Trong khi chờ đợi xem có trường hợp nào bị “nhiễm độc thủy ngân”, thì cả xã hội đã được chứng kiến tình trạng “nhiễm độc thông tin”… Thông tin nhiều, loãng, nhưng thiếu nhất quán trong phát ngôn và truyền tải thông tin sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân, nhất là những người trực tiếp sinh sống tại khu vực gần nhà máy công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Điều này thể hiện một sự nhiễu loạn về truyền thông, chưa chắc đã nhiễm độc thủy ngân mà đã nhiễm độc thông tin.
Liên quan vụ cháy công ty Rạng Đông và đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường do thủy ngân lan ra môi trường. Các thông tin về khả năng ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm đến dồn dập, từ nhiều phía, theo nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau và đặc biệt thông tin không thống nhất từ phía mọi phía.
Dự luận đang xôn xao về việc vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông có phải là một “thảm họa” môi trường? Mức độ rò rỉ của thủy ngân (nếu có) ra ngoài môi trường tự nhiên thực sự là bao nhiêu, khi mà các kết quả đo đạc, các phát ngôn và thông tin khác nhau đến như vậy?
Những người trong cuộc đang phải xử lý hậu quả của đám cháy, hay đang xử lý cuộc tranh luận trên các diễn đàn, trên cả các phương tiện thông tin đại chúng lẫn dư luận (mạng) xã hội? Người dân sống xung quanh Công ty Rạng Đông được hưởng lợi gì từ những cuộc tranh luận này, khi mà tình hình sau vụ cháy có vẻ còn “nóng” hơn cả bản thân đám cháy đó? Hình ảnh một vài quan chức, chuyên gia với mặt nạ phòng độc xuất hiện tại hiện trường tiếp tục châm ngòi cho các cuộc tranh cãi về mức độ nhiễm độc sau đám cháy…
Lướt qua mạng xã hội, chúng ta có thể thấy nhiều lời “kêu cứu”, “buộc tội” các kiểu. Có ý kiến đề nghị phải có một “ủy ban cấp quốc gia” để xử lý “thảm họa môi trường” này. Có ý kiến cho rằng sự cố này với sự cố môi trường biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Cá biệt, có ý kiến nâng tầm câu chuyện lên ngang với thảm họa hạt nhân Tchernobyl ở Ukraine, cho rằng câu chuyện Rạng Đông và Tchernobyl giống nhau ở sự “gian dối” của nhà chức trách khi xử lý thảm họa… Lác đác có báo đưa quan điểm cần phải di dời dân xung quanh khu vực đám cháy, rồi thì biến địa điểm hiện tại của Công ty Rạng Đông thành công viên, thành các khu chung cư cao tầng…
Báo chí, truyền thông xã hội có lẽ đang đẩy vụ việc đi quá xa. Những nạn nhân thực sự của đám cháy (người dân, Công ty Rạng Đông) tiếp tục “được” trở thành “nạn nhân” trong các cuộc khẩu chiến trên báo, trên mạng. Ai đó đã nhân danh họ để dấy lên một cuộc đối đầu giữa một bên là “công luận mạng”, một bên là chính quyền. Cho rằng chính quyền Hà Nội vô trách nhiệm; lãnh đạo quận Thanh Xuân và lãnh đạo TP.Hà Nội vô cảm đối với sức khỏe, sự an toàn của người dân ở gần hiện trường đám cháy nhà kho, xưởng sản xuất công ty Rạng Đông; doanh nghiệp dấu diếm, thờ ơ trước sự khốn khổ của người dân sống quanh khu vực…
Với sự phát triển của xã hội hiện nay, không khó để tìm thấy một kịch bản ứng phó hoàn hảo trước nhiều sự cố, cho dù là thiên tai hay nhân tai… Nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí của người trong cuộc, liệu có thể “bình tĩnh đối phó” được không, khi mà các “cao thủ chém gió” về chữ nghĩa trên báo, trên mạng xã hội đang đẩy các bên vào một cơn “khủng hoảng” truyền thông như vậy?
Làm báo thời buổi mạng xã hội bùng nổ như hiện nay có một thực tế là nhiều khi phóng viên, nhà báo chẳng phải đi tìm thông tin đâu xa, chỉ cần mở mạng ra để thấy đâu là những vấn đề, câu chuyện nóng đang được xã hội quan tâm, xem các bên đang tranh cãi như thế nào, và rồi quyết định cũng viết về câu chuyện đó. Công việc đơn giản chỉ là mang các ý kiến, thông tin đó lắp ghép, xào xáo lại theo văn phong của mình có thể là tán thành, phản đối, lên án, quan ngại…. Và cái chu kỳ đó lại được lặp lại, cứ thế các chủ đề hot, bài giật gân liên tục được bắn ra, mặc cho sự thật có là gì.
Ngay tại thời điểm xảy ra sự cố, chính quyền các cấp, từ thành phố đến quận, phường lập tức vào cuộc, huy động các lực lượng tại chỗ như bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia hỗ trợ chữa cháy, di chuyển và bảo vệ tài sản của người dân. Tinh thần ấy còn truyền được tới những người dân sở tại. Đồng cảm với những vất vả, sự vật lộn của các lực lượng cứu hỏa, hàng chục người dân cũng đã nhiệt tâm tham gia tiếp sức, bằng những chai nước, những chiếc bánh mì và góp sức hỗ trợ di chuyển con người và vật dụng đến nơi an toàn… Đó là trách nhiệm, là tình người trong hoạn nạn. Ấy vậy mà những vấn đề này lại chẳng được mấy ai quan tâm. Lạ thật?
Thiết nghĩ, qua vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải sớm xây dựng một quy trình xử lý sự cố, trong đó bao gồm cả quy trình, cách thức thông tin đến người dân… Tránh tình trạng “nhiễm độc thông tin” làm người dân thật sự hoang mang, mất niềm tin phần nào đó vào sự lãnh đạo của chính quyền.
Ngọc Lan
Nguồn: Bản tin Dân chủ