Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ đã thực hiện cuộc tập chung tại khu vực Biển Đông nhằm thể hiện thông điệp ủng hộ một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Trang web chính thức của hải quân Mỹ ngày 6/10 phát đi thông báo về cuộc tập trận của các máy bay và tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Ngoài sự tham gia của lực lượng hải quân, cuộc tập trận còn có sự góp mặt của máy bay từ thủy quân lục chiến Mỹ.
“Hoạt động của chúng tôi ở Ấn Độ – Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì an ninh và ổn định tại khu vực. Sự hiện diện của chúng tôi thể hiện những cam kết với những giá trị mà chúng tôi đã chia sẻ với rất nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi, bằng lực lượng áp đảo gồm nhóm tác chiến tàu sân bay và các nhóm đổ bộ tấn công của Mỹ, đã chuẩn bị để ngăn cản những bên thách thức những giá trị chung”, Chuẩn Đô đốc George Wikoff, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70, thuộc Hạm đội 7, cho hay.
Khi diễn tập, lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã trau dồi khả tăng chiến đấu thông qua hàng loạt các bài tập được thiết kế nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng tác chiến. Các bài tập bao gồm tấn công trên biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phòng thủ và phản công nhanh, chặn tiếp tế hàng hải, diễn tập bắn đạn thật với vũ khí hạng nhẹ, phòng không và tác chiến chống ngầm.
“Sự linh hoạt của lực lượng Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương là điểm then chốt trong khả năng sát thương của chúng tôi. Khả năng tác chiến xuất sắc của nhóm tác chiến tàu sân bay phối hợp với sức mạnh chiến đấu viễn chinh của hải quân và thủy quân lục chiến cũng như mạng lưới đồng minh và đối tác lớn của Mỹ mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh thực tế”, Chuẩn Đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 cho biết.
USS Ronald Reagan (CVN 76) là tàu chủ chốt trong nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 bao gồm phi đội máy bay, các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga, các tàu khu vực tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke.
Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Mỹ thường xuyên triển khai tàu chiến, máy bay thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tuân thủ luật pháp quốc tế tại khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng không, hàng hải tại đây. Động thái này được coi là nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý, hành vi bồi đắp, quân sự hóa trái pháp luật của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đức Hoàng/Dân Trí
Nguồn: Cánh cò