Trang chủ Biển - Đảo Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của...

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam

201
0

Qua hệ thống AIS vệ tinh hôm nay ngày 8/10/2019, tàu hải cảnh 37111 của Trung Quốc đã có những hành vi rất hung hăng, có những lúc lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam với tốc độ lớn, thời điểm gần nhất cách giàn khoan khoảng 1.8 hải lý. Vị trí tương đối của giàn khoan được đánh dấu bằng mũi tên đen trên màn hình xem clip ở dưới đây:

Như chúng tôi đã từng phân tích, qua hệ thống AIS vệ tinh, là hai tàu hải cảnh Trung Quốc 37111 và đặc biệt 31302 đã có nhiều lần chuyển động nguy hiểm, cắt ngang đường đi của tàu Crest Argus 5 hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 tại lô dầu 06.1 của Việt Nam.

Khu vực hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản do Việt Nam liên doanh với Nga thuê. Tại đây, tàu Crest Argus 5Sea Meadow 29 hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 di chuyển trong sự hằm hè của hai tàu hải cảnh Trung Quốc ở hai bên.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Giàn khoan Hakuryu-5 được các tàu bảo vệ và hỗ trợ 24/24

Chúng ta có thể thấy tình hình rất nóng tại khu vực gần lô dầu 06.1 trong Bể Nam Côn Sơn, cách Bãi Tư Chính chừng 30 hải lý. Vì giàn khoan Hakuryu-5 đã tắt AIS, chúng ta chỉ có thể ước tính nó nằm gần tàu Crest Argus 5.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Các tàu của Việt Nam vẫn có mặt rất đông để bảo vệ giàn khoan

Có nhiều ý kiến thắc mắc là không thấy các tàu khác của Việt Nam, mà chỉ có tàu Crest Argus 5 và tàu Sea Meadow 29. Nhưng các bạn yên tâm, các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam đều đang dàn quân thực hiện nhiệm vụ, chỉ có điều họ đã tắt AIS để tránh bị theo dõi bởi các ứng dụng vệ tinh hàng hải, và sẵn sàng đối đầu với các tàu hải cảnh Trung Quốc. Nếu không có các tàu khác của Việt Nam thì chắc chắn 2 tàu Crest Argus 5 và tàu Sea Meadow 29 không đủ sức bảo vệ giàn khoan đâu.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Các tàu lực lượng chấp pháp Việt Nam đang giăng đội hình sẵn sàng đối đầu với các tàu Hải cảnh Trung Quốc. Nguồn ảnh Đơn vị tác chiến điện tử.

Đó là chưa kể các tàu dự bị của lực lượng chấp pháp Việt Nam luôn trong trạng thái sẵn sàng xuất phát nhanh để tiến ra biển khi các tàu đang làm nhiệm vụ cần thay thế.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Hai tàu hải cảnh 5901, 46303 của Trung Quốc dàn đội hình ngăn chặn các tàu chấp pháp VN vào đẩy đuổi, ngăn chặn tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trên vùng biển Tư Chính – Phúc Tần của VN, tháng 9.2019

Một diễn biến khác cũng rất căng thẳn, vào lúc 12h30′ ngày 8/10, đường khảo sát thứ 6 của tàu Haiyang Dizhi 8 đã đi qua bờ biển Tuy Hoà và cách bờ biển 84.9 hải lý. Khi xuống tới Cam Ranh, đường khảo sát này sẽ cách khoảng 95.7 hải lý. Hiện tại, mỗi đường khảo sát vào sâu thêm bờ biển Việt Nam 4.3 – 4.7 hải lý.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Khoảng cách từ đường khảo sát thứ 6 của Haiyang Dizhi 8 tới bờ biển Tuy Hoà

Sở dĩ chúng tôi hạn chế nói về sự “đụng độ” giữa tàu Khanh Hoa 01015 của Việt Nam và nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 là vì không muốn diễn giải quá xa dữ liệu AIS vệ tinh. Bởi dữ liệu AIS vệ tinh chỉ cho chúng ta biết được phần nổi của tảng băng, một phần căng thẳng thực sự trên thực địa, nơi mà số tàu Trung Quốc đang gấp 5-6 lần số tàu có thể quan sát được trên bản đồ AIS vệ tinh. Bên phía Việt Nam chắc chắn có tàu đông đảo bám đuổi theo và cũng tắt AIS.

Điều này được củng cố khi Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn của HinduStanTimes cho biết một thông tin nghiêm trọng, có 28 tàu Trung Quốc đang tham gia chiến dịch xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vẫn đang tiếp tục mặc dù Việt Nam đã 40 lần lên tiếng phản đối qua các nẻo ngoại giao.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Bản đồ AIS vệ tinh khu vực nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 đang hoạt động ở thời điểm hiện tại.

Như vậy là hầu hết các tàu của Trung Quốc và cả các tàu Việt Nam đã tắt AIS để lẩn tránh sự theo dõi từ xa. Và những tàu bật AIS dường như là để cố ý truyền tải đi một thông điệp.

Diễn biến trên bản đồ AIS vệ tinh cũng thay đổi từng giờ. Có thể vào giờ này, chúng ta thấy tàu Việt Nam đang bám đuổi theo nhóm tàu Trung Quốc, nhưng vào giờ sau, chúng ta lại thấy nó đang giữ vị trí hoặc quay mũi tàu về hướng khác. Sẽ khó có thể diễn giải vì rất có thể có những tàu Việt Nam khác cũng đang bám đuổi theo nhóm tàu Trung Quốc, mà không bật AIS để chúng ta có thể quan sát và có thể nói lên được toàn cảnh bức tranh thực sự.

Tàu hải cảnh hung hăng lao về phía giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam
Ảnh chụp trực tiếp ngoài thực địa. Tàu dân binh Trung Quốc bảo vệ vòng trong cho tàu Haiyang Dizhi 8 khảo sát trái phép ở Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, phạm vi và tính chất hoạt động nhóm tàu Trung Quốc đã thay đổi và có tính thách thức nhiều hơn. Một mặt công khai bật AIS ở lô dầu 06.1 với sự tăng cường uy lực qua hiện diện đồng thời của cả hai tàu hải cảnh được trang bị vũ khí hạng nặng, hiện đại nhất của Trung Quốc.

Tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam (trái) đấu tranh ngăn cản tàu Hải cảnh 37111 của Trung Quốc trên vùng biển Tư Chính – Phúc Tần, cuối tháng 9.2019. Hải cảnh 37111 là tàu bảo vệ cho tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Mặt khác, khu vực khảo sát của Haiyang Dizhi 8 đã kéo dài lên tận phía bắc vùng biển giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi, trải dài hơn 220 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thêm ít nhất một tàu hải cảnh mới mang số hiệu 5204 được Trung Quốc điều xuống từ Tam Á tham gia nhóm tàu Haiyang Dizhi 8. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã thay đổi số hiệu các tàu hải cảnh. Hy vọng tới đây chúng ta có thêm phim, ảnh ghi trực tiếp ngoài thực địa.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam trước nay luôn khẳng định bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không liên quan tới những tranh chấp tại quần đảo Trường Sa do tỉnh Khánh Hòa quản lý. Nhiều quý vị cố ghép bãi Tư Chính vào các hoạt động đấu tranh tại Trường Sa, nhưng đó chỉ là hành động dại dột, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp.

Tình hình đang nóng dần lên, đợt này sẽ rất căng, chúc cho các chiến sĩ sức khoẻ và vững tay chèo bảo vệ tấc đất nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc.

Nguyễn Anh (Nguồn: Marine Traffic)

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây