Haiyang Dizhi 8 ngày 4/10 qua hệ thống AIS vệ tinh, tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã mở rộng khu vực khảo sát với chiều dài 221 hải lý dọc theo đường bờ biển Việt Nam, kéo dài bắt đầu từ lô dầu 144 của Việt Nam xuống hết 9 lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà phía Trung Quốc tự nhận và ngang ngược gọi thầu năm 2012.
Tàu này hiện đang thực hiện vòng khảo sát thứ hai hay có thể gọi là đường khảo sát thứ 4, vào sâu thêm 4.7 hải lý so với bờ biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 99.8 hải lý.
Ngày 2/10/2019, trả lời phỏng vấn của HinduStanTimes Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết một thông tin nghiêm trọng, các tàu Trung Quốc đã bốn lần xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vụ xâm nhập mới nhất lần thứ tư này bắt đầu vào ngày 30 tháng 9, có 28 tàu Trung Quốc đang tham gia chiến dịch xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vẫn đang tiếp tục mặc dù Việt Nam đã 40 lần lên tiếng phản đối qua các nẻo ngoại giao.
”Chúng tôi nói với họ rằng họ không nên vi phạm vùng biển của Việt Nam và nên rút tất cả các tàu về càng sớm càng tốt.” Đại sứ Phạm Sanh Châu nói với HinduStanTimes hôm 2/9.
Như vậy là hầu hết các tàu của Trung Quốc và cả các tàu Việt Nam đã tắt AIS để lẩn tránh sự theo dõi từ xa. Và những tàu bật AIS dường như là để cố ý truyền tải đi một thông điệp.
Nhưng với sự hiện diện của 25 tàu Trung Quốc trên thực tế, những gì chúng ta quan sát được trên AIS vệ tinh chỉ là một phần của tẳng băng căng thẳng thật sự ngoài biển.
Theo báo cáo mới nhất của Báo Thanh Niên ngày 3/10/2019, có thể tạm hình dung: bên cạnh lớp hải cảnh phía ngoài, tàu dân quân biển tạo thành lớp trong để bảo vệ tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8.
Hiện giờ khu vực tàu Haiyang Dizhi 8 khảo sát vẫn nằm trong phạm vi 9 lô dầu mà Trung Quốc tự nhận. Nhưng cũng chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các đường khảo sát mới vào sâu hơn nữa trong bờ biển Việt Nam.
Diễn biến đáng lo ngại đối với khu vực lô dầu 06.1, đó là những chuyển động nguy hiểm của những tàu hải cảnh vũ trang hạng nặng như 37111 và đặc biệt 31302 công khai cắt ngang trước mặt các tàu Crest Argus 5 hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 của liên doanh Việt-Nga-Ấn. Mời các bạn xem clip dưới đây:
Như chúng tôi đã đưa tin, khu vực hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản do Việt Nam liên doanh với Nga thuê. Tại đây, tàu Crest Argus 5 và Sea Meadow 29 hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hakuryu-5 di chuyển trong sự hằm hè của hai tàu hải cảnh Trung Quốc 37111 và 31302 ở hai bên. Vì giàn khoan Hakuryu-5 đã tắt AIS, chúng ta chỉ có thể ước tính nó nằm gần tàu Crest Argus 5.
Qua AIS vệ tinh, chúng ta có thể thấy tình hình rất nóng qua đoạn video clip dưới đây ghi lại ngày 1/10 giờ qua tại khu vực gần lô dầu 06.1 trong Bể Nam Côn Sơn, cách Bãi Tư Chính chừng 30 hải lý.
Trong đoạn video clip cho thấy, trong khi các tàu thuyền qua lại đều giữ ở một khoảng cách khá xa khu vực giàn khoan đang hoạt động, hai tàu hải cảnh trang bị vũ khí hạng nặng 37111 và 31302 đã thường xuyên đi lòng vòng ở khoảng cách rất gần với tàu Crest Argus 5. Và có lúc tàu hải cảnh 37111 đã phóng nhanh qua cắt ngang mặt tàu Crest Argus 5 trong lúc tàu này đang di chuyển làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động giàn khoan.
Có nhiều ý kiến cư dân mạng thắc mắc là không thấy các tàu dịch vụ khác của Việt Nam, mà chỉ có tàu Crest Argus 5 và tàu Sea Meadow 29, mà 2 tàu này không phải của Việt Nam mình. Nhưng các bạn yên tâm, các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam đều đang dàn quân thực hiện nhiệm vụ, chỉ có điều họ đã tắt AIS để tránh bị theo dõi bởi các ứng dụng vệ tinh hàng hải, sẵn sàng cả về thể lực, tâm lý và trang bị khí tài, hậu cần kỹ thuật cũng đã được đảm bảo đầy đủ đang dàn đội hình đối đầu với các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Đó là chưa kể các tàu dự bị của lực lượng chấp pháp Việt Nam luôn trong trạng thái sẵn sàng xuất phát nhanh để tiến ra biển khi các tàu đang làm nhiệm vụ cần thay thế.
Tính đến thời điểm này, các lực lượng quân sự của Việt Nam vẫn kiên nhẫn chưa tham gia, nhưng không ngồi yên, đang điều chuyển quân, đặt một số đơn vị vào trạng thái sẵn sàng lao ra biển ngay khi có lệnh.
Vai trò của Ấn Độ
Ấn Độ là một trong ba quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Ấn Độ qua cuộc đối thoại an ninh hàng năm dự kiến sẽ được tổ chức tại TP HCM trong tháng này.
”Chúng tôi hy vọng sẽ có thể trình bày không chỉ về an ninh của hai nước mà cả các vấn đề liên quan đến toàn khu vực, và đặc biệt, về tình hình hiện tại ở Biển Đông,” Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.
Thái độ hung hăng của Trunq Quốc tại vùng biển này này đã được đề cập đến trong buổi họp giữa bốn bộ trưởng ngoại giao các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ tại New York, bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9.
Sau đó, tiếp xúc với báo chí trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar cho biết Ấn Độ đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam, trong khi đó Bộ Ngoại Vụ của nước này đã hai lần tỏ dấu hiệu ủng hộ vị trí của Việt Nam trên Biển Đông.
Trước đó nữa, qua một văn bản công bố vào tháng 8, Ấn Độ tuyên bố ‘rất quan tâm đến hòa bình và ổn định của khu vực’, và kêu gọi sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.
Quan tâm của Ấn Độ có thể một phần cũng có thể được giải thích là vì tất cả những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian qua đều xảy ra gần vùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ đang khai thác năng lượng. Các tàu Trung Quốc đến gần cơ sở của ONGC Videsh Ltd nhất vào ngày 3 tháng 7.
Ngoài Biển Đông, hai nước cũng đang hợp tác trong các lãnh vực ưu tiên của Việt Nam trong quan hệ với Ấn Độ như quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, khoa học và công nghệ.
Quan hệ hợp tác hơn 45 năm giữa Ấn Độ và Việt Nam, được cho là ngày càng tốt đẹp, và thái độ hỗ trợ Việt Nam có lẽ đã khiến Đại sứ Phạm Sanh Châu có những phát biểu khá thẳng thắn về tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Times of India hôm 30/9, ông Châu khẳng định: ”Trung Quốc đang cố gắng biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”.
Về quan điểm của Việt Nam, ông nói: ”Chúng tôi sẽ dùng tất cả những biện pháp hòa bình được quy đinh bởi luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Chúng tôi làm điều này một cách rất cương quyết và kiên cường. Chúng tôi không loại trừ bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.”
Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh: ”Chúng tôi đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở Biển Đông trong vòng tám năm qua. Năm 2011, Trung Quốc đã vào vùng biển của Việt Nam và cắt cáp của chúng tôi. Sau đó vào năm 2014, Trung Quốc đã đặt một giàn khoan khổng lồ trong vùng biển của Việt Nam. Năm 2019, Trung Quốc đã gửi tàu khảo sát của họ (Haiyang Dizhi 8) vào vùng biển của chúng tôi. Tuy nhiên, lần này, các tàu Trung Quốc đã vào, ra, rồi lại vào, như thể đây là vùng biển của họ và họ muốn đến hay đi lúc nào tùy ý.”
Và phân tích: ”Điều nguy hiểm là, Trung Quốc đã xây dựng được căn cứ quân sự trên một hòn đảo nhân tạo gần đó. Họ do đó không cần phải quay trở lại Trung Quốc đại lục hoặc đảo Hải Nam, căn cứ này rất thuận tiện cho họ. Trong năm năm qua, nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối việc quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông, cũng như việc xây dựng các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.”
”Khi phản đối, các nước đã dự đoán những hành động này sẽ xảy ra. Và chúng đang xảy ra. Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ tính hợp pháp của đường 9 đoạn, và nói những hòn đảo này quá nhỏ để có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, cũng chỉ là hòn đá không có người ở. Chúng tôi theo nguyên tắc ‘đất thống trị biển’ (land dominates sea). Trung Quốc không có đất ở đó. Đất gần nhất của Trung Quốc ở đó là 860 dặm. Đó là một thách thức lớn đối với luật pháp quốc tế.”
Nguyễn Anh (Nguồn: Marine Traffic, Đơn vị tác chiến điện tử)
Nguồn: Cánh cò