Trang chủ Cánh cò Ủy ban Kiểm tra TƯ lên tiếng việc Sóc Trăng lắp camera...

Ủy ban Kiểm tra TƯ lên tiếng việc Sóc Trăng lắp camera nhà lãnh đạo

129
0

Sau khi thu hồi quyết định chi ngân sách Đảng lắp camera cho nhà lãnh đạo, Sóc Trăng cần tự kiểm điểm trách nhiệm và Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ theo dõi việc này.

Sau khi thu hồi quyết định chi tiền ngân sách lắp camera cho nhà riêng cho 12 lãnh đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Có không ít ý kiến cho rằng nếu để tỉnh tự kiểm điểm, sẽ lại có sự nể nang, né tránh bằng hình thức “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Làm không đến nơi đến chốn, sẽ rút hồ sơ lên trên

Trao đổi với PVvề vụ việc Sóc Trăng chi gần một tỷ quỹ ngân sách Đảng để trang bị lắp camera cho nhà riêng của 12 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Cao Văn Thống – Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương – nhận định việc này thuộc thẩm quyền của địa phương. Mỗi nơi có cơ chế khác nhau nhưng chi gì cũng phải căn cứ vào quy định. Đúng hay sai địa phương hiểu rõ nhất.

“Chi cái gì, mức chi bao nhiêu, chi có đúng hay không mỗi địa phương đều có dự toán hàng năm hết, vì vậy đúng hay sai phải đi vào kiểm tra từng cái cụ thể”, ông Thống nói.

Ủy ban Kiểm tra TƯ lên tiếng việc Sóc Trăng lắp camera nhà lãnh đạo
Camera lắp trên cả đường vào ngõ nhà lãnh đạo.

Trong vụ việc này, ông cho biết địa phương đang thực hiện xử lý sau khi có báo chí vào cuộc phản ánh, thẩm quyền xử lý là của địa phương. Nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng theo dõi và nắm thông tin từ báo chí.

Theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ông Thống giải thích khi có vấn đề gì không được rõ ở địa phương mà cấp trên cần nghe báo cáo thì sẽ có yêu cầu, đây là việc của bộ phận chức năng.

Ví dụ ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định ai, đơn vị nào sẽ theo dõi việc này thì sẽ theo dõi nắm tình hình. “Trước mắt là địa phương xử lý, khi họ đang xử lý thì mình theo dõi thôi”, ông Thống nói.

Trước câu hỏi trong trường hợp nào Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào cuộc, ông Thống cho biết khi thấy địa phương làm không đến nơi đến chốn thì cấp trên sẽ xuống kiểm tra.

Ông ví dụ vừa rồi, vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, nhận thấy địa phương “làm không xong” nên Ủy ban Kiểm tra xuống làm việc tiếp.

Còn trong vụ việc ở Sóc Trăng, phải xem địa phương làm thế nào. “Nếu làm không đến nơi đến chốn thì sẽ yêu cầu báo cáo, hoặc chỉ đạo người ta phải làm tiếp. Giờ đã có Quy định 195 của Ban Bí thư rồi, khi bên dưới không làm thì bên trên sẽ chỉ đạo, chỉ đạo rồi vẫn không làm thì bên trên sẽ rút lên để làm”, ông Thống giải thích.

Quy định 195 của Ban Bí thư được ông Thống dẫn ra mới được ban hành và có hiệu lực từ tháng 6, quy định về chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra cấp trên đối với Ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Điều 3 của Quy định này nêu rõ việc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ như kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng.

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, xem xét, kiểm tra lại kết luận, thông báo, quyết định của tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng khi phát hiện có nội dung sai trái.

Cùng với đó, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Về xem xét, xử lý kỷ luật Đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp trên sẽ xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật theo thẩm quyền; Xem xét, xử lý những trường hợp có dấu hiệu dung túng, bao che hoặc bỏ lọt vi phạm.

