Hôm 12 tháng 9 năm 2019 vừa qua, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã trao giải Tự do Báo chí Tầm ảnh hưởng cho “nhà báo” Phạm Đoan Trang. Trả lời phỏng vấn VOA, ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF nói: “Phạm Đoan Trang là một nữ anh hùng chân chính – như chúng ta đã biết tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam là các nhà báo và blogger không tuân theo đường lối của Đảng cộng sản phải đối mặt với những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.”
Ngay lập tức, thông tin Đoan Trang được giải Tự do Báo chí Tầm ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội; cùng với đó là rất nhiều chia sẻ đồng thuận với quan điểm của RSF rằng Việt Nam không có tự do báo chí, và Đoan Trang trở thành cây bút “anh hùng” dám đơn thương độc mã xông pha giữa trận tiền.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cụ thể là ngày 23 tháng 9 năm 2019, đã có một sự kiện thu hút đông đảo dư luận xảy ra: Báo Phụ nữ Online TP. Hồ Chí Minh đăng tải bài điều tra về tập đoàn Sun Group là Sun group – ‘ông trời’ không từ trên cao và Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo. Cả hai bài trên đều trực tiếp đả kích đến giới thầy chùa “sư hổ mang” và tập đoàn trọc phú Sun Group công khai chiếm đất trên Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Lâu nay, tin đồn về việc các phóng viên, nhà báo không được phép viết bài động chạm đến các đại gia bất động sản như Sun Group, Vin Group, FLC… lan truyền rộng rãi trong công chúng, và trở thành một bằng chứng “bất thành văn” cho việc khẳng định Việt Nam không có tự do báo chí. Thế nhưng với hai bài viết trên của báo Phụ nữ Online TP. Hồ Chí Minh, tin đồn bấy lâu đã bị đập tan, trực tiếp khẳng định Việt Nam có tự do, và đặc biệt là có tự do báo chí.
Thậm chí, chính trên trang BBC tiếng Việt – một kênh thông tin với đầu não ở Anh, cũng là kênh thông tin được đánh giá là khách quan và đáng tin cậy – cũng lên tiếng khẳng định Việt Nam có tự do báo chí thông qua bài viết Báo Phụ Nữ, Sun Group và ‘tự do báo chí’ ở Việt Nam. Trong bài viết này, phóng viên của BBC đã viết rõ: mặc dù các tổ chức như RSF thường xếp Việt Nam ở chót bảng về tự do báo chí, nhưng thực tế chứng minh rằng ở Việt Nam có tự do báo chí, các phóng viên được quyền điều tra, viết bài về các tập đoàn, tổ chức lớn mà không bị bất cứ một lệnh cấm nào. Không chỉ vậy, tùy vào chiến lược của từng báo, phóng viên hay nhà báo có thể tổ chức và tham gia nhiều đề tài, dự án khác nhau.
Trên thực tế, không chỉ có báo Phụ Nữ mới có bài “vạch mặt” Sun Group. Trước đây, báo Người Đô Thị cũng đăng tải bài chỉ trích tập đoàn Sun Group với dự án Công viên đại dương Sơn Trà.
Như vậy có thể thấy, thông tin Việt Nam không có tự do báo chí như tổ chức RSF tuyên truyền, hoặc như đài VOA góp phần thúc đẩy truyền thông là không đúng sự thật, là bôi nhọ nền tự do báo chí của Việt Nam.
Khi trao giải cho Phạm Đoan Trang, tổ chức RSF cũng chỉ nói chung chung rằng “Việt Nam không có tự do báo chí”. Đây là một kết luận võ đoán, thiếu căn cứ, và hoàn toàn thiếu vắng các số liệu thống kê để chứng minh.
RSF tự nhận là tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do báo chí, nhưng lại đầy định kiến và sai lầm trong việc đánh giá tình hình báo chí của một quốc gia, tuyên truyền thông tin không đúng sự thật và tôn vinh “nhà báo” không viết báo Đoan Trang. Rõ ràng, khi trao giải cho Đoan Trang, RSF đã lờ tịt các số liệu, đồng thời lờ tịt cả những nhà báo chân chính đang ngày đêm hoạt động, đấu tranh cho sự thật tại Việt Nam.
Dựng Đoan Trang lên thành một tượng đài, thực chất, RSF đã phủ nhận toàn bộ công lao của các nhà báo khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều này khiến người đọc buộc phải nghi ngờ về độ đáng tin cậy của chính tổ chức RSF, và tất nhiên, nghi ngờ cả độ chính xác của các giải thưởng và mối quan hệ của RSF với những người nhận giải. Đứng sau hỗ trợ cho RSF là các đại gia Mỹ. Vậy, các đại gia Mỹ muốn gì ở bù nhìn Đoan Trang và ở Việt Nam?
Nguồn: Loa phường