Ngày 26/08/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn Hiệp định về Dẫn độ giữa hai nước Việt – Trung. Nhân đó, giới “dân chửi” tung tin đồn rằng hiệp định này là lý do khiến 395 nghi phạm người Trung Quốc trong đường dây đánh bạc online tại Hải Phòng đã được bàn giao cho công an Trung Quốc; và 4 người Trung Quốc trong đường dây sản xuất ma túy ở Bình Định “chỉ bị phạt hành chính”.
Từ đó, họ công kích Hiệp định, và công kích Chính phủ Việt Nam theo 2 hướng tuyên truyền.
Trong hướng thứ nhất, họ viết rằng Hiệp định này đã được đàm phán, ký kết một cách thiếu minh bạch, thiếu dân chủ. Cụ thể, báo chí chính thống không đưa tin về quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định, Quốc hội Việt Nam chưa phê chuẩn Hiệp định, và nội dung của Hiệp định chưa được đăng lên Internet. Từ đó, họ quy kết rằng Chính phủ Việt Nam đã “ký chui” Hiệp định với Trung Quốc, và che giấu thông tin với người dân Việt Nam.
Trong hướng thứ hai, họ tung tin đồn rằng đây là một hiệp ước bất bình đẳng khiến Trung Quốc được lợi và Việt Nam chịu thiệt. Chẳng hạn, Đặng Đình Mạnh viết rằng Việt Nam đã “khước từ một phần chủ quyền quốc gia” khi trả về Trung Quốc những công dân Trung Quốc phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam, trong khi theo thông lệ quốc tế, tội phạm người nước ngoài phạm tội ở quốc gia nào sẽ được quốc gia đó xét xử. Chu Vĩnh Hải tung tin rằng Trung Quốc sẽ xử án nhẹ cho tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam, rồi gửi họ lại Việt Nam với hộ chiếu mới để gây bất ổn; hoặc Trung Quốc sẽ đưa tù nhân sang lao động trong các cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam, khiến người Việt Nam mất công ăn việc làm và an ninh, trật tự bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, những cáo buộc vừa nêu của họ có dấu hiệu võ đoán và sai sự thật, vì 5 lý do.
Thứ nhất, vì 3 vụ việc ở Hải Phòng, Kon Tum và Bình Định đều là chuyên án phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc, và đều diễn ra trước ngày 26/08, chúng nằm trong bối cảnh của Hiệp định Tương trợ Tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc (có hiệu lực từ năm 1998), chứ không hề liên quan đến Hiệp định Dẫn độ Việt – Trung.
Thứ hai, không có chuyện người Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam được miễn trách nhiệm hình sự. Trong thực tế, 395 nghi phạm ở Hải Phòng phù hợp để bàn giao cho công an Trung Quốc, bởi dịch vụ đánh bạc trực tuyến của họ chủ yếu do khách hàng ở Trung Quốc tiêu thụ; còn các đối tượng sản xuất ma túy ở Kon Tum và Bình Định đã bị phía Việt Nam khởi tố vào ngày 14/09:
Thứ ba, thực ra báo chí chính thống đã đưa tin về việc Hiệp định Dẫn độ Việt – Trung được khởi động đàm phán vào năm 2013, ký kết vào năm 2015, và thúc đẩy phê chuẩn vào năm 2017, chứ không “che giấu thông tin”:
Thứ tư, có khả năng Hiệp định chưa được đưa lên Internet do hai bên chưa trao đổi văn kiện phê chuẩn, khiến Hiệp định chưa có hiệu lực trong thực tế.
Thứ năm, Đặng Đình Mạnh và Chu Vĩnh Hải không thể phỏng đoán về tác động của Hiệp định Dẫn độ Việt – Trung khi họ còn chưa biết nội dung Hiệp định.
Các hoạt động tuyên truyền vừa nêu nằm trong bối cảnh của đợt biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hong Kong (khởi phát từ ngày 06/06/2019), và việc Trung Quốc liên tục cho tàu xâm phạm bãi Tư Chính ở Việt Nam (bắt đầu được đưa tin từ ngày 12/07/2019). Vì vậy, có thể giới “dân chửi” chỉ đang cố gán những sự kiện không liên quan với nhau, trong kỳ vọng rằng dư luận Việt Nam sẽ lặp lại phản ứng của dư luận Hong Kong trước Luật Dẫn độ.
Nguồn: Loa phường