Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” đã và đang được chỉ đạo giải quyết quyết liệt song vẫn còn tồn tại, chưa có chuyển biến mạnh.
Chiều 6.10, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn TP. Cùng chủ trì cuộc làm việc còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, tập trung ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng về đất đai, tài nguyên; đấu thầu và đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… Tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” đã và đang được chỉ đạo giải quyết quyết liệt song vẫn còn tồn tại, chưa có chuyển biến mạnh.
Riêng đối với TP.HCM, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai thực hiện nhiều nội dung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, cùng với việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tại TP, đã có tác động lớn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đã thấy rõ những chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ngăn ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.
Bên cạnh đó, TP là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, dân số đông, phát sinh rất nhiều khối lượng giao dịch về hành chính, kinh tế, xã hội; khối lượng tài sản, nhà đất công được giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý còn rất lớn. Do đó, tình hình tham nhũng cũng đang có những tiềm ẩn phức tạp, đòi hỏi phải làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh. Thông qua việc kiểm tra lần này đoàn sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Thành ủy TP.HCM, nhằm phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đồng thời làm rõ nguyên nhân, để từ đó có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục, hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại Thành ủy TP nói riêng và cả nước nói chung.
Sau khi nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019 của Thành ủy TP.HCM, các thành viên đoàn kiểm tra phát biểu nhận xét, đánh giá, góp ý và yêu cầu làm rõ nhiều nội dung liên quan. Ban Thường vụ Thành ủy TP phát biểu tiếp thu, giải trình các nội dung liên quan đến nhiều vụ việc theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và đoàn kiểm tra.
Đinh Quân
Nguồn: Cánh cò