Sự cố môi trường Rạng Đông đã cho chúng ta nhiều bài học về sự phối hợp ngang dọc, về hiểu biết và về thông tin trong ứng phó với các sự cố môi trường.
Cho đến hôm nay, chung tay cùng với chính quyền TP Hà Nội, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học đã tích cực tham gia tẩy độc, khắc phục sự cố môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Các chỉ số quan trắc của Hà Nội và của các đơn vị độc lập mà Hà Nội thuê đều cho thấy, môi trường xung quanh khu vực đã an toàn.
Thực ra, vụ cháy Rạng Đông đã bị truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng với những kền kền 2 mặt đẩy lên quá mức cần thiết khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nếu như che dấu thông tin về những độc hại là tội ác thì việc thổi phồng quá mức những thông tin tương tự để dọa dẫm người dân, rủa xả chính quyền cũng là một tội ác, thậm chí là tội ác ghê tởm.
Đã có hàng loạt bài viết của những cây viết (chủ yếu là nhà báo ẩn danh) trên mạng xã hội có xu hướng bơm bít, nghiêm trọng hóa vấn đề, nhưng không phải vì dân mà là vì lợi dụng vụ việc gây bất ổn xã hội. Một số bài viết công khai trên báo đòi minh bạch thông tin, chỉ trích chính quyền vô căn cứ.
Rõ ràng, việc minh bạch thông tin là cần thiết, nhưng vụ việc vừa xảy ra, chính quyền đang đôn đáo khắc phục hậu quả, cơ quan chức năng đang điều tra thì làm sao có đủ thông tin mà công bố. Ngay cả thông tin của Bộ TNMT cũng là vội vã vì WHO không có quy chuẩn như họ tưởng.
Cái gì cũng cần thời gian và cách nhìn đa diện, nhiều chiều. Vụ này, một số người đòi công bố đầy đủ thông tin về thủy ngân trong không khí, trong đất và trong nước dù là chính đáng thì cũng khó có thể đáp ứng ngay lập tức. Và khi chưa được đáp ứng, họ lu loa lên rằng chính quyền dối trá, là vô trách nhiệm (ví dụ như báo Thanh Niên), là che dấu sự thật, là tội ác…
Thực tế, khi vụ việc xảy ra chính quyền đã vào cuộc, đồng thời bằng cách này hay cách khác cảnh báo cho người dân và minh bạch thông tin. Rất tiếc, chính quyền không thể đáp ứng được tất cả các con số mà báo chí, mạng xã hội đòi hỏi. Chính quyền cần số liệu để công bố, nhưng số liệu lại do các cơ quan chuyên môn thu thập và các cơ quan này cũng cần thời gian để làm việc. Đây là điều xảy ra không chỉ đối với Việt Nam mà xảy ra ngay cả với các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ.
Một ví dụ điển hình là cho đến nay, Mỹ vẫn che dấu mức độ nguy hại của chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã rải trên lãnh thổ Việt Nam thời trước năm 1975.
Một điển hình không kém là vụ cháy nhà thờ Đức Bà ở Paris diễn ra hôm 15/4/2019. Cho đến nay, sau 5 tháng, chính phủ Pháp vẫn từ chối công bố đầy đủ mức độ ô nhiễm chì, cho dù các nhà khoa học đã tính ra, có tới 460 tấn chì bị cháy trong biển lửa nhà thờ Đức Bà.
Theo điều tra của tờ New York Times, mức độ bụi chì gần Nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy cao hơn 1.300 lần so với tiêu chuẩn an toàn của Pháp. Và nhà chức trách Pháp vẫn từ chối công bố đầy đủ kết quả xét nghiệm nhiễm chì, khiến công chúng hoang mang.
Tờ VietnamNet viết: “Theo kết quả điều tra, 460 tấn chì đã bị nhấn chìm trong ngọn lửa khi phần mái và tháp nhọn của nhà thờ bị thiêu trụi, đe dọa sức khỏe cộng đồng và làm dấy lên lo ngại ở Paris suốt mùa hè. Mức độ ô nhiễm ở những khu vực gần nhà thờ và các trường học, trung tâm giữ trẻ cùng các vùng khác của Paris đều lên mức báo động do bụi độc hại. Khi lửa hoành hành và mái nhà sụp đổ, chì bao phủ mái nhà và tháp nhọn đã bị phân tán thành bụi. Mức độ bụi chì lắng đọng gần nhà thờ cao hơn tới 1.300 lần so với hướng dẫn an toàn của Pháp. Chì lan rộng khắp trung tâm Paris, đọng lại trong các trường học, công viên và những khu vực công cộng khác”.
Tờ New York Times viết: “hơn 6.000 trẻ em dưới 6 tuổi sống trong khu vực có mức độ nhiễm chì báo động. 48 giờ sau vụ cháy, chính phủ Pháp xác định phơi nhiễm chì là vấn đề nghiêm trọng nhưng một tháng sau họ mới tiến hành kiểm tra mức độ chì tại một trường học gần nhà thờ. Thậm chí đến hiện tại, quan chức y tế thành phố và khu vực vẫn chưa kiểm tra mọi trường học gần nhà thờ”.
Thực tế, chính quyền Pháp đã không làm sạch toàn bộ khu vực ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn và mất 4 tháng để hoàn thành việc khử độc toàn bộ khu phố. Bộ Văn hóa Pháp cũng không thực thi quy chuẩn an toàn cho công nhân làm việc tại hiện trường vụ cháy, khiến họ tiếp xúc với mức độ chì cao hơn 1.000 lần so với tiêu chuẩn được chấp nhận. Hàng trăm trẻ em đã đến trường học gần Nhà thờ Đức Bà suốt nhiều tuần trước khi chính quyền bắt đầu kiểm tra mức độ chì hoặc khử độc các tòa nhà vào giữa tháng 5.
Bà Anne Souyris, phó thị trưởng phụ trách y tế công cộng ở Paris, cho biết chính quyền địa phương không công khai kết quả xét nghiệm vì họ muốn phối hợp với quan chức nhà nước. “Quan chức nhà nước lo ngại sẽ khiến người dân sợ hãi. Họ cho rằng họ sẽ bảo vệ người dân bằng cách không công bố vấn đề”, bà Anne Souyris cho hay.
Vụ Rạng Đông, người dân đã không phải sợ hãi, không phải bán nhà ra đi nếu không có sự dọa dẫm, thêu dệt của truyền thông xã hội với những mục đích chính trị bẩn thỉu. Rõ ràng, người dân chưa bị nhiễm độc thủy ngân thì đã nhiễm độc thông tin từ báo chí và truyền thông bẩn.
Cuteo@
Nguồn: Tre làng