Trang chủ Cánh cò Từ “5 tính tốt” và cách “tu thân” của Chủ tịch Hồ...

Từ “5 tính tốt” và cách “tu thân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới công tác cán bộ

160
0

Kết hợp với tâm niệm tư tưởng vĩ đại, cao đẹp của Bác Hồ về đạo đức cách mạng và hằng ngày soi mình theo “những tính tốt” ấy, là cách “tu thân”, 5 nội dung mới trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Bộ Chính trị sẽ nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng và lối sống cho các cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau.

Từ “5 tính tốt” và cách “tu thân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng và phong cách công tác, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, ký bút danh X.Y.Z. Cuốn sách do Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu tiên vào đầu năm 1948.

Đây là một tác phẩm chính trị nổi tiếng, rất có giá trị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không phải chỉ đáp ứng với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc bấy giờ, mà còn có ý nghĩa lâu dài trong sự tồn tại và phát triển của Đảng ta.Từ “5 tính tốt” và cách “tu thân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới công tác cán bộ

Ở mục III của tác phẩm, với tiêu đề “Tư cách và đạo đức cách mạng”, Bác viết: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm” (tr. 38).

Bác nêu rõ “những tính tốt” ấy gồm có 5 điều: “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”, rồi giải thích cụ thể từng điều.

“a. Nhân, là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giầu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải, họ đều làm được.

b. Nghĩa, là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

c. Trí, vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

d. Dũng, là dũng cảm, gan góc; gặp việc phải, có gan làm. Thấy khuyết điểm, có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

đ. Liêm, là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” (Nguyên văn, sđd, tr. 39 – 40).

Quy định 205 sẽ giúp hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền với 5 nội dung mới. Trong đó, đã quy định cụ thể nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.

Quy định 205 của Bộ Chính trị được ví như là một thứ “vắc xin” phòng chống căn bệnh chạy chức chạy quyền lâu nay vốn gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Quy định 205 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng là phải kiểm soát bằng được quyền lực trong công tác cán bộ.

Đồng thời bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm chạy chức chạy quyền. Quy định cũng nhằm ngăn chặn tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” có thể xảy ra trong công tác cán bộ.

Có 5 nhóm nội dung mang tính chất mới. Thứ nhất là cách tiếp cận kiểm soát quyền lực theo các chủ thể. Cụ thể nội dung của quy định theo 6 nhóm chủ thể, đó là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Phân theo nhóm chủ thể này có ý nghĩa gắn trách nhiệm, nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm.

Thứ hai trong nội dung, lần đầu tiên có văn bản nêu cụ thể về hành vi, nhận diện rõ thế nào là chạy chức chạy quyền, thế nào là bao che, tiếp tay. Quy định rõ hành vi này có ý nghĩa là giúp cho cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hành vi để xử lý.

Thứ ba, quy định đã bổ sung một số chế tài về lĩnh vực tổ chức cán bộ để xử lý vi phạm. Cụ thể trong quy định 102, đảng viên vi phạm ngoài chịu hình thức xử lý thì còn phải chịu các hình thức xử lý bổ sung tương ứng.

Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch, sau 18 tháng mới được xem xét. Cảnh cáo thì đưa ra khỏi cấp ủy và quy hoạch. 30 tháng sau mới được xem xét lại, cách chức là 60 tháng sau mới được xem xét lại. Nặng hơn nữa là khai trừ khỏi Đảng thì chấm dứt hợp đồng, chuyển hồ sơ cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự. Đây là các chế tài bổ sung.

Thứ tư, trong quy định này gắn với xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện nêu gương, đề cao tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của Đảng viên. Cuối cùng là quy định nhằm đảm bảo tính khách quan cho người thực thi nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn tiêu cực “lợi ích nhóm” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Quy định nêu rõ cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền không được bố trí những người có quan hệ gia đình như bố mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột không được cùng đảm nhiệm một số chức vụ như thường trực cấp ủy, Trưởng ban tổ chức, kiểm tra, thanh tra hay cùng 1 Ban cán sự Đảng, đảng đoàn.

Chống “hoàng hôn nhiệm” kỳ cũng vậy, người đứng đầu một tổ chức khi có thông báo nghỉ hưu, chuyển công tác thì nếu có nhu cầu về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của mình phải báo cáo lên cấp trên và xin ý kiến cấp trên.

Tư tưởng của Bác Hồ về đạo đức cách mạng, về Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm – “những tính tốt” của người cách mạng chân chính – là tư tưởng cao cả của vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam lỗi lạc, kế thừa tinh hoa truyền thống đạo đức phương Đông

và phát triển đến đỉnh cao của văn minh hiện đại! Nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân tiêu biểu của đạo đức cách mạng cao quý ấy, nên được cả dân tộc và nhân loại tiến bộ tôn kính, khâm phục và trở thành “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”.

Cùng tâm niệm tư tưởng vĩ đại, cao đẹp của Bác Hồ về đạo đức cách mạng và hằng ngày soi mình theo “những tính tốt” ấy, là cách “tu thân” (sửa mình) – tức tự phê bình và phê bình của các cán bộ, đảng viên đích thực và 5 nội dung mới trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Bộ Chính trị sẽ nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng và lối sống cho các cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau; đồng thời cũng là cách “tu thân” của tất cả mọi công dân để trở thành những Con Người chân chính – những người lương thiện và biết tự trọng, hữu ích cho đất nước và dân tộc.

Đinh Lực

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây