Muốn phòng ngừa tận gốc những kẻ cơ hội, lươn lẹo chui vào vị trí lãnh đạo và bộ máy công quyền, cần phải chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ, trước hết cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng trong nhiệm kỳ tới.
Đây là ý kiến bao trùm trong nhiều ý kiến hồi âm của cán bộ, đảng viên và người dân sau khi bài viết “Không để những kẻ cơ hội, lươn lẹo chui vào bộ máy công quyền” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 12-9-2019.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Lơ là, mất cảnh giác với những kẻ cơ hội cũng là một tội ác
Trước đây, khi cách mạng còn trong trứng nước, thời kỳ Đảng mới ra đời, vào những năm 30 của thế kỷ trước, những kẻ cơ hội chính trị nổi lên như một thế lực chống phá Đảng quyết liệt từ bên trong, nhưng chúng ta đã sớm nhận diện, phát hiện, phê phán đến cùng, đấu tranh quyết liệt và đã loại chúng ra khỏi đời sống chính trị. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, những kẻ cơ hội chính trị mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta ví như “con lươn, con chạch” không dễ nhận diện, vạch mặt chỉ tên một cách chính xác, vì những đối tượng này thường có những lời nói, cử chỉ, hành vi rất tinh vi, nếu ai không tỉnh táo thì dễ bị họ lấy lòng, mua chuộc. Để phòng ngừa, ngăn chặn những kẻ cơ hội chui vào cấp ủy khóa mới và bộ máy công quyền, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện đầy đủ, tuân thủ nghiêm túc, chấp hành triệt để các chỉ thị, quy định của Đảng về công tác cán bộ.
Bấy lâu nay vấn đề khó khăn nhất và cũng là khâu yếu nhất vẫn là việc đánh giá, nhận xét cán bộ. Nếu ban thường vụ, cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cấp ủy tâm không trong, dạ không sáng, bản lĩnh không vững vàng, lại bị chi phối bởi những mối quan hệ thiếu lành mạnh thì những kẻ cơ hội có nhiều điều kiện được quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt ở những vị trí công tác thuận lợi. Tôi nhớ một câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đại ý: Lơ là, mất cảnh giác với những kẻ cơ hội cũng là một tội ác đối với Đảng, với nước, với dân. Do vậy, tôi đề nghị các cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải hết sức tỉnh táo với những đối tượng “nói hay, diễn giỏi, hùng biện khéo” và tìm mọi cách “vòng vèo” để lọt vào cấp ủy khóa mới với động cơ háo danh, vụ lợi.
TS Quản Minh Cường, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương): Đề cao vai trò của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ để góp phần “sàng lọc” những kẻ cơ hội
Cùng với việc đề phòng sai lầm về chủ trương, đường lối, việc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội chính trị và vi phạm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng là cực kỳ quan trọng. Trước thềm đại hội đảng các cấp, cần phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ.
Trên cơ sở Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp tiến hành rà soát, thẩm tra, thẩm định, kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ thuộc thẩm quyền. Công tác thẩm định phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình. Bảo đảm tất cả các trường hợp cán bộ, đảng viên được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới đều phải được thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị; kiên quyết không để sót, lọt những trường hợp cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nhưng lại được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý. Các nhân sự phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị khóa XII. Bản thân mỗi nhân sự khi được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm.
Đại tá, PGS, TS Lê Duy Chương, Học viện Chính trị: Tăng cường trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cấp ủy
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải quán triệt, nắm chắc và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”, qua đó góp phần sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn những kẻ cơ hội chính trị lọt vào cấp ủy khóa mới. Các cấp ủy viên, ủy viên thường vụ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy có vai trò hết sức quan trọng trong triển khai thực hiện Kết luận 55 của Ban Bí thư. Vì thực tế cho thấy, những kẻ cơ hội, giả tạo, lươn lẹo thường tìm mọi cách lấy lòng người đứng đầu cấp ủy để hy vọng “ba năm phấn đấu không bằng một giờ cơ cấu”.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong việc tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng thông qua góp ý, phê bình để người đứng đầu có đủ thông tin và sáng suốt trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp. Từng cấp ủy đều phải giám sát người đứng đầu, kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín, phẩm chất, năng lực; những nhân sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết, thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý, không có dũng khí đấu tranh bảo vệ người tốt, lẽ phải trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát cán bộ, đảng viên
Tôi thấy những vấn đề mà Báo Quân đội nhân dân nêu ra trong bài viết “Không để những kẻ cơ hội, lươn lẹo chui vào bộ máy công quyền” là phản ánh đúng tình hình thực tiễn hiện nay. Người dân thường có câu cửa miệng “Nói vậy nhưng không phải vậy” nhằm ám chỉ, phê bình những cán bộ, đảng viên chỉ biết nói hay, nói dẻo, nói đúng như nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhưng làm không đến nơi đến chốn, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Đây cũng là một biểu hiện đáng quan tâm của những kẻ thực dụng, cơ hội chính trị thời nay.
Muốn phòng ngừa, ngăn chặn được những đối tượng này lọt vào cấp ủy khóa mới, theo tôi ngoài việc làm tốt công tác giáo dục, nâng cao đạo đức, ý thức tự trọng, đức tính liêm sỉ cho cán bộ, đảng viên, chúng ta cần coi trọng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc giám sát cán bộ, đảng viên. Việc làm này dựa trên cơ sở Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua việc giám sát cán bộ, đảng viên, MTTQ sẽ tập hợp ý kiến các của thành viên mặt trận về những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, nhất là cán bộ được quy hoạch giới thiệu vào cấp ủy khóa mới, từ đó cấp ủy đương nhiệm có thêm kênh thông tin tham khảo quan trọng để đánh giá trung thực, khách quan, công tâm về phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ; đồng thời góp phần phòng ngừa được những trường hợp nhân sự không đủ tiêu chuẩn lọt vào nhiệm kỳ khóa tới.
Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trường Sĩ quan Chính trị: Bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch khi đánh giá cán bộ
Để phòng, chống và ngăn chặn những kẻ cơ hội chính trị, lươn lẹo chui vào bộ máy công quyền, công tác chuẩn bị nhân sự của các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện theo đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư.
Một trong việc cần làm nghiêm túc hiện nay là đánh giá cán bộ phải chặt chẽ, thực chất, dân chủ, khách quan, minh bạch, đánh giá đa chiều, đánh giá từ trên xuống, từ dưới lên, đánh giá trong nội bộ, đánh giá trong quần chúng ở nơi cán bộ, đảng viên công tác và nơi đảng viên, cán bộ cư trú. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình chuẩn bị nhân sự theo 5 bước đã được Đảng ta quy định rất cụ thể, rõ ràng; đồng thời cần đề cao trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan kiểm tra, nội chính, tổ chức… trong việc tham mưu, thẩm định, đánh giá, sàng lọc nhân sự vào cấp ủy khóa mới, kiên quyết loại trừ ngay những kẻ cơ hội chính trị từ bước 1 trong quy trình chuẩn bị nhân sự. Có “đầu vào” tốt chúng ta mới hy vọng có đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo khóa mới thật sự vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, giàu nhiệt huyết, trách nhiệm, tinh thần cống hiến vì nước, vì dân.
(Theo QĐND)
Nguồn: Cánh Cò