Cụ Nguyễn Văn Tố
Google.tienlang nhất trí với ý kiến trên của bạn đọc….
Quả thật, trên một số trang mạng đưa tin về tấm bia Alexandre de Rhodes từng được dựng vào năm 1941 ở cạnh Hồ Gươm (nơi có tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ngày nay) với thông tin sai lầm, rằng “Người khởi xướng và đứng ra dựng bia là nhân sĩ Nguyễn Văn Tố- Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ”.
Để hiểu sự thật chuyện này như thế nào, trước hết ta cần tìm hiểu về cụ Nguyễn Văn Tố và Hội truyền bá chữ quốc ngữ do cụ làm Hội trưởng.
Cụ Nguyễn Văn Tố là một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng. Cụ sinh ngày 5 tháng 6 năm 1889, quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cụ từng làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ.
từ cuối năm 1937, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động lên cao, yêu cầu dạy và học chữ quốc ngữ ngày càng bức thiết. Xứ uỷ Bắc Kỳ chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ để mở rộng phong trào học chữ quốc ngữ một cách công khai hợp pháp. Tháng 5-1938, các đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp cùng với một số nhân sĩ và trí thức tiến bộ đứng ra thành lập Hội truyền bá quốc ngữ. Hội bầu ông Nguyễn Văn Tố, một trí thức tiến bộ và có uy tín làm Hội trưởng.
Hệ thống tổ chức của Hội được xây dựng từ Trung ương tới địa phương, Ban liên lạc của Hội đặt tại số 4 phố Nguyễn Trãi – Hà Nội (nay là phố Nguyễn Văn Tố). Trụ sở chính của Hội đặt ở Hội quán Trí Tri số 47 Hàng Quạt và có chi nhánh ở các địa phương.
Ngày 25-5-1938, tại trụ sở Hội thể dục thể thao Hà Nội, Hội tổ chức một cuộc mít tinh lớn ra mắt quần chúng. Trước đông đảo người nghe, đồng chí Phan Thanh thay mặt Ban vận động Trung ương nói về nạn thất học và những mục tiêu, tôn chỉ của Hội.
Quang cảnh Lễ ra mắt Hội truyền bá chữ quốc ngữ
Theo Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, https://luutru.gov.vn/hoi-truyen-ba-chu-quoc-ngu-196-vtlt.htm, dù bề ngoài là một hội được thành lập một cách hợp pháp, nhưng thực chất, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ có sự hậu thuẫn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mọi hoạt động của Hội đều bị Sở Mật thám Bắc Kỳ theo dõi sát sao. Chính quyền Pháp nghi ngờ đây là một hội của những người theo chủ nghĩa Xta-lin không có lợi đối với chính sách của Pháp thời kì đó. Do đó, hầu hết các thành viên của Hội đều nằm trong danh sách theo dõi của mật thám Pháp, đặc biệt là một số chí sĩ cách mạng, nhà yêu nước như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) mang số T.4995.I, Đặng Thai Mai mang số T.4776.I, Chu Văn Tập mang số T7124.I, Võ Nguyên Giáp mang số T6740.I, Ngô Thúc Địch mang số T5220.I… Tuy vậy, Hội vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động rầm rộ để tuyên truyền cho việc học chữ Quốc ngữ, đồng thời tuyên truyền tư tưởng cách mạng.
Trong 7 năm (1938-1945), dưới danh nghĩa là một hội văn hoá giáo dục nhưng thực chất đây là một tổ chức chính trị có sự tham gia của nhiều nhà chính trị, Hội đã đóng góp rất lớn cho Đảng và Cách mạng bằng việc tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong toàn thể quần chúng nhân dân lao động.
Sau Cách mạng tháng Tám, cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong chính phủ cách mạng lâm thời. Cụ là Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh trong Chính phủ liên hiệp Việt Nam lâm thời (1946) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (ngày 19 tháng 12 năm 1946, cụ cùng chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, trong một cuộc tấn công của quân đội Pháp vào chiến khu trong chiến dịch Việt Bắc, cụ bị bắt, bị tra khảo và bị giết tại Bắc Kạn.
Một trong số sáng lập viện Hội Truyền bá chữ quốc ngữ là ông Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) là một nhà báo, từng bị thực dân Pháp bắt tù 1930, tham gia Mặt Trận Dân chủ Đông Dương (1937-1939). Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật (1939-1945), Nguyễn Hữu Đang hoạt động công khai ở Hà Nội, là đồng chí thân thiết của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tố…
Trích hồi ký của nhà hoạt động văn hóa-xã hội Nguyễn Hữu Đang:
“Trước Cách mạng Tháng Tám, ở sau đền Bà Kiệu, xế cửa đền Ngọc Sơn, vẫn có một khoảng đất rộng độ ba trăm mét vuông, ở giữa dựng tấm bia đá ghi công tích Alexandre de Rhodes, một giáo sỹ Pháp sang truyền đạo ở nước ta vào những năm 1624-1645, được một dư luận mơ hồ coi là người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Dư luận ấy càng hay được nhắc lại trong giáo hội và giáo dân như một niềm tự hào song song với niềm tự hào Giáo hoàng Grégoire đã đặt ra dương lịch!