Đặc biệt, sẽ chuyển hồ sơ vụ việc lên Ủy ban Kiểm tra cấp trên xem xét, xử lý khi có căn cứ cho thấy Ủy ban Kiểm tra cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Quy định này cũng nêu nguyên tắc về kiểm tra tài chính Đảng. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra cấp trên sẽ kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới, của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp và kiểm tra tài chính của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc. Ủy ban kiểm tra cấp dưới yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi, xử lý tiền, tài sản vi phạm theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Sẽ chỉ là chống chế nếu không kiểm điểm trách nhiệm cụ thể

Là người đại diện cho tiếng nói của nhân dân, cử tri ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng là người góp tiếng nói cùng báo chí ngay khi phát hiện ra sự việc này, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang nhận định dù xét ở góc độ nào, việc Sóc Trăng lấy tiền ngân sách để lắp camera cho nhà riêng các lãnh đạo cũng là phản cảm, không thể chấp nhận.

Ủy ban Kiểm tra TƯ lên tiếng việc Sóc Trăng lắp camera nhà lãnh đạo
Một chiếc camera hướng vào nhà một thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Anh.

“Dù gì đó cũng là chuyện của cá nhân, không thể nghiễm nhiên lấy tiền Nhà nước chỉ để bảo vệ an toàn bản thân hay để trang trí, làm sang cho mình. Đặc biệt, nguồn dự phòng ngân sách Đảng càng không thể lạm chi, không thể phục vụ đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người”, ông Giang nói.

Vì những lẽ đó, đại biểu Thái Trường Giang cho rằng việc Sóc Trăng thu hồi quyết định vẫn chưa đủ mà phải kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, từ chủ trương cho đến khâu đấu thầu thiết bị tiến hành có đúng không. “Mà xử lý thì không thể nội bộ khép kín vì đâu sẽ vào đấy, việc này cần cơ quan kiểm tra cấp trên vào cuộc làm rõ”, ông Giang nói.

Cũng nhắc đến chuyện nếu không có báo chí phanh phui, dư luận bức xúc và dậy sóng trên cộng đồng mạng, ông Giang cho rằng chưa chắc Sóc Trăng đã thu hồi quyết định. “Vì vậy, việc thu hồi văn bản sẽ chỉ là cách làm chống chế nếu không có việc kiểm điểm trách nhiệm cụ thể với sai phạm này”, vị đại biểu tỉnh Cà Mau nhận định.

Đặc biệt, ông cho rằng các địa phương khác cũng đang nhìn vào tiền lệ ở Sóc Trăng để lựa chọn cách ứng xử phù hợp cho mình nên không thể “làm cho xong”.

Dẫn chứng gần đây nhất được ông Giang chỉ ra là thương vụ MobiFone mua AVG, dù thiệt hại cho ngân sách đã được trả lại hoàn toàn nhưng sai vẫn bị xử lý, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, vị đại biểu này cho rằng nếu không xử nghiêm trong vụ việc này, người dân sẽ mất niềm tin.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng nhận định việc Sóc Trăng lắp đặt camera cho các lãnh đạo từ tiền nhân sách là không đúng nên rút quyết định là cần thiết.

Nhưng cùng với đó, ông Xuyền cũng đề nghị cần kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan bởi dù không thiệt hại về ngân sách nữa cũng cho thấy cách làm không đúng, tạo dư luận xấu ở địa phương và những nơi khác.

Ông Xuyền nhấn mạnh các bước giải quyết tiếp theo của địa phương này cần phải được thực hiện công khai, minh bạch và công bố cho người dân khi có kết luận kiểm điểm.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/10, trả lời câu hỏi của Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết mọi khoản chi và chế độ chi từ tiền ngân sách phải tuân thủ quy định của Luật Ngân sách, tuân thủ các hình thức và quy chế chi tiêu.

Dẫn Quyết định 09 ngày 22/9/2017 của văn phòng Trung ương Đảng về một số hoạt động chi tiêu trong hoạt động của các Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, bà Mai khẳng định việc chi lắp đặt camera không thuộc nội dung chi trong quy định này.

Nhấn mạnh đây là việc làm không đúng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc nhở đó cũng là bài học cần rút kinh nghiệm chung.

Ông nhắc đến chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là luôn thắt chặt vấn đề kỷ luật chi tiêu ngân sách, phải hiệu quả và đúng mục đích. Bởi vậy, vụ việc ở Sóc Trăng không thể chỉ rút kinh nghiệm mà phải kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Anh Thư/Zing News

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây