Xung quanh phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng năm học mới Trường ĐH Y dược TP. HCM ngày 16-9-2019, mặc dù nhiều chuyên gia giáo dục, báo giới đã có những phân tích sự hợp lý trong phát biểu của người đứng đầu Ngành Y tế. Vậy nhưng xem chừng từng đó thôi là chưa đủ, bởi cho đến nay nhiều người vẫn nói ra, nói vào về chuyện này. Thậm chí có kẻ còn cho rằng việc thanh minh của bà Tiến mới đây là biểu hiện của việc bà này không phân biệt được đúng – sai…
Với mục đích góp thêm một tiếng nói khác, ở một nơi khác, mới đây từ nước Đức xa xôi, Việt kiều Hồ Ngọc Thắng đã có bài viết ngắn ĐẠI HỌC SỨC KHỎE – TẠI SAO KHÔNG?.
Theo phân tích của ông Thắng thì: “Về phương diện ngôn ngữ và khoa học, đề nghị đó không có gì là sai và có thể thực thi được. Ở Đức, khái niệm „sức khỏe“ cũng được sử dụng rộng rãi – GESUNDHEIT. Thí dụ, ở Việt Nam gọi là Bộ y tế thì Đức gọi là Bộ liên bang vì sức khỏe (Bundesministerium für Gesundheit), các cơ quan tương đương cơ quan y tế của Việt Nam họ gọi là Gesundheitsamt, Gesundheitsbehörden, có nghĩa là cơ quan vì sức khỏe, ngành mà Việt Nam gọi là y tế họ gọi là Gesundheitswesen, có thể dịch ngành chăm lo sức khỏe. WHO ở Việt Nam gọi là Tổ chức Y tế Thế giới, ở Đức họ gọi là Weltgesundheitsorganisation, có thể dịch là Tổ chức thế giới chăm lo sức khỏe hoặc là Tổ chức thế giới vì sức khỏe.
Trong tiếng Đức khái niệm Medizin có nghĩa là y học, y khoa, y tế và thuốc men. Nếu dùng khái niệm Medizin (y tế) thì nó quá hẹp, vì vậy người Đức hôm nay hay dùng khái niệm GESUNDHEIT = SỨC KHỎE. Có lẽ vì ý nghĩa đầy đủ hơn nên người Đức cũng chúc nhau với từ ngữ này: Ich wünsche Dir Glück und Gesundheit, có nghĩa là tôi chúc bạn hạnh phúc và sức khỏe”.
Theo cách phân tích này của ông Thắng thì đề nghị của bà Tiến tại lễ khai giảng nói trên không hoàn toàn là căn cứ vào luật Giáo dục và các văn bản, nghị định hướng dẫn tại VN mà vấn đề đã được quốc tế hoá, được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới công nhận, thừa nhận và vận hành trên thực tế. Có chăng VN đi sau và lạc hậu khi chưa theo kịp những bước tiến văn minh của xã hội loài người mà thôi…
Mặc dù dưới khía cạnh ngôn ngữ được ông Hồ Ngọc Thắng chỉ ra mới chỉ chứng minh cho việc việc sử dụng khái niệm “sức khoẻ” mới bao hàm, toàn diện thay vì sử dụng khái niệm cũ là “Y tế”; chưa phản ánh được sự khác biệt giữa “Đại học” khác “trường đại học” như cách lí giải trong bài báo trên Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/tu-phat-bieu-cua-bo-truong-bo-y-te-dai-hoc-khac-voi-truong-dai-hoc-ra-sao-20190917093748294.htm) dưới góc nhìn từ luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành việc đặt tên cũng như đánh giá về quy mô, tính chất của từng nhà trường, cơ sở giáo dục: “Theo đó, hiện nước ta có hai Đại học Quốc gia (TP.HCM và Hà Nội) và các đại học vùng gồm Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên.
Các “đại học” có các trường, khoa trực thuộc và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, các “trường đại học” chỉ có các khoa, viện nghiên cứu…
Luật giáo dục đại học (sửa đổi) quy định rất rõ điều này. Theo điều 7: “Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.”
Điều 14 quy định cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm: “Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.
Cơ cấu tổ chức cụ thể của trường đại học, mối quan hệ và mức độ tự chủ của đơn vị thuộc, trực thuộc trường đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.”.
Điều 15 quy định cơ cấu tổ chức của đại học gồm: “Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác;
Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học”.
Theo Luật giáo dục đại học, các “trường đại học” muốn trở thành “đại học” phải là các trường lớn, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực… và phải xây dựng đề án chuyển đổi”.
Nhưng ngoài việc góp thêm tiếng nói đồng thuận thì ý kiến của ông Thắng còn chỉ ra một chi tiết hết sức quan trọng. Đó là muốn phát triển, hoạt động theo hướng chuyên sâu và toàn diện thì không còn cách nào khác, ngành Y học (có thể sẽ phải gọi là Ngành Chăm sóc sức khoẻ) cũng phải toàn diện, chuyên sâu riêng. Và trong bối cảnh đó, cùng với việc quy định về gọi là “Đại học” hay “Trường Đại học” thì việc đổi tên là cần thiết. Nó có ý nghĩa định hướng, định hình tính chất, quy mô, mục tiêu hướng tới trong chăm sóc sức khoẻ của con người.
Phải là một người hiểu về Y học sâu sắc và nghiên cứu qua các quy định về luật Giáo dục mới có những phát biểu thấm thía và lần đầu tiên như Bà Tiến: “Tên gọi Đại học Sức khỏe thể hiện toàn diện hơn vì đại học này đào tạo đa ngành lĩnh vực sức khỏe, nếu gọi y dược không thì không đủ. Nếu vẫn giữ Đại học Y dược TP.HCM rồi đại học này lập thêm Trường đại học Y, Trường đại học Dược, Trường đại học Nha… thì khi đó sẽ rối hơn”. Có lẽ về phương diện Giáo dục mà nói bà Tiến đáng được khen ngợi và tri ân trong chuyện này.
Nguồn: Mõ làng