“Không có ai phản bội, đầu hàng, không ai bị tù tội vì tham ô, lừa đảo” – đó chính là những ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về lớp cán bộ đức độ, tài năng, trung thành với Tổ quốc khi nhắc về các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam.
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cựu học sinh các Trường Thiếu sinh quân Việt Nam nhân kỉ niệm 70 năm thành lập ( 1949 – 2019).
Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các trường Thiếu sinh quân đã lần lượt ra đời ở các đơn vị bộ đội chủ lực và các Quân khu trong cả nước. Các thế hệ Thiếu sinh quân đã xây dựng truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp không nhỏ vào các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc ghi nhớ những đóng góp của các thế hệ thiếu sinh quân Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta rất vui mừng thấy một lớp cán bộ đức độ, tài năng, trung thành với Tổ quốc. Hàng ngàn Thiếu sinh quân từ mọi miền đất nước đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta trên nhiều cương vị như tướng lĩnh, nhà khoa học, nhạc sĩ, ca sĩ, cán bộ cao cấp…
Tôi rất ấn tượng với phát biểu của đồng chí cựu Thiếu sinh quân ở Nam Bộ, nói về đánh giá những người Thiếu sinh quân Việt Nam, không ai phản bội đối với Tổ quốc, với Đảng, không ai lừa đảo. Đó là phẩm chất quý của các Thiếu sinh quân đáng được trân trọng”.Các Thiếu sinh quân tự hào về những cựu Thiếu sinh quân lớp đầu tiên như Phan Quốc Ân, Trịnh Ngọc Trình, Ma Văn Kháng, Lê Xuân Tùng, Vũ Khoan…
Sự đóng góp to lớn của các thế hệ Thiếu sinh quân vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng và xây dựng đất nước đã được ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, sự thành công, trưởng thành của họ chính là sự đánh giá thành công mỹ mãn của chủ trương vô cùng đúng đắn, sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng trong sự nghiệp trăm năm trồng người, đạo tạo các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam.
Ôn lại truyền thống vẻ vang của Thiếu sinh quân, ông Nguyễn Minh Hiền, Trưởng Ban liên lạc Thiếu sinh quân miền Đông Nam Bộ, Quân Khu 7 cho biết: “Kết thúc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong cuộc họp kỷ niệm truyền thống Thiếu sinh quân miền Đông Nam Bộ, đồng chí Tô Ký, nguyên là Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn, đồng thời là một cán bộ rất quan tâm đào tạo các thế hệ Thiếu sinh quân miền Đông Nam bộ đã phát biểu: Tôi rất vui mừng thấy tuổi nhỏ ngày xưa đã
trưởng thành. Có người nay là tướng lĩnh, là trí thức, là doanh nghiệp, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, các nhà quản lý doanh nghiệp giỏi. Nhưng điều đáng mừng nhất là suốt mấy chục năm qua, không có ai phản bội, đầu hàng, không ai bị tù tội vì tham ô, lừa đảo.”
Trường Thiếu sinh quân Trung ương được thành lập năm 1949 tại An Toàn Khu, nằm trong Liên Khu Việt Bắc. Đây là nơi học tập của “các thiếu niên theo tiếng gọi yêu nước đang có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng trong các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công… những con người trẻ tuổi đã được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh cần được tập trung lại để học tập bồi dưỡng, trở thành lớp người kế cận có văn hóa, có khả năng quân sự phục vụ quân đội trong tương lai.”
Việc thành lập các Trường thiếu sinh quân đã cho thấy tầm nhìn vĩ đại của Bác Hồ về công tác đào tạo cán bộ. Vì bên cạnh lớp lớp những đoàn quân ra trận thì việc ươm mầm cho những thế hệ kế tiếp đã được Đảng và Bác Hồ hết sức quan tâm tới thế hệ sẽ xây dựng đất nước sau chiến tranh. Do yêu cầu của đất nước, cách mạng, thế hệ Thiếu sinh quân ngày ấy đã được chuyển sang học nhiều ngành nghề khác nhau.
Họ đã phấn đấu không ngừng và có rất nhiều tấm gương tiêu biểu cống hiến cho đất nước. Cho đến nay, nhiều thế hệ thiếu sinh quân đã trở thành lớp người kế cận có văn hóa, trở thành lực lượng bổ sung quan trọng cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa trong cả nước, một số người là Ủy viên Bộ Chính trị.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến các thế hệ Thiếu sinh quân và và mong muốn cựu Thiếu sinh quân phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, Quân đội và Thiếu sinh quân, vẫn luôn sống và học tập, làm theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay xuất hiện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì những cựu Thiếu sinh quân Việt Nam là những “cây đa”, “cây đề” trong nhân dân, trong khu dân cư, chống những biểu hiện này. Trong công cuộc đấu tranh “ diễn biến hòa bình” hiện nay thì những kinh nghiệm, bài học lịch sử của những thế hệ thiếu sinh quân sẽ bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh cho các thế hệ sau, tiếp bước cha anh để đấu tranh lại với các thế hệ thù địch.
Thủ tướng cho rằng, việc thành lập các trường Thiếu sinh quân ngay trong bối cảnh đất nước khó khăn, thiếu thốn và đang chiến tranh, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ về việc đào tạo nguồn cán bộ cho đất nước. Cho đến hôm nay, các thế hệ Thiếu sinh quân vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển đất
nước. Đây cũng là bài học cho Đảng, Nhà nước ta, các cấp chính quyền trong bối cảnh hiện nay, là chủ động tốt nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cách mạng, phát triển đất nước. Nguồn nhân lực ấy không chỉ được đào tạo chuyên môn mà còn phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, trung thành và đóng góp cho đất nước như Thiếu sinh quân.
Chỉ tồn tại 5 năm (1965–1970), đào tạo 1.200 học sinh với 8 khóa (từ lớp 5 đến lớp 10) nhưng đã cung cấp cho quân đội gần 900 chiến sĩ trẻ để đào tạo thành sĩ quan, hơn 1.000 học sinh trở thành kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, sĩ quan chỉ huy… hơn 100 giáo sư, tiến sĩ. Trong quân đội và CAND có 4 trung tướng và 16 thiếu tướng cùng hàng trăm cán bộ cao cấp đảm nhận các vị trí trọng trách trong và ngoài quân đội là cựu học sinh TSQ Nguyễn Văn Trỗi. Tô thắm thêm truyền thống đỏ của nhà trường còn là danh sách 2 thầy giáo và 28 học sinh tuổi mười tám đôi mươi, đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, trong chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.
Họ là Nguyễn Lâm – con trai cụ Hoàng Hữu Kháng (có tên trong đội bảo vệ thân cận của Bác Hồ thời chống Pháp: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ…), là Võ Dũng – con trai Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là Y Hòa – con trai cụ Y Wang Phó trưởng ban Dân tộc Quốc hội; là Nguyễn Tiến Quân – con trai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có NSND, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, cùng các NSƯT, nhạc sĩ: Cao Việt Bách, Lê Lan, Phan Phúc, Dương Minh Đức; các họa sĩ Trần Quân Ngọc, Cát Lâm Mậu; nhà văn Ma Văn Kháng, các nhà báo Như Đàm, Trần Thọ, Sĩ Ẩn và các nhà khoa học như giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thủy Nguyên, Trần Tiến Nguyên, Vũ Trọng Hùng… đều từng là các TSQ.
Người được báo chí nước ngoài tặng danh hiệu “tỷ phú đỏ” là Lê Minh Ngọc, nguyên TSQ Liên khu 4, nguyên Phó viện trưởng Viện KHXH và NV TPHCM. Thiếu tướng Cao Long Hỷ – trưởng ban liên lạc truyền thống TSQ VN TPHCM là cựu TSQ Miền Đông Nam bộ; và Thiếu tướng Nguyễn Việt Quân – Ủy viên T.Ư Đảng, Chính ủy Quân khu 9; Thiếu tướng Phan Tấn Tài – Phó tư lệnh Quân khu 7… là TSQ thời chống Mỹ.
Những thành công mà các cựu Thiếu sinh quân đạt được đã làm rạng danh nước nhà, Tổ quốc ghi nhận sự đóng góp lớn lao của họ, đó là những con người của một phần lịch sử. Cho đến hôm nay, họ vẫn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước, tích cực xây dựng đất nước sánh vai với năm châu. Những bài học, những kinh nghiệm mà họ để lại được các thế hệ tiếp nối lắng nghe, thực hiện với một tinh thần cao nhất, tinh thần của Đảng, của Bác Hồ
Hồng Đinh
Nguồn: Cánh Cò