Lợi dụng cái nhầm lẫn của những người không hiểu biết về một sự kiện lịch sử, thực dân Pháp dựng đài kỷ niệm ông ta với dụng ý gây uy tín cho chủ nghĩa đế quốc Pháp, chứng minh cụ thể “công ơn” của nước Đại Pháp đã “khai hóa” dân tộc Việt Nam lạc hậu! Dĩ nhiên trong lễ khánh thành bia tưởng niệm phải có kẻ tung người hứng. Kẻ tung có nhiệt tình đã được chọn là giám mục địa phận Hà Nội. Kẻ hứng có thẩm quyền nhất phải là ông Nguyễn Văn Tố, nhà cổ học nổi tiếng, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ đang được cả nước hoan nghênh. Bởi vậy Ban tổ chức mời Hội dự lễ khánh thành với yêu cầu nội dung gồm hai tiết mục:
1. Ông Nguyễn Văn Tố đọc một bài phát biểu chứng nhận giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử sự nghiệp của Alexandre de Rhodes, cả hai mặt đều đã được thổi phồng trong bài diễn văn đọc trước.
2. Học viên của Hội ở thủ đô, tiêu biểu cho phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ sẽ đến đông đủ, hoan hô và diễu hành.
Hội không có lý do gì chính đáng để từ chối. Ban trị sự và anh chị em trong các ban chuyên môn đều lo ngại Hội sẽ bị lợi dụng trắng trợn. Riêng ông Hội trưởng cứ ung dung nhận lời sau khi đã trấn an mọi người bằng một câu nói vui: “Các ngài cứ yên tâm, Hội trưởng ra ngoài không đến nỗi kém cỏi, khờ dại lắm đâu, sẽ biết múa võ không hở sườn. Xin hứa giữ toàn vẹn cả danh dự Hội lẫn danh dự cá nhân”.
Giữ ra sao? Ông dặn Ban dạy học chỉ dẫn độ năm sáu chục học viên nhỏ tuổi, đứng im lặng, hễ ông đọc xong bài phát biểu là tự động giải tán ra về. Một giáo viên sẽ đến phân trần với Ban tổ chức là học viên người lớn của Hội ban ngày bận đi làm, chỉ có một số ít học viên nhỏ này rỗi phần nào là đi dự được. Họ đứng lâu sốt ruột lại thiếu ý thức trật tự, khuôn phép nên tự động bỏ về, chúng tôi bực mình nhưng cũng đỡ lo vì nếu họ diễu hành, đi gần đài bia tưởng niệm và các quan khách mà có cử chỉ, ngôn ngữ thiếu lễ độ, tôn kính thì tai hại.
Còn bài phát biểu của ông Hội trưởng thì bằng những dẫn chứng cụ thể và biện luận chặt chẽ, ông chỉ ra rằng chính các giáo sỹ Tây-ban-nha (Spaint) và Bồ-đào-nha (Portugal) đã đến xứ này từ lâu trước Alexandre de Rhodes và họ mới là người đầu tiên dùng chữ cái Latin phiên âm tiếng Việt, sáng tạo hệ thống gần hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ hiện ta đang dùng. Sau đó, Alexandre de Rhodes mới góp phần mình bằng những cố gắng qui tắc hóa và đem phổ biến hạn chế trong việc dịch kinh bổn và biên soạn tài liệu cho giáo hội. Ông ta đáng khen ở chỗ thừa kế các bậc tiền bối mà có bổ sung trong chi tiết. Những người nghe ông nói hoặc đọc bài phát biểu đăng trên một tờ báo Pháp ra ngày hôm sau đều thấy rõ ông đã vạch trần âm mưu xuyên tạc lịch sử để tuyên truyền lừa bịp của bọn thực dân”.
Ai cũng biết vào nửa đầu thế kỷ XX, trong giới văn nhân văn hóa nước nhà nổi danh tứ kiệt “Quỳnh-Vĩnh-Tố-Tốn”, trong đó vị Viện trưởng Viễn đông bác cổ – học giả Nguyễn Văn Tố là người cốt cách, tự tin, mềm dẻo, uyên bác mà khiêm tốn, khí tiết vững vàng và sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm Trưởng Ban thường trực Quốc hội khóa đầu tiên của chính thể Cộng-Hòa Dân-Chủ Việt Nam.
Lễ khánh thành nhà bia, 29- 5-1941, các học trò “nhí” của cụ Tố được “mật lệnh”http://googletienlang2014.blogspot.com/”hễ cụ phát biểu xong thì tự động giải tán”.
Nhà bia thời Tây ghi công đức cụ cố Rốt ở Bờ Hồ (ảnh của cụ Võ An Ninh)
Nhà bia ghi “công” cố Rốt được thay bằng tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Lê Hương Lan
Nguồn: Google Tiên Lãng