Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách, vì ủy ban nhiều Ủy viên T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy rất khó triệu tập họp.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội chiều 14.9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo dự án luật Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết về tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong Quốc hội, hiện vẫn có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, khoản 2 điều 23 của luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.
Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kế hoạch số 07-KH/TW.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của luật hiện hành theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên mức cao hơn (37 – 40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà T.Ư đã đề ra.
Ban soạn thảo thấy rằng, hiện tại tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm, song con số này đến nay vẫn chưa đạt được.
Quốc hội khóa 14 hiện nay có 167 đại biểu chuyên trách trên tổng số 484 đại biểu, cũng mới chiếm 34,5%.
Trước đó, Quốc hội khóa 9 có 37 đại biểu chuyên trách (chiếm 9,44%), khóa 10 có 45 đại biểu chuyên trách (chiếm 10%), khóa 11 đã có nhiều đổi mới cả về tổ chức và hoạt động nhưng cũng chỉ có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm 24,3%), khóa 12 có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,4%) và khóa 13 có 164 đại biểu chuyên trách (chiếm 32,8%).
Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật.
Quan điểm thứ nhất này được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật tán thành, với lý do “cách quy định tỷ lệ tối thiểu như luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa”.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu sửa đổi theo phương án này thì việc tăng “tính chuyên nghiệp, tính chuyên trách” là không nhiều. Ông Hải kiến nghị nên tăng số đại biểu chuyên trách lên.
“Hiện chúng tôi đang đá đội hình 1 – 4 – 5, 1 chủ nhiệm ủy ban, 4 phó chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực, không đủ. Tại sao ta không tìm được chuyên trách, vì điều động về rất khó. Tìm người ta không về. Kể cả quy hoạch người ta cũng bảo đưa em ra khỏi quy hoạch”, ông Hải cho biết, đồng thời nêu thêm việc Ủy ban Tài chính – Ngân sách có quá nhiều Ủy viên T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy, nên triệu tập họp rất khó, biểu quyết rất khó (trong tổng số 44 thành viên của ủy ban này, có 13 Ủy viên T.Ư, 9 Bí thư Tỉnh ủy – phóng viên).
“Đề nghị tăng số lượng lên, vì hoạt động cần chuyên gia giỏi. Cầu thủ đá nhiều mới có đội trưởng hoặc mới có tiền đạo tốt, đây lãnh đạo lại nhiều hơn thì không có cầu thủ mạnh được”, ông Hải kiến nghị.
Vũ Hân/Thanh Niên
Nguồn: Cánh Cò