Cập nhật lúc 16h14′ ngày 30/9/2019, như vậy đã có thể thấy, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc không rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đã quay trở lại, hiện giờ đã tiến sâu về phía nam hơn 16 hải lý ngoài khơi tỉnh Bình Định, bắt đầu tiến vào lô dầu của Việt Nam, mà Trung Quốc đã từng ngang ngược gọi thầu năm 2012 nhưng không quốc gia nào ủng hộ và Việt Nam phản đối (Nguồn bản đồ và toạ độ các lô dầu: AMTI/CSIS).
Các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống cũng quay đầu tương ứng và dường như đang quay lại đối đầu với tàu Khánh Hòa 01015 của Việt Nam.
Vào lúc 11h01′ sáng nay, ngày 30/9, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã đổi hướng rẽ sang bên trái. Lúc 13h22′, tàu đi sâu vào bờ biển Việt Nam khoảng 12 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 127,5 hải lý, ngoài khơi Quảng Ngãi – Bình Định, hiện giờ đang quay mũi xuống phía nam. Vận tốc tàu vẫn giữ nguyên 4-5 hải lý.
Tại khu vực lô dầu khí 06.1, tàu hải cảnh 45111 từ Đá Chữ Thập quay trở lại thay thế cho tàu hải cảnh 31302 rời đi.
Có thể các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang bố trí đội hình tàu bám sát và tắt tín hiệu AIS để tránh bị theo dõi bởi các ứng dụng vệ tinh hàng hải.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành khảo sát ở khu vực Đông Cam Ranh. Đây là hành động cố tình khiêu khích một cách cực kỳ nghiêm trọng. Vì ngay cửa ngõ ra vào của quân cảng Cam Ranh. Như thế sẽ là đòn nắn gân, thăm dò phản ứng của Hải quân Việt Nam, vì vậy Hải quân chúng ta cần bình tĩnh, tránh mắc mưu mà phía Trung Quốc đang giăng ra. Có khi nó còn nghiêm trọng hơn là khảo sát dầu khí trái phép ở khu vực Tư Chính – Phúc Tần.
Trước đó, vào lúc 18h ngày 29/9/2019, theo tín hiệu AIS vệ tinh, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đi chuyển rất chậm rãi, tiến về phía bắc theo một đường thẳng, cùng với sự hộ tống của ít nhất hai tàu hải cảnh 33111 và 46303, và có thể là cả tàu 3501, vốn đã bật AIS khi rời Đá Chữ Thập, nhưng sau đó đã tắt AIS. Tàu có mã AIS là Khánh Hòa 01015 của Việt Nam vẫn đeo bám.
Nhiều người dân có thể có lý do để cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi cho rằng, nhóm tàu này rút về khi ngày Quốc khánh Trung Quốc đang tới gần. Nhưng tình hình ở lô dầu 06.1 vẫn chưa hề giảm nhiệt. Như muốn truyền tải thông điệp, hai tàu hải cảnh hiện đại và được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc là tàu hải cảnh 31302 và hải cảnh 37111 đã thường xuyên bật AIS trong những ngày qua, đang ở cự ly rất gần với giàn khoan Hakuryu-5 và tàu Crest Argus 5 hỗ trợ giàn khoan của Việt Nam, có những lúc chỉ 2-3 hải lý.
Còn tàu hải cảnh 45111 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng chưa trở về phía bắc mà đang neo đậu ở Đá Chữ Thập.
Lúc 7h38′ sáng ngày 28/9, đường rời khỏi Đá Chữ Thập của tàu Hải Dương Địa Chất 8 lần này không giống như những lần trước mà hướng lên phía bắc nhiều hơn. Vậy cũng rất có thể nhóm tàu đi về Hải Nam, chưa chắc là bắt đầu chiến dịch đan áo ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu hải cảnh 35111 rời Đá Chữ Thập ngày 27/9 cũng đang trở về gần đảo Hải Nam.
Hiện tàu Việt Nam mang số hiệu Khánh Hòa 01015 đang theo sát nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8.
Chúng ta chưa biết tàu Hải Dương Địa Chất 8 thật sự đang hướng tới đâu. Tuy nhiên, tình hình khu vực lô dầu 06.1 không có gì thay đổi, với sự hiện diện mới của hai tàu hải cảnh 37111 và 31302, và tàu 45111 ở gần khu vực Bãi Phúc Tần.
Có thể nói những hành vi của nhóm tàu Trung Quốc là một âm mưu rất thâm độc. Để sau này Trung Quốc lấy cớ khẳng định với thế giới rằng đây là những địa điểm Trung Quốc thường xuyên có mặt, tổ chức thăm dò, khẳng định chủ quyền sai trái. Vì vậy chúng ta, Việt Nam phải phản đối mạnh mẽ hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế. Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã lên tiếng tại Liên hiệp Quốc về tình hình xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, đó là việc làm rất cần thiết thể hiện quan điểm của Việt Nam cho thế giới biết.
Theo các thông tin mới nhất thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam cả về cường độ, quy mô và khu vực đối đầu sau dịp quốc khánh nước này (1/10).
Đương nhiên Việt Nam chúng ta vẫn có lời chúc mừng Quốc khánh gửi đến hàng xóm theo đúng thông lệ, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị những biện pháp đấu tranh cần thiết về mặt ngoại giao và truyền thông.
Trên thực địa, toàn bộ lực lượng chấp pháp Việt Nam đã được tiếp tế đầy đủ nhu yếu phẩm và bảo đảm hậu cần kỹ thuật, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền kéo dài từ nay cho đến hết năm.
Các lực lượng quân sự vẫn kiên trì và bình tĩnh, chưa tham gia, nhưng có vẻ họ cũng sẽ không ngồi yên khi đang và sắp tổ chức nhiều đợt tập trận quy mô lớn, đồng thời duy trì lực lượng tuần tra ở nam Biển Đông để đối phó nguy cơ xâm phạm nhằm vào Việt Nam.
Việt Nam chúng ta phải bình tĩnh và thu thập các bằng chứng chứng minh được rằng đây là việc làm xâm phạm chủ quyền để dùng đến khi cần, đồng thời triển khai lực lượng Dân sự ngăn chặn và đẩy đuổi nhóm tàu này ra. Nếu để nhóm tàu này thả, thu nổ để sau này có dữ liệu khảo sát trước dư luận quốc tế thì Trung Quốc sẽ nói rằng, họ có chủ quyền, khảo sát, có dữ liệu. Cực kỳ nguy hiểm!
Có ý kiến cho rằng, muốn ngăn chặn hiệu quả nhất, ngoài việc chặn đầu, ép hướng, có một cách mà Việt Nam nên sử dụng cách mà chính Trung Quốc đã từng sử dụng, đó là cho tàu CSB hoặc KN hoặc tàu cá, dùng tốc độ cao, chạy băng qua tuyến cáp của họ (có thể dài tối đa 15 ngàn mét) dùng thiết bị chuyên dụng cắt cáp chúng. Tàu khảo sát địa chất mà bị cắt cáp sẽ tốn thời gian khắc phục, hoặc tệ hơn phải lui về căn cứ sửa chữa. Nhưng tôi thiết nghĩ Việt Nam chưa cần phải sử dụng cách này vì không muốn tạo cớ cho Trung Quốc. Việt Nam cố gắng giữ hình ảnh đẹp trong mắt thế giới.
Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật tình hình nhanh và chính xác nhất ngay khi có diễn biến mới trên thực địa, không ảnh hưởng tới hoạt động tác chiến của các lực lượng Việt Nam. Những ai trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ cần duy trì bảo mật thông tin, tránh khoe khoang trên mạng để làm ảnh hưởng tới bản thân và đồng đội.
Xin nhắc lại, nếu không có thông báo gì thì các quý vị bà con ta cứ yên tâm mà làm ăn, tránh mắc vào bẫy tin giả như kiểu “Trung Quốc bắn chìm tàu và máy bay Việt Nam” “bán hết đảo rồi”,… của những kẻ ngồi tuốt tận bên kia bán cầu. Nhớ tuyệt đối không hút trích cần sa, tránh ngáo đá để luôn đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt sẵn sàng tham gia bảo vệ biển Đông khi cần ! Mưa bão đến rồi, mong các tàu nhỏ của mình trụ vững.
Nguyễn Anh (Nguồn hình ảnh: Đơn vị tác chiến điện tử, Marine Traffic Dự án đại sự ký Biển Đông, AMTI/CSIS)
Nguồn: Cánh cò