Hôm nay, tròn 30 năm Quân Tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả để giúp đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và hồi sinh sau chiến tranh. Xuôi về dòng lịch sử, ngày 25-9-1989, tại đài Độc Lập, thủ đô Phnom Penh, lễ tiễn các đơn vị cuối cùng của Quân Tình nguyện Việt Nam về nước sau 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế diễn ra trọng thể. Đến dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội và hơn 10 vạn cán bộ, người dân Campuchia. Và điều mãi mãi không thể phai mờ là không chỉ ở Phnom Penh, mà nhiều địa phương khác như Siêm Riệp, Battambang, Kampong Cham, Oddar Meancheay…, hàng nghìn, hàng vạn người dân Campuchia xếp hàng dài cả cây số để chia tay “đội quân nhà Phật”, danh xưng mà nhiều lãnh đạo và người dân Campuchia gọi lực lượng Quân Tình nguyện Việt Nam, ân nhân của mình.
Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia
Trong suốt 10 năm thực hiện nghĩa vụ cao cả, Việt Nam đã thể hiện cho quốc tế thấy được hành động cao đẹp của đất nước, con người yêu chuộng hòa bình. Và cũng trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã phải chịu đựng nhiều khó khăn từ các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, nhưng không vì vậy mà chúng ta từ bỏ biết bao công sức, sương máu của những người đã ngã xuống và mặc dù kinh tế đang khó khăn như vậy nhưng Việt Nam vẫn sẵn sàng san sẻ cả vật chất và con người để giúp nước bạn hồi sinh. Đến ngày 21-5-1988, sau khi đánh giá tình hình Campuchia, BCH TW ĐCSVN ra chỉ thị, quyết định đẩy nhanh quá trình rút Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ở CPC về nước.
Ngày 26-5-1988, Bộ Quốc phòng nước CHXHCN VN ra thông cáo về việc rút hết Quân tình nguyện về nước trong năm 1989, sớm 1 năm so với thỏa thuận giữa 2 nước CHXHCN VN và CHND CPC vào tháng 8-1985. Theo đó, từ tháng 6 đến tháng 12-1988, phần lớn lực lượng Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự VN cùng BTL Quân tình nguyện sẽ được rút về nước. Những đơn vị ở lại được đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng CPC và sẽ rút hết trong năm 1989. Ngày 30-6-1988, BTL Quân tình nguyện rời sân bay Pochentong và về nước bằng đường không.
Tháng 7 đến tháng 11-1988, VN tiến hành đợt rút quân thứ 7 khỏi CPC. Bộ phận chủ yếu của Quân tình nguyện gồm 2 sư đoàn bộ binh (f5, f309), 2 trung đoàn bộ binh (e7, e658), 22 tiểu đoàn, một số đại đội, các đơn vị binh chủng bảo đảm, công trình, hậu cần, kỹ thuật, tổng cộng 32.766 người, 118 xe tăng, thiết giáp, 37 khẩu pháo và 291 xe vận tải lần lượt trở về VN.
Ngày 21-12-1988, các bộ phận cuối cùng thuộc 6 sư đoàn bộ binh (f5, f309/MT 479; f307, f315/MT 579; f4, f330, f339/MT 979) và chuyên gia quân sự VN với tổng cộng 18.000 người rút về nước, chính thức hoàn thành kế hoạch rút 5 vạn quân khỏi CPC trong năm 1988.
Ngày 5-9-1989, Chính phủ CHXNCN VN ra tuyên bố rút toàn bộ Quân tình nguyện VN về nước sau khi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giúp CPC. Từ 21-9-1989, đợt cuối cùng gồm các đơn vị còn lại của MT 479, 579, 779, 979; 2 sư đoàn bộ binh 302, 330, Vùng 5 hải quân, Trung đoàn căn cứ không quân 901, các đơn vị binh chủng, bảo đảm với tổng cộng 26.000 người cùng trang bị bắt đầu rút quân về nước.
Trên đường bộ, MT 579 về qua cửa khẩu Đức Cơ (Gia Lai); MT 479 về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); MT 779 về cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh); MT 979 về cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) và Hà Tiên (Kiên Giang). Trên đường thủy, các bộ phận nặng của MT 479, 779 theo đường sông Mekong rồi về nước theo sông Tiền qua cửa khẩu Tân Châu (Đồng Tháp), MT 979 theo đường sông Tonle Sap rồi về nước theo sông Hậu; Vùng 5 Hải quân rút về theo đường biển. Các bộ phận sở chỉ huy rút về nước bằng đường không.
Ngày 26-9-1989, chiếc xe cuối cùng của MT 479 rút qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, đánh dấu việc toàn bộ các đơn vị Quân tình nguyện VN đã trở về Tổ quốc.
Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia
Trên lý thuyết, 26-9-1989 được coi là ngày VN kết thúc hoạt động trên đất CPC. Tuy nhiên trong thực tế, chỉ ngay sau đó, 3 nhóm phiến quân Khmer Đỏ, ANS và KPNLAF được Mỹ, TQ, phương Tây và ASEAN tiếp sức đã nhanh chóng mở đợt hoạt động và tái chiếm nhiều khu vực ở giáp biên giới CPC. Trước tình hình đó, 1 lực lượng đặc biệt của QK9 được lệnh quay trở lại. Từ ngày 29-10-1989, lần lượt các đơn vị, gồm Trung đoàn bộ binh 1 và 3, Sư đoàn bộ binh 330; Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn bộ binh 339; Trung đoàn bộ binh 20, Sư đoàn bộ binh 4; các tiểu đoàn trinh sát, thiết giáp, pháo binh và chuyên gia quân sự hành quân lại sang CPC. Sau 1 thời gian hỗ trợ lực lượng cách mạng CPC đẩy lùi các nhóm phiến quân, tháng 4-1990 các đơn vị chiến đấu của QK9 về nước, để lại 1 bộ phận chuyên gia quân sự và kỹ thuật. Ngày 25-8-1991, bộ phận chuyên gia lên đường về Việt Nam. Đến đây, nhiệm vụ quốc tế của Việt Nam ở Campuchia mới thực sự hoàn thành.
Ngày trở về, trong chiếc balô người lính tình nguyện nhẹ tênh, ngoài tấm khăn Kroma, mỗi người chỉ có cân đường thốt nốt, mấy ký cá khô. Cấp sỹ quan có thêm vài gói mì chính là của hiếm lúc bấy giờ, mua ngoài chợ bằng phụ cấp của mình. Các trạm kiểm soát quân sự biên giới được lệnh kiểm tra gắt gao, quân lệnh như sơn, không ai được vi phạm. Các quan sát viên, nhà báo quốc tế rất ngạc nhiên khi thấy đến sát ngày rút quân, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam vẫn khẩn trương giúp dân dựng nhà, làm đường, đào kênh mương, khám chữa bệnh cho người dân, dạy các cháu nhỏ học hành… như với đồng bào, người thân của mình. Điều rất đỗi bình thường, trở thành bản năng của Quân tình nguyện Việt Nam chính là một trong những điểm khác biệt với các đội quân nước ngoài khác.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