Cựu bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.
* Ông Nguyễn Bắc Son có cửa thoát án tử hay không?
Hôm qua, Thứ Ba, ngày 3/9/2019, Google.tienlang đăng bài “Kinh khủng- 69 ÁN TỬ HÌNH CHỜ ĐỢI CỰU BỘ TRƯỞNG NGUYỄN BẮC SON!”
Một bạn đọc vốn yêu mến Google.tienlang là bạn Trang- Saigon có còm như dưới đây.
—-
Trang- Saigon
Một số báo vừa đăng những bài viết cho biết, Nguyễn Bắc Son có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhiều bằng khen giấy khen, khai báo thành khẩn. tự giác khắc phục hậu quả…
Vâng, vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tôi đề nghị Quý Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn cho ông ta tổng cộng 68 án tử hình!
Giữ lại MỘT án tử hình thôi!
—-
Nói như bạn Trang- Saigon thì có vẻ như kiểu gì ông Nguyễn Bắc Son cũng phải…nhận án TỬ?
Là trang web chuyên về pháp luật, Google.tienlang không đồng tình với quan điểm của bạn Trang- Saigon.
Bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 có một điểm rất mới so với các bộ luật trước đó được quy định ở điểm c Khoản 3 Điều 40 như sau.
“3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”
Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham ô, hối lộ. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ. Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền, mục đích cuối cùng không đạt được. Do vậy, quy định tại Điều 40 BLHS đã khuyến khích tội phạm ăn năn hối cải, bồi hoàn tài sản chiếm đoạt trái quy định, có các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp Nhà nước thu hồi tài sản một cách thuận lợi.
* Chỉ có cô Nguyễn Thị Thu Huyền- con gái ông Nguyễn Bắc Son mới cứu được bố thoát án tử.
Theo Kết luận điều tra, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận, sau khi nhận 3 triệu đô, ông đã đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000-400.000 USD. Lời khai nhận này của ông Nguyễn Bắc Son có thể tin được, dù hiện nay cô Huyền bác bỏ. Theo chúng tôi, lý do cô Huyền phủ nhận lời khai của bố là bởi cô lo sợ rằng nếu thừa nhận thì bản thân cô cũng sẽ bị khởi tố về tội Rửa tiền. Nộp tiền ra không có lợi gì cho bố mà bản thân lại vào tù thì nộp làm gì?
Google.tienlang cũng không đồng tình với phát biểu của Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại bài Vụ AVG: Nộp lại tiền nhận hối lộ có thoát án tử?, rằng “Quy định miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản nhận hối lộ chỉ áp dụng sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Còn trước khi xét xử bị can, dù có nộp lại đủ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả đi chăng nữa thì vẫn chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS.”
Xét về mặt câu chữ, phát biểu của Luật sư Nguyễn Văn Dũ là rất sát với điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên. Nhưng nếu xét về nguyên tắc pháp luật thì phát biểu này trái với Nguyên tắc xử lý, quy định tại Điều 3 BLHS “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.”
Phát biểu của Luật sư Nguyễn Văn Dũ cũng trái với Điều 31 BLHS về Mục đích của hình phạt. “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”
Trên báo VOV hôm nay, ngày 4/9/2019, tại bài Vụ Mobifone mua AVG: 2 cựu Bộ trưởng nhận hối lộ đốidiện mức án nào? Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói sai sự thật về vụ án Hà Văn Thắm- Nguyễn Xuân Sơn. Ông Nguyễn Minh Long nói như sau.
“Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc OceanBank bị tuyên án tử hình về 3 tội: Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
Tuy nhiên, Tòa thấy rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ngoài ra, vợ của Nguyễn Xuân Sơn cho biết sẽ nộp 32 tỉ đồng khắc phục một phần thiệt hại cho chồng. HĐXX kiến nghị giảm từ tử hình xuống chung thân với bị cáo Sơn sau khi khắc phục 3/4 hậu quả…”
Sự thật thì tại bản án phúc thẩm ngày 04/05/2018, HĐXX phúc thẩm vẫn tuyên Y án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn. Còn chuyện “kiến nghị giảm từ tử hình xuống chung thân” chỉ là câu nói của ai đó ngoài bản án. Bởi đến ngày xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo cũng mới chỉ nộp lại có 5 tỷ đồng. Ngay ở phiên phúc thẩm, vợ của bị cáo mới chỉ nói “SẼ nộp 32 tỷ” nhưng đến nay đã thấy nộp thêm đồng nào đâu?
Vụ Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), theo bản án hình sự phúc thẩm số 235/2014/HSPT ngày 7/5/2014 của TAND Tối cao tại Hà Nội thì Dũng phải bồi thường hơn 100 tỷ.
Đến nay cơ quan Thi hành án đã xử lý hết các tài sản của Dũng đã kê biên nhưng vẫn không đủ. Dũng vẫn nợ 88 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án hình sự chưa xử bắn Dương Chí Dũng có lẽ vì vẫn đang đợi gia đình bị án nộp tiền?
Tóm lại, từ khi có quy định mới ở điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS BLHS 2015 (miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản tham nhũng, hối lộ) đến nay, điều khoản này chưa cọ sát với thực tiễn xét xử, chưa có bị án nào được miễn án tử theo quy định mới này. Như vậy, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ vẫn chưa đạt được. Nói cách khác, quy định mới ở điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS (miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản tham nhũng, hối lộ) chưa đi vào cuộc sống! Đến nay, đang xảy ra vụ án Nguyễn Bắc Son, ta mới có dịp suy nghĩ kỹ về quy định mới ở điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS (miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản tham nhũng, hối lộ).
Phát biểu của LS Nguyễn Văn Dũ cho ta thấy rõ sự bất công, sự vô lý của điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS – “Quy định miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản nhận hối lộ chỉ áp dụng sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Còn trước khi xét xử bị can, dù có nộp lại đủ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả đi chăng nữa thì vẫn chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS”!
Tại sao lại vô lý như vậy? Pháp luật khuyến khích sự thành khẩn, sự ăn năn hối cải kia mà? Nếu nộp 3/4 tài sản sớm thì phải có ý nghĩa hơn so với trường hợp cố ý trì hoãn chứ?
Google.tienlang kiến nghị, trước mắt, để giải quyết vụ án cụ thể Nguyễn Bắc Son, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có Nghị quyết giải thích về điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS theo hướng “Nếu nộp 3/4 tài sản sớm thì phải có ý nghĩa hơn so với trường hợp cố ý trì hoãn” và về lâu dài, Quốc hội phải chỉnh sửa điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS theo hướng này.
Google.tienlang tin tưởng rằng số tiền 3 triệu đô mà ông Nguyễn Bắc Sơn nhận hối lộ hiện vẫn đang được cất giấu đâu đó. Dù ông Nguyễn Bắc Son đang đối mặt với 69 ÁN TỬ HÌNH thì ông vẫn còn một cửa thoát án tử!
Và chỉ có cô con gái ông Nguyễn Bắc Son – Nguyễn Thị Thu Huyền mới cứu được bố thoát án tử bằng cách sớm nộp lại khoản tiền mà cô đã nhận từ bố. Chúng tôi tin rằng sẽ chẳng ai khởi tố cô về tội rửa tiền đâu. Quy định ở điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS là quy định rất mới, chưa từng được áp dụng trong thực tiễn nên không tránh khỏi sự hiểu biết, giải thích chưa thống nhất. Mong cô Nguyễn Thị Thu Huyền dũng cảm là người đầu tiên thực thi quy định mới này. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, các Đại biểu quốc hội và quần chúng nhân dân luôn ủng hộ, khuyến khích sự thành khẩn, sự ăn năn hối cải.
Lê Hương Lan
Nguồn: Google Tiên Lãng