Trang chủ Hồ sơ - Tư liệu Putin “đổi dòng” vào thập niên 1990 và biến cố đánh bom...

Putin “đổi dòng” vào thập niên 1990 và biến cố đánh bom chung cư Nga

199
0

Cựu tổng lãnh sự Mỹ ở Nga, John Evans, đã có những nhận xét tinh tế về sự đổi hướng của Putin trong thập niên 1990.

Putin “đổi dòng” vào thập niên 1990 và biến cố đánh bom chung cư Nga

Tổng thống Nga Yeltsin (bìa trái) gặp Thủ tướng Putin tại điện Kremlin vào ngày 31/12/1999, ngày ông Yeltsin chỉ định Putin làm Quyền Tổng thống Nga. Ảnh: AFP.

Phản đối đảo chính tháng 8/1991

Khi Liên Xô bắt đầu khủng hoảng nặng vào cuối thập niên 1980, lúc đầu hẳn là Vladimir Putin thất vọng về vị trí công việc được phân công ở Dresden (Đức). Nhưng ông đã quay trở về Saint Petersburg (lúc đó vẫn còn gọi là Leningrad) và bắt đầu công việc tại một trường đại học tại đây.

Được Giáo sư Sobchak tuyển về làm tại chính quyền thành phố, Putin vẫn giữ mối liên hệ với KGB – cơ quan an ninh và tình báo này có một trường đào tạo ở Leningrad. Tuy nhiên có vẻ như Putin đã cắt đứt các mối quan hệ đó sau khi xảy ra cuộc đảo chính vào tháng 8/1991 chống lại Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Thị trưởng Leningrad Sobchak là một nhân vật “dân chủ” của nước Nga – ông công khai lên tiếng phản đối cuộc đảo chính nói trên. Ông tổ chức một cuộc tập hợp lớn ở Quảng trường Cung điện.

Do lúc đó phe đảo chính kiểm soát được kênh truyền hình trung ương có trụ sở ở Ostanikino (Moscow) nên đài truyền hình Leningrad là đài truyền hình duy nhất thể hiện tiếng nói của những người phản đối đảo chính. Sóng của đài này tiếp cận được khán giả trên toàn phần châu Âu của nước Nga.

Putin đã đứng bên cạnh Sobchak. Cả hai đều đối mặt rủi ro lớn nếu như “gió đổi chiều”. Thời khắc này đánh dấu việc Putin trở thành một chính trị gia dù giới tình báo Nga vẫn hay nói “một khi đã là thành viên của Cheka (ý nói KGB – ND) thì mãi mãi là người Cheka”.

Khi đó nhiều khả năng Putin cho rằng hệ thống Xô viết đã thất bại và cần được thay thế bằng một chế độ mới dựa trên các nguyên tắc khác. Sự cam kết của Putin vào lúc này không tương thích với thời kỳ ông công tác trong KGB cũng như nền tảng giáo dục pháp lý của ông trước đó.

Đối mặt với môi trường thiếu tin tưởng ở Moscow, Putin đã lựa chọn dựa vào bạn bè người Saint Petersburg và sau đó là ngày càng dựa vào các cựu nhân viên của KGB.

Thất nghiệp và chuyển sang điện Kremlin

Với tính cách và cách hành xử của Putin ở Sain Petersburg, không ai biết đến ông lại mảy may nghĩ rằng Putin sẽ leo lên đỉnh cao quyền lực ở Liên bang Nga. Nhiều người tôn trọng ông, một số thậm chí còn nể sợ ông, nhưng ông đã không gặp may vào năm 1996 khi ông tham gia chiến dịch tái tranh cử của thị trưởng Sobchak. Vị thị trưởng có một đối thủ là một trong các vị phó của mình – Vladimir Yakovlev. Đã vậy Sobchak lại mắc một số sai lầm chết người trong chiến dịch tranh cử, dẫn tới một cuộc tranh luận thảm họa trên truyền hình. Khi Sobchak thất bại thì Putin cũng không còn vị trí để mà làm.

Putin sau đó chật vật xoay sở để có được một việc làm trong văn phòng điện Kremlin, liên quan đến tài sản nhà nước.

Putin không có ý định tranh cử tổng thống Nga. Vẻ ngạc nhiên của ông lộ rõ khi ông được chỉ định làm Thủ tướng Nga vào mùa hè năm 1999. Người ta kể rằng Putin đã nói với Tổng thống Nga Boris Yeltsin rằng ông cảm thấy mình không sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm này.

Thử thách ngay trước mắt của Putin là cuộc Chiến tranh Chechnya lần 2 trong bối cảnh cuộc chiến lần 1 không dễ dàng chút nào cho nước Nga. Thủ tướng Putin phát động cuộc chiến thứ 2 một cách mạnh mẽ và gặt hái thành công.

Tuy nhiên phương Tây nhìn nhận Putin theo hướng thiếu thiện cảm, cho rằng ông đã làm điều không hay để đạt được mục đích chính trị.

Tranh cãi quanh lý do biện minh cho cuộc chiến Chechnya lần 2

Lúc đó xảy ra loạt vụ đánh bom 2 tòa chung cư ở Moscow (vào tháng 9/1999) và sự kiện này đã trở thành lý do để Putin đẩy mạnh cuộc chiến Chechnya lần 2.

Nhà nước Nga đã quy trách nhiệm về các vụ đánh bom này cho phiến quân Chechnya và công chúng Nga đã rất phẫn nộ với phiến quân Chechnya.

Tuy nhiên phương Tây khi ấy lại cáo buộc rằng Putin đứng đằng sau các vụ tấn công đó.

Nhưng nhà ngoại giao Mỹ John Evans không tin lắm vào cáo buộc đó của phương Tây. Evans cho rằng Putin không làm vậy và nếu có ai mưu toan làm như vậy thì đó phải là một người khác.

Dưới sự lãnh đạo của Shamil, người Hồi giáo dòng Sunni ở Chechnya có một lịch sử đối kháng mãnh liệt với người Nga vào thế kỷ 19, khi đế chế Nga chinh phục vùng Kavkaz. Vào thập niên 1990, những người Chechnya vẫn làm cho người Nga cảm thấy bất an ở nửa châu Âu của quốc gia này. Khi ấy, người Chechnya buôn bán xe Mercedes ở Petersburg, nơi có nhiều ô tô bị ăn cắp được sang tên đổi chủ.

Trong cuộc chiến Chechnya lần 1, người Chechnya đã công kích cá nhân nhà ngoại giao Mỹ Evans do quan điểm của chính phủ Mỹ khi đó ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga. Ngay sau khi xảy ra 2 vụ đánh bom chung cư nói trên, Tùy viên quốc phòng của Mỹ ở Moscow thông báo rằng trong số cư dân của ít nhất một trong 2 tòa nhà này có người thân của quân nhân Nga. Đối với Evans, Putin sẽ không bao giờ hy sinh tính mạng của những người vô tội để đạt mục tiêu chính trị.

Theo Evans, người có khả năng làm chuyện đó là một nhân vật khác gần gũi với vợ, con gái và con rể của Tổng thống Boris Yeltsin (gọi tắt là nhóm “Gia đình”).

Nhóm Gia đình lo ngại về triển vọng bầu cử quốc hội vào tháng 12/1999 và về liên minh mới hình thành giữa Yevgeniy Primakov và thị trưởng Moscow – Yuriy Luzhkov. Nhóm này tìm cách trì hoãn bầu cử và họ thấy rằng cuộc chiến Chechnya có thể biện minh cho việc đó.

Cuối cùng chiến dịch quân sự của Putin đã thành công, phiến quân Chechnya bị xử lý, và Yeltsin “thoái vị” để đề cử Putin thay mình, vào đêm Giao thừa.

Evans thừa nhận không thể biết chắc về những bí ẩn bên trong loạt vụ đánh bom chung cư nhưng ông tin rằng Putin không phải là người chủ mưu./. (Còn nữa)

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây