Trang chủ Cánh cò Ai đã giới thiệu, đề bạt?

Ai đã giới thiệu, đề bạt?

184
0

Cần phải chỉ rõ ai là người đã giới thiệu nữ nhân viên cắt tóc cho Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Ai đã giới thiệu, đề bạt?
Bà Thảo mượn hồ sơ của chị ruột để thăng tiến trong công việc. Ảnh: VTC News

Vụ việc một nữ nhân viên cắt tóc dùng bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến đến chức Trưởng phòng ở Đắk Lắk vừa bại lộ, gây chấn động dư luận. Vụ việc đã được Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk xác nhận là có trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), chức vụ Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975).

Bà Sa (thực ra là Thảo) đã thừa nhận sử dụng bằng cấp 3 của chị gái ruột của mình (trú tại tỉnh Lâm Đồng), còn bà chỉ học hết cấp 2.

Bày tỏ quan điểm về vụ việc này, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc dùng bằng giả của vị Trưởng phòng Quản trị là hành vi lừa dối tổ chức, lừa dối Đảng, lừa dối cả những đã người tín nhiệm, do đó, cá nhân này không còn xứng đáng là cán bộ, đảng viên. Và rõ ràng không phải xin nghỉ việc là xong mà tổ chức cần phải có hình thức kỷ luật cán bộ tương xứng với hành vi lừa dối, sai trái đó.

Ai đã giới thiệu, đề bạt?
Ông Lê Như Tiến. 

Theo ông Lê Như Tiến, lỗi của cán bộ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy đã rõ, song cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức khi đã để lọt lưới, không phát hiện ra sự việc, để cán bộ sử dụng bằng giả trong một thời gian dài và thăng tiến lên tới chức Trưởng phòng.

“Trong trường hợp này phải chỉ rõ ai là người đã giới thiệu nhân sự này cho Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk” – ông Tiến nhấn mạnh.

Nhắc tới Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được ban hành, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá quy định đã ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu với người được giới thiệu vào các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Song, quan trọng nhất là cần phải công khai danh tính của người giới thiệu nhân sự để đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc, kể cả tuyển dụng để cơ quan, tổ chức giám sát. Nếu cán bộ làm tốt thì người giới thiệu được tiếng thơm, được vinh danh. Còn nếu người được giới thiệu làm không tốt, mắc khuyết điểm, thậm chí vướng vòng lao lý thì người giới thiệu cũng phải có trách nhiệm chứ không thể “phủi tay”, coi đó là trách nhiệm chung của tập thể.

“Không trừ trường hợp nào, đã giới thiệu nhân sự thì phải công khai danh tính. Từ Quy định 205, việc dùng bằng giả cũng là một biểu hiện của chạy chức, chạy quyền” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng và là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Để chọn đúng và trúng cán bộ phải trải qua nhiều khâu liên hoàn, đan xen nhau, bao gồm tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ. Chưa kể quá trình xem xét hồ sơ khi kết nạp Đảng cũng phải trải qua nhiều khâu thẩm tra lý lịch rất chặt chẽ, đúng quy trình. Song sự việc như đùa đang xảy ra ở Đắk Lắk cho thấy rõ ràng công tác cán bộ ở đây quá lỏng lẻo khi đã để lọt lưới quá nhiều khâu, nên chỉ đến khi có đơn tố cáo nặc danh thì sự việc mới bị bại lộ.

Chính điều này làm cho dư luận không khỏi băn khoăn, nghi ngờ về vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở Đảng ở đâu khi không phát hiện được sai phạm của đảng viên mình. Do quản lý lỏng lẻo, chủ quan, hay đã biết nhưng vì lợi ích nhóm, lợi ích vật chất nào đó mà bỏ qua, lờ đi?

“Thời gian qua, dư luận xã hội và cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp ở Trung ương và địa phương sử dụng bằng giả để tiến thân. Và khi đã phát hiện thì cần phải xử lý thật nghiêm. Trước hết, đây là hiện tượng lừa dối Đảng, lừa dối chính quyền, lừa dối cấp trên. Cán bộ đã lừa dối thì tổ chức phải hủy bằng giả, đồng thời hủy quyết định đề bạt, cất nhắc, nâng lương, luân chuyển” – ông Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm.

Ai đã giới thiệu, đề bạt?
Bằng cấp III của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa. 

Trước đó, vào tháng 8/2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn nặc danh tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), chức vụ Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975).

Bà Thảo chưa học cấp 3 nhưng lấy bằng cấp 3 của người chị ruột tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên đại học và đã học đến thạc sĩ. Đồng thời, bà Thảo kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).

Sau khi nhận đơn tố cáo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác minh có vụ việc trên.

Theo trình bày của bà Thảo, thời điểm đó bà còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn nên đã mượn hồ sơ của chị để xin việc làm, hoàn toàn không có mục đích nào khác. Bà đã thấy việc làm của mình là sai trái, xin nhận kỷ luật.

Ngày 10/9, bà Thảo đã có đơn xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk và trong lúc chờ giải quyết, bà đang xin nghỉ phép.

Kim Anh-Thanh Hà/VOV

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây