Hội nghị Trung ương 11 khai mạc sáng ngày 7/10, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị dự kiến diễn ra trong 7 ngày, xem xét nhiều nội dung quan trọng. Đến thời điểm này, có thể nói niềm tin nhân dân đã được người đứng đầu Đảng ta tạo dựng vững chắc.
Hội nghị Trung ương 11 khai mạc quyết định nhiều vấn đề
Theo chương trình hội nghị được thông qua, từ ngày 7-13/10, Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế – xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII.
Trung ương cũng sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019-2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII và là năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 – 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu dự hội nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình của kỳ họp.
Như vậy đến thời điểm này gần hết nhiệm kỳ có thể nói niềm tin đã được người đứng đầu Đảng ta tạo dựng, có thể hy vọng thời kỳ những người có chức, có quyền “làm mưa gió trên chính trường”, “muốn gì được nấy”, thời kỳ “khủng hoảng” niềm tin đã và đang dần qua đi.
Niềm tin của nhân dân là sức mạnh của Đảng
Trong lịch sử những nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự hưng vong của các triều đại luôn gắn liền với sức mạnh niềm tin của nhân dân.
Khi nào vua sáng, tôi hiền, triều đình trên dưới một lòng, quan tâm đến nhân dân, lấy dân làm gốc, thực thi những chính sách khoan thư sức dân, khi ấy vương triều được lòng dân, được dân tin yêu. Khi lòng dân đã yên, đã tin thì vận nước hanh thông, vương triều vững mạnh, đất nước yên bình.
Lịch sử của dân tộc Việt cho thấy khi nào triều chính rối loạn, vua tôi xâu xé lẫn nhau hay chỉ lo ăn chơi, thu vén tiền của, làm giàu cho riêng mình, khi ấy vương triều không được lòng người, cũng có nghĩa là mất niềm tin của dân. Một khi dân không còn tin vào chính sự triều đình thì vương triều cũng như cây xanh mất rễ, sông lớn cạn nguồn, sự đổ vỡ đã là nhãn tiền.
Công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, tham nhũng được ngăn chặn, đang từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian được gói gọn hoàn toàn trong những từ ngũ như: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có đặc quyền” và “không hạ cánh an toàn”.
Đúng như lời nói của người đứng đầu Đảng, Bộ Chính trị cách đây hơn 2 năm về trước, trong buổi bế mạc Hội nghị Trung ương 6 – Tổng bí thư nhấn mạnh:
“Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế? Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Từ thời điểm đó đến nay, tuy không thể ngày một ngày hai hay xử một, hai vụ án là đã xem như lấy lại được lòng tin trong quần chúng nhân dân nhưng điều đáng mừng ở đây là những cá nhân đảng viên lợi dụng chức quyền có hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý.
Đáng mừng hơn đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh những cá nhân khác, có sức mạnh ngăn cản hàng loạt những toan tính vụ lợi khác…; và trên hết là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được củng cố và đang dần trở lại.
Một môi trường làm việc lành mạnh, xây dựng đồng bộ một hệ thống hành lang pháp lý, các quy định, quy tắc làm việc đã được xây dựng với những chuẩn mực đạo đức được đề cao để mỗi cá nhân ở từng vị trí công tác chỉ tập trung phát huy hết khả năng và cống hiến mà “không phải”, “không cần” và “không dám” vượt quyền, lạm quyền, “không thể” vi phạm pháp luật.
Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự nhất trí của Chính phủ là cơ sở của lý tưởng, “khủng hoảng” niềm tin sẽ dẫn đến “khủng hoảng” lý tưởng, lý tưởng hồ nghi thì ý thức sai lệch, ý thức sai lệch thì hành động sai lầm… Đây chính là nguy cơ đã được Đảng ta nhìn nhận và nêu ra đích danh qua nhiều nhiệm kỳ và đến nhiệm kỳ khóa XII này, những hành động cương quyết cụ thể đã được thực hiện để đẩy lùi nguy cơ.
Một trong những vấn đề đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm để củng cố niềm tin trong nhân dân là đẩy lùi tham nhũng. Nguy cơ mọi vấn đề từ giải quyết các thủ tục hành chính đơn giản nhất đến các vấn đề kinh tế lớn, các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ đều bị chi phối bởi đồng tiền, bởi các mối quan hệ thân hữu, các nhóm lợi ích đã được nhận thức thì cốt lõi của vấn đề cũng được xác định không chỉ nằm ở con người mà còn ở cơ chế.
Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, … chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.
Hồng Đinh
Nguồn: Cánh cò