Cứ sau mỗi trận chung kết năm của “Đường lên đỉnh Olympia” là trên mạng lại vang lên không ít những câu mỉa mai, rằng đấy không phải là chương trình kiếm tìm nhân tài cho nước mình, mà cho Australia hay Mỹ bởi các quán quân sẽ không quay về cống hiến cho đất nước sau khi kết thúc khoá học mà định cư ở nước ngoài vì lương cao, môi trường làm việc tốt; thậm chí một số người còn đổ lỗi cho cơ chế, rằng nhà nước không có chính sách phù hợp để thu hút nhân tài…
Cần khách quan thừa nhận một thực tế rằng, trong số 19 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” nhận học bổng du học của chương trình và sau khi đi học ở xứ người, đến nay chỉ có 3 em là trở về nước làm việc. Thế nhưng, đó không phải là cái cớ để chúng ta có thể vội vã chỉ trích các em hay đỗ lỗi cho cơ chế, chính sách về thu hút nhân tài của nhà nước… Suy cho cùng “Đường lên đỉnh Olympia” cũng chỉ là một gameshow trên truyền hình và phần thưởng dành cho nhà vô địch là do đơn vị tư nhân tài trợ, không phải Bộ GD&ĐT. Bởi vậy, thí sinh có quyền tự do chọn lựa nơi mình cảm thấy phù hợp để sống và làm việc. Rõ ràng, việc về nước hay ở lại là do quyết định cá nhân của mỗi em và nó cần được tôn trọng.
Có nhiều cách để đóng góp cho đất nước không nhất thiết phải sống hoặc làm việc tại nơi mình sinh ra. Một quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” đã từng chia sẻ rằng “trong thế giới phẳng hiện nay, về nước cống hiến hay tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài đều là con đường đóng góp cho đất nước;…khi được giao lưu với những người giỏi, làm việc trong môi trường tiên tiến hơn thì kiến thức, ý tưởng thu được chắc chắn sẽ có giá trị với quê hương”. Hay như mới đây, em Trần Thế Trung, quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 19 khi trả lời báo chí về việc sẽ trở về Việt Nam hay ở lại nước ngoài sau khi hoàn thành khóa học thì cũng cho biết: “Tất nhiên, những anh chị đi du học và ở lại nước ngoài cũng có cách riêng để xây dựng đất nước. Nhưng với riêng em, em có lý do để quay về. Có thể bởi em sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, ông em là Trưởng khoa lịch sử Đảng, bố em là sỹ quan quân đội và mẹ em lại là một giáo viên dạy Chính trị nên từ nhỏ em luôn mong ước được gắn bó với quê hương, đất nước mình”.
Thật vậy, sống, làm việc tốt ở trong nước hay ở nước ngoài, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật, làm rạng danh hình ảnh nước Việt Nam theo cách của mình mới là điều trân quý và nó hơn gấp vạn lần những kẻ mang danh đi học, định cư ở nước ngoài nhưng thực ra làm ô uế đất nước chỉ vì những suy nghĩ hẹp hòi, vụ lợi cá nhân… Có thể thấy, vấn đề lớn nhất của những nhà vô địch Olympia là tình yêu Tổ quốc. Chỉ cần tình yêu đó chảy trong huyết quản của họ thì dù ở bất cứ đâu họ cũng sẽ giúp được đất nước. Tất nhiên việc xây dựng môi trường, cơ chế phù hợp hơn để thu hút người tài quay về cống hiến cũng là điều đặt ra rất cấp bách và nó không chỉ riêng đối với Việt Nam.
Rõ ràng, những suy diễn chủ quan, định kiến xung quanh chuyện về nước hay ở lại nước ngoài của các quân “Đường lên đỉnh Olympia” đã đến lúc cần được dừng lại./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam Mới (vnnew.net)