“Bộ trưởng hứa giải ngân hết thì phải thực hiện chứ không nói không” – Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện quyết liệt, quy trách nhiệm rõ ràng.
Sáng 26/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đầu tư công đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó có việc xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng, thay đổi bộ mặt đất nước, Thủ tướng cho biết, vốn đầu tư công chiếm 10,7% giá trị GDP, 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội (năm 2019). Tuy nhiên, thực tế tình trạng đầu tư công đã diễn ra từ gần chục năm qua tạo nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế, đặc biệt là năm 2019 giải ngân thấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Nguyên nhân chủ yếu thuộc chủ quan
Nói về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng coi đây là “điểm mờ” của bức tranh kinh tế xã hội. Bởi theo Bộ này, trong tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng, thì từ cuối năm 2018, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán, và đến nay đã giao tổng cộng trên 92%. Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao.
Song theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng qua ước đạt trên 45% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA đều đạt thấp.
Có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, nhưng có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 17 đơn vị giải ngân dưới 30%. Nhiều bộ sử dụng nhiều vốn đầu tư công đều giải ngân chậm, trong đó điển hình là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Các bộ, ngành và địa phương đều cam kết đẩy mạnh giải ngân vốn từ nay đến cuối năm, song cũng nêu nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Qua phát biểu của các địa phương, bộ, ngành cho thấy, có ba nhóm nguyên nhân quan trọng nổi lên khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thứ hai là thủ tục còn nhiều vướng mắc và thứ ba là việc phân cấp, phân quyền còn chậm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về chủ quan của các bộ, ngành, địa phương, khiến việc giải ngân rất vất vả.
“Chúng ta làm dự án rất nhanh nhưng khi triển khai lại nhiều vướng mắc. Đây là nguyên nhân rất quan trọng mà chúng ta đang làm ngược lại với các quốc gia khác. Thứ hai là tính chủ động quyết liệt của các địa phương, chủ dự án còn thấp và năng lực nhà thầu còn hạn chế, kể cả năng lực Ban Quản lý như Thủ tướng đã nêu. Khắc phục tình trạng này, năm 2019, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, gần đây nhất có công điện số 1042. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân. Mặc dù đã có chuyển biến nhưng vẫn rất chậm. Chậm hơn cả tiến độ năm ngoái kể cả so với kế hoạch Thủ tướng, Quốc hội giao. Chậm yêu cầu và tiến độ triển khai đầu tư công sẽ gây ra nhiều tác hại”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ thêm.
Cũng về nguyên nhân chủ quan, từ thực tế của Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ cần giải ngân khoảng 6.600 tỷ đồng, nhưng hiện giải ngân đạt khoảng 24% dự toán. Việc thực hiện một số dự án trọng điểm của ngành bị chậm, trong đó có Bệnh viện Việt Đức 2, Bạch Mai 2 do vướng trong công tác đấu thầu và năng lực của ban quản lý dự án chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhóm nguyên nhân thứ hai khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là về thủ tục hành chính. Hiện nay vốn đầu tư công chịu sự điều chỉnh của rất nhiều Luật, như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thực hiện các quy định của các Luật này còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài.
Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, việc chỉ đạo điều hành còn chậm, song cũng nêu các nguyên nhân về thủ tục hành chính.
“Đồng Tháp xây dựng hẳn một quy trình để kiểm soát việc thực hiện các bước giải phóng dự án đầu tư. Chúng tôi tổng kết rằng đối với các dự án nhóm B, nhóm C, có giải phóng mặt bằng, mất trung bình khoảng 350 đến 395 ngày. Có 52 bước, trong đó giải phóng mặt bằng phải qua 28 bước mất 285 ngày. Tính ở đây là thời gian trung bình hoặc thời gian tối thiểu chứ không lấy thời gian tối đa theo các bộ thủ tục hành chính. Còn dự án không có giải phóng mặt bằng mất trung bình 260 ngày với 32 bước. Có thể nói rằng đây là một vấn đề chúng ta phải nhìn nhận trong cải cách hành chính trong thủ tục đầu tư, đặc biệt là đầu tư trung hạn”, ông Hùng dẫn chứng thực tế ở địa phương.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong triển khai dự án. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố, Hà Nội đề xuất, với các dự án nhóm A, Thủ tướng Chính phủ có thể giao các bộ trên cơ sở kiểm tra, và ủy quyền cho UBND thành phố Hà Nội có thể phê duyệt dự án nhóm A sau khi xin ý kiến của các bộ.
Việc thẩm định thiết kế cơ sở các dự án nhóm A, thành phố sẽ tổ chức thẩm định, tổ chức quyết định sau khi có ý kiến các bộ. Chính phủ đề xuất Quốc hội cần có nghị quyết ngay về việc giao lại cho thường trực Hội đồng Nhân dân phê duyệt chủ trương dự án nhóm B, C của các tỉnh, thành phố, để không phải đưa ra Hội đồng Nhân dân như hiện nay.
“Nếu Chính phủ đưa ra, Quốc hội có nghị quyết ở kỳ họp Quốc hội tới, chúng tôi tin sẽ đẩy nhanh các tiến độ này cho thành phố Hà Nội và cho các tỉnh, thành phố”, Chủ tịch Hà Nội kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đặt vấn đề: Trước hết hiện nay chúng tôi thấy mấy cái vướng, đối với văn bản xây dựng, chúng tôi đề nghị đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định thiết kế bản vẽ kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình để giao bộ ngành địa phương chủ đầu tư tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt. Như vậy đỡ mất thời gian.
Thứ hai là sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư công, Nghị định sửa đổi nghị định 77 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, chúng tôi thấy đây rất là cần. Còn đối với công tác đầu tư trung hạn hàng năm, chúng tôi rất muốn được giao vốn sớm để có điều kiện thẩm định, rồi triển khai.
Bộ trưởng hứa thì phải thực hiện
“Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thì tôi lưu ý các bộ rút kinh nghiệm, đó là phải phân cấp mạnh mẽ cho Ban quản lý dự án, không có ôm chuyện lên trên Bộ xin. Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm, Bộ trưởng xử lý phân cấp giao quyền. Thứ hai là thành lập tổ công tác đặc biệt của bộ để đôn đốc, xử lý các vấn đề đặt ra, tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc ở cấp dưới. Chính vai trò cấp trên chính là hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra, nó vướng chỗ nào để xử lý. Chứ khi xin tiền rất quyết liệt, khi có tiền rồi bộ ngành không quan tâm đến để tháo gỡ khó khăn. Việc này tôi cho rằng là bài học kinh nghiệm chung từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt Bộ trưởng hứa cuối năm nay giải ngân hết thì phải thực hiện chứ không nói không” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, nên các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, trưởng ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân hết số vốn được giao theo Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra.
“Yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khắc phục căn bệnh “trầm kha” này, Thủ tướng lưu ý, cùng với đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công thì phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, nhất là chống nhũng nhiễu, tiêu cực, ăn bớt vật vật liệu trong quá trình triển khai, tránh tình trạng làm dối, làm hỏng, ăn cắp định mức, rút ruột công trình” – Thủ tướng lưu ý.
Nhìn từ kinh nghiệm nước ngoài, Thủ tướng cho biết, ở các nước, công tác chuẩn bị đầu tư là 3 năm và sau đó triển khai rất nhanh thì nước ta lại ngược lại, ghi danh mục rồi thì mới bắt đầu làm thủ tục khiến tiến độ rất chậm. Nhấn mạnh đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương tuần nào cũng đôn đốc thì sẽ không xảy ra tình trạng chậm giải ngân như hiện nay.
Nói về nguyên nhân, Theo Thủ tướng có nguyên nhân không sát sao, không chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ rồi chưa phân cấp trao quyền, rồi bệnh những nhiêu gây khó. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Khi xem xét thi đua khen thưởng phải xem xét nhiệm vụ người đã phụ trách đầu tư xây dựng ở địa phương làm chậm chễ chất lượng và thất thoát. Thậm chí điều chuyển những cán bộ kém năng lực điều hành các dự án đầu tư xây dựng, những cán bộ lãnh đạo phụ trách xây dựng cơ bản nhưng không hoàn thành nhiệm vụ ….
“Tôi xin nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của những cán bộ phụ trách xây dựng cơ bản ở địa phương, ở Bộ, ngành” – Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thống nhất cao quan điểm chỉ đạo là tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp các ngành từng cơ quan đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đưa từng “đồng tiền hạt gạo” đến công trình để phục vụ đầu tư sản xuất của nhân dân, nhất là khi vốn ít thì đầu tư phải hiệu quả, kịp thời. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu là các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, trong việc chỉ đạo đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo các Nghị quyết của chính phủ nỗ lực tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch giao.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành có vốn đầu tư công lớn, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng phải chỉ đạo giải ngân cấp bách vốn đầu tư công.
Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo đẩy nhanh các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị… và yêu cầu lãnh đạo địa phương, bộ ngành tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, không để kéo dài để phục vụ nhân dân.
“Sân bay Long Thành, Đồng Nai đã có một khoản vốn đến 23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng từ năm ngoái, đã chuyển về tài khoản tới các đồng chí trên 11.000 tỷ đồng, đến nay các đồng chí vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm là sao? Bây giờ địa phương đã áp giá đền bù xong chưa? Đã đưa dân ra khỏi khu vực này chưa? Tỉnh ủy, HĐND, đặc biệt Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm vấn đề này. Quốc hội không bao giờ đồng ý tăng dự toán lên nên đừng có chờ đợi, tôi nói điều này để các đồng chí Đồng Nai rút kinh nghiệm. Tôi đã mời Chủ tịch mới ra làm việc trực tiếp ở đây để triển khai chủ trương quan trọng này” – Thủ tướng nêu rõ.
Cũng như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nếu các đảm bảo tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn những khuyết điểm, tồn tại một số việc thì để đó kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân sau theo kết luận kiểm toán.
“Để mãi như vậy sao được, trên 10 năm một công trình. Không chờ một số kết luận của kiểm toán mà để mãi. Tôi nói ý này để các công trình trọng điểm các đồng chí phải làm mạnh hơn. Cũng như các công trình cầu Mỹ Thuận 2, Trung Lương – Mỹ Thuận đã ghi đủ vốn, phải làm đúng tiến độ theo yêu cầu của nhân dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiên quyết không để tiếp diễn tình trạng “quyền anh, quyền tôi” như vừa qua, không vì lợi ích của Bộ, ngành địa phương mình mà không có sự hợp tác.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát hoàn thiện các văn bản dưới luật, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, nhất là các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm tới. Bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý để giao hết kế hoạch vốn đầu tư công 2019 còn lại trước ngày mùng 5/10 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/10/2019./.
Nguồn: VOV.vn