòng khi đến bệnh viện. Đó dấu ấn rất lớn của “tư lệnh” ngành Y – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tất cả nỗ lực của tư lệnh ngành Y tế được ghi nhận bằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của bà hồi cuối năm 2018. Theo đó, tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp Quốc hội thứ 6, tháng 10/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đạt được kết quả rất tích cực so với 2 lần trước đó. Cụ thể, bà được 224 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 46,19% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm: 197 phiếu (chiếm 40,62 % tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm thấp: 53 phiếu (chiếm 10,93% tổng số đại biểu Quốc hội).

Kết quả nêu trên đã phản ánh sự ghi nhận của Quốc hội trước những cố gắng, nỗ lực của người đứng đầu ngành Y tế.

Đáng chú ý, ngày 4/3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến có tên trong danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, quê Hà Tĩnh. Bà từng là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII. Bà nguyên là giảng viên ở Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Pháp. Sau đó bà là Viện trưởng Viện Pasteur Tp HCM, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược Tp HCM. Năm 2007, bà Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ tháng 8/2011, bà trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế.

Ngày 4/7/2019, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Theo Quyết định số 1296 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhiệm chức danh này. Bà Tiến khẳng định sẽ tiếp tục phát huy những thành tích của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương, đồng thời nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc, bảo vệ cán bộ trong tình hình mới.

(Theo Kiến Thức)

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây