Trang chủ Hồ sơ - Tư liệu Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung...

Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung Quốc

0
0

Dùng thuốc phiện để đổi lấy chè, đế quốc Anh đã gây ra đại dịch thuốc phiện nặng nề tại Trung Quốc, dẫn đến hai cuộc chiến tranh khốc liệt làm thay đổi lịch sử cường quốc châu Á.

CHIẾN TRANH THUỐC PHIỆN VÀ CHIẾN DỊCH TRỘM CHÈ

Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung QuốcCác tàu chiến của Anh thắng thế trong cuộc Chiến tranh Thuốc phiện (hay Chiến tranh Nha phiến) lần thứ nhất. Ảnh: Wikimedia Commons

Hiệp ước Nam Kinh mở đầu “Bách niên quốc sỉ”

Tháng 6/1840 quân Anh từ mũi Hảo Vọng mang theo 16 chiến hạm, 4 tàu pháo cỡ lớn chạy bằng động cơ hơi nước, 28 thuyền vận tải, 4.000 quân kéo đến vùng biển Quảng Ðông.

Với sức mạnh quân sự lớn hơn, quân đội Anh đã lần lượt chiếm được Quảng Châu (Quảng Đông), Hạ Môn (Phúc Kiến), Đinh Hải (Chiết Giang), Nam Kinh, sau đó là Thượng Hải.

Thua trận, Nhà Thanh buộc phải ký Hiệp ước Nam Kinh vào ngày 29/8/1842 đánh dấu kết thúc cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất. Nhà Thanh phải bồi thường chiến phí cho Anh, mở 11 cảng và cho truyền đạo tự do.

Hương Cảng (Hong Kong) và vùng cửa sông Châu Giang được chuyển giao cho người Anh trong 99 năm và lợi ích của Anh phải được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc cân nhắc giao thương với bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác.

Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung QuốcTàu HMS Cornwallis của Anh bắn pháo chào mừng ký Hiệp ước Nam Kinh. Ảnh: Wikimedia Commons

Đây chỉ là hiệp ước đầu tiên trong số một loạt hiệp ước bất bình đẳng mà người Trung Quốc buộc phải đồng ý khi họ phải đối mặt với sức mạnh quân sự vượt trội của người Anh. Thất bại của Hiệp ước trong việc thoả mãn các mục tiêu của Anh về cải thiện quan hệ ngoại giao và thương mại đã dẫn tới cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai (1856-1860). Tại Trung Quốc, cuộc chiến này được xem là sự khởi đầu thời kỳ “Bách niên quốc sỉ”, tức là 100 năm Trung Quốc bị sỉ nhục và xâu xé bởi ngoại quốc.

Robert Fortune – Kẻ trộm chè

Trong bối cảnh mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc đã bị phá hủy, nhà thực vật học người Scotland Robert Fortune đã bị đẩy vào một chiến dịch bí mật nhằm giúp đế chế Anh phá vỡ độc quyền trà của người Trung Quốc.

Khi còn nhỏ, Fortune thường mải mê theo cha lang thang trong trang trại khiêm tốn của gia đình. Xuất thân từ nhà nghèo, Fortune có được hầu hết kiến ​​thức về thực vật của mình thông qua học hỏi thực tế thay vì trường lớp chính thức.

Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung QuốcChân dung kẻ trộm chè Robert Fortune. Ảnh: Getty Images

Năm 1842, khi Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất giữa Anh và Trung Quốc kết thúc bằng Hiệp ước Nam Kinh, Fortune được Hiệp hội Trồng trọt Hoàng gia ủy nhiệm thực hiện một cuộc thám hiểm nhằm thu thập thực vật trong ba năm ở Trung Quốc.

Trong chuyến đi của mình, Fortune đã tới những vườn chè tuyệt đẹp của Trung Quốc. Nhưng ông cũng hứng chịu nhiều trận ốm do không quen thuỷ thổ, chưa kể nhiều cuộc tấn công của những nhóm cướp biển. Fortune đã ghi lại toàn bộ hành trình của mình ở Trung Quốc trong cuốn sách “Three Years’ Wanderings in the Northern Provinces of China” (Ba năm lang thang ở các tỉnh miền Bắc Trung Quốc) xuất bản năm 1847.

Không một người phương Tây nào từng đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc như Robert Fortune. Ông thậm chí đã đến cả vùng núi Vũ Di xa xôi ở tỉnh Phúc Kiến, một trong những vùng trồng chè chính.

Vì thế không có gì bất ngờ khi Công ty Thương mại Đông Ấn của Anh, giữa cuộc chiến chè với Trung Quốc, bỗng trở nên quan tâm tới công việc của Fortune. Công ty tin rằng nếu họ có thể tiếp cận hạt giống và cây chè ở Trung Quốc, rồi tìm cách tự trồng và thu hoạch chè, có thể ở thuộc địa Ấn Độ, thì người Anh có thể chiếm lĩnh vị trí thống trị của người Trung Quốc trong buôn bán chè.

Và thế là Đông Ấn đã bỏ tiền thuê Robert Fortune ăn cắp mẫu cây và hạt giống chè từ Trung Quốc.

Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung QuốcCảnh trồng chè ở Trung Quốc.

Đó là một công việc đầy rủi ro, nhưng với thù lao 624 USD mỗi năm – gấp năm lần mức lương của Fortune – cùng bản quyền thương mại đối với bất kỳ cây chè nào ông lấy được trong chuyến đi của mình, nhà khoa học khó có thể từ chối.

Năm 1848, Fortune bắt đầu hành trình thứ hai đến Trung Quốc nhưng lần này, với tư cách là một kẻ buôn lậu bí mật. Để vượt qua kiểm soát an ninh ở các cảng, Fortune đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc bằng cách cắt tóc theo kiểu địa phương và mặc trang phục truyền thống.

Tiếp đến, ông phải thu thập các mẫu chè và tìm cách vận chuyển chúng đến Ấn Độ. Tổng cộng, Fortune đã thu thập thành công 13.000 cây chè và 10.000 hạt giống từ các tỉnh trồng chè trên khắp Trung Quốc và tìm cách đưa chúng qua biên giới.

“Ông ấy thậm chí còn mang theo cả những người nông dân trồng chè”, bà Li Xiangxi, người hiện đang điều hành doanh nghiệp kinh doanh chè gia truyền ở Trung Quốc, cho biết. “Theo cách đó, họ có thể nghiên cứu nghề xao chà. Ngoài ra, họ còn lấy các công cụ canh tác và chế biến chè”.

Vụ đánh cắp chè thế kỷ, huỷ hoại nền kinh tế Trung QuốcVùng trồng chè ở Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến là nơi hẻo lánh mà nhà thực vật học Fortune đã thâm nhập được.

Nhưng trong chuyến hàng lậu đầu tiên, hầu hết các cây chè được Fortune thu thập đã chết trên hành trình. Sau nhiều thử nghiệm và sử dụng một phương pháp mới – dùng hộp kính đặc biệt để giữ an toàn cho cây trong chuyến đi khó khăn ra khỏi Trung Quốc – Fortune cuối cùng đã đưa được 20.000 cây trà phi bản địa đến vùng Darjeeling của Ấn Độ.

Cuối cùng, nước Anh đã thành công trong việc tìm cách trồng, thu hoạch và tự sản xuất chà ở Ấn Độ, phá vỡ sự độc quyền hàng thế kỷ của người Trung Quốc. Lượng trà sản xuất tại Trung Quốc vì thế đã giảm đáng kể xuống còn 41.000 tấn/năm, trong đó chỉ có 9.000 tấn được xuất khẩu.

Trung Quốc nhanh chóng tụt lại phía sau trong thương mại khi người Hà Lan và Mỹ cũng theo bước Anh, tiến hành các cuộc tấn công vào những vùng trồng chè ở nước này để chiếm địa bàn sản xuất.

Ảnh hưởng của chiến dịch trộm cắp thương mại của Anh và các hiệp ước không công bằng sau Chiến tranh Thuốc phiện đã làm thay đổi đáng kể nền kinh tế Trung Quốc, đến nỗi đất nước này đã không thể phục hồi hoàn toàn cho đến những năm 1950.

Và phải mất 170 năm Trung Quốc mới có thể khôi phục vị thế là nhà xuất khẩu chè lớn nhất thế giới.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây